Giáo sư Anthony Martin bên hóa thạch tổ "quái thú" mà ông đã phát hiện - Ảnh: Melissa Hage |
Tác giả chính của nghiên cứu, giáo sư Anthony Martin từ Đại học Emory (Mỹ) cho biết khi đi trên một con đường ven biển cực Nam đảo San Salvador, ông đã tình cờ nhận thấy một dấu vết hóa thạch bất thường trên mỏm đá vôi. Xem xét kỹ, ông phát hiện ra đó chính là tổ của một con kỳ nhông đá. Nhưng để hóa thạch được, chiếc tổ chắc chắn đã phải tồn tại từ rất lâu trước đó!
Hình ảnh tái hiện con kỳ nhông đá cổ đại và chiếc tổ đầy trứng - Ảnh: Anthony Martin |
Theo Sci-News, giáo sư Martin và các đồng nghiệp đã dựa vào những phiến đá cổ màu đỏ đang bao bọc chiếc tổ và phát hiện niên đại lên đến 115.000 năm. Phần xương và trứng hóa thạch cho thấy các sinh vật cổ đại trong tổ có vẻ ngoài không khác những con cự đà thời hiện đại.
Theo các tác giả, không chỉ 115.000 năm, mà giống loài này đã tồn tại từ kỷ Phấn Trắng muộn, tức khi loài khủng long còn sống, với vẻ ngoài không mấy thay đổi. Kết cấu vững chắc của chiếc hang hóa thạch có thể là manh mối cho sự tồn tại bền vững của loài bò sát này.
Phát hiện cũng giúp giải mã bí ẩn vì sao kỳ nhông đá xuất hiện trên hòn đảo bị cô lập này, vì trước đó người ta tin rằng nó chỉ mới cư ngụ ở đây khoảng 12.000 năm, là niên đại cổ xưa nhất của bộ xương từng được tìm thấy. Với niên đại 115.000 năm, rất có thể lúc đó hòn đảo chưa hề bị cô lập. Hiện loài kỳ nhông đá này đang trên bờ vực tuyệt chủng do sự săn bắt của con người.