Mốt tách lưỡi có nguồn gốc từ Nhật Bản nhưng giờ đã lan tới nhiều quốc gia, dành cho tất cả những ai có “máu điên” trong người. Khi quyết định tách lưỡi, giới trẻ kỳ vọng bản thân sẽ có diện mạo “ngầu hơn”, trội hơn.
Số khác lại cho rằng chỉ đơn thuần muốn thử cảm giác lạ, khi chán sẽ khâu lại nhưng thủ thuật này còn đau đớn gấp bội lần xẻ lưỡi.
Ít ai biết, để làm đẹp theo cách kỳ quái này, người chơi phải chịu đựng những cơn đau khủng khiếp. Theo đó, họ phải dùng dao mổ tiệt trùng, xẻ lưỡi làm đôi từ đầu lưỡi kéo dài đến 2/3 lưỡi. Xong xuôi, phải khâu dọc vết xẻ để tránh 2 mảnh lưỡi dính lại với nhau. Một số ít trường hợp xẻ lưỡi bằng laser.
Nhiều bạn trẻ thích cảm giác mới lạ với trào lưu tách lưỡi |
Thông thường, vết thương trên lưỡi sau tách sẽ lành sau 1-2 tuần, dân chơi sẽ có chiếc lưỡi xẻ giống lưỡi con thằn lằn, tuy nhiên không ít trường hợp gặp các biến chứng khủng khiếp như mất máu, nhiễm trùng, tổn thương thần kinh, khó thở và khó nuốt, thậm chí tổn thương tâm lý.
Trên thực tế, rất ít bác sĩ thẩm mỹ nhận phẫu thuật xẻ lưỡi vì quá nhiều rủi ro. Tại Anh và xứ Wales, bác sĩ nào thực hiện loại phẫu thuật này được cho là vi phạm pháp luật kể từ tháng 3/2018.
“Chúng tôi đặc biệt khuyến cáo mọi người không nên thử tách lưỡi vì nó có quá nhiều rủi ro về sức khỏe”, Hiệp hội phẫu thuật thẩm mỹ của Anh cảnh báo.
James Keen, 19 tuổi đến từ Kentucky, Mỹ đã nhờ một thợ săm hình địa phương xẻ lưỡi cho mình sau khi bị bác sĩ phẫu thuật từ chối. Thợ xăm hình dùng dao mổ, tiệt trùng trên đèn khò rồi rạch, không cần gây mê.
May mắn James không gặp biến chứng nghiêm trọng nào nhưng hiện tại việc phát âm khó khăn hơn trước. Trường hợp của Essie Hakim, New York, Mỹ cũng tương tự. Sau khi xẻ lưỡi, cô cho biết bản thân đã phải tập nói lại từ đầu.