Kết quả XN thủy ngân dân khu vực Rạng Đông, Cty chịu trách nhiệm gì?
(Kiến Thức) - Trong số gần 1.200 người dân được khám miễn phí tại 2 trạm y tế sau vụ cháy Công ty Rạng Đông, 464 người được chuyển lên bệnh viện thực hiện xét nghiệm chuyên sâu, bước đầu đã có kết quả xét nghiệm 30 người...
Báo chí dẫn thông tin từ Sở Y tế Hà Nội cho hay: Từ ngày 6/9 đến 9/9, đã có gần 1.200 người sống gần nơi xảy ra vụ cháy Công ty Rạng Đông đến khám sức khỏe tại các trạm y tế phường.
Trong số đến khám, 464 người đã được chuyển đến các bệnh viện: Đống Đa, SaintPaul, Thanh Nhàn để thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu. Trong số trường hợp xét nghiệm, 30 mẫu đã có kết quả, hàm lượng thủy ngân trong máu được xác định đều an toàn, dưới ngưỡng cho phép...
|
Gần 1.200 người dân sống, làm việc quanh Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông đi khám. Ảnh: Báo Giao thông. |
Tuy nhiên, một vấn đề nảy sinh sau vụ cháy khiến dư luận người dân bức xúc đó là việc Công ty Rạng Đông đã lấp liếm, bưng bít thông tin khi báo cáo về việc sử dụng thủy ngân lỏng trong sản xuất.
Theo đó, báo cáo về vụ cháy mấy ngày trước cả Công ty Rạng Đông, Sở Tài nguyên và môi trường Hà Nội, UBND quận Thanh Xuân đều báo cáo Công ty Rạng Đông đã nghiên cứu sử dụng loại amalgam thay thế cho thủy ngân lỏng trước đây và đưa vào sản xuất từ năm 2016.
Nhưng Tổng cục Môi trường cho biết phải qua "đấu tranh" và kiểm tra thực tế, Công ty Rạng Đông mới thừa nhận toàn bộ 480.000 bóng đèn huỳnh quang bị cháy sử dụng thủy ngân lỏng (độc tính cao hơn viên amalgam).
Nhiều người cho rằng hành vi cung cấp thông tin gian dối, bưng bít của Rạng Đông trực tiếp khiến người dân bị ảnh hưởng về sức khỏe bởi họ không có thông tin chính xác để chủ động phòng chống, ứng phó.
Ngoài ra, việc bưng bít thông tin của Rạng Đông còn thể hiện sự coi thường tính mạng của hàng ngàn người gồm cả lực lượng chức năng chữa cháy và những người quanh khu vực.
Rạng Đông phải chịu trách nhiệm bồi thường cho dân
Bàn về trách nhiệm trong vụ cháy Rạng Đông, đặc biệt là trách nhiệm sức khỏe đối với người dân, luật sư Trần Tuấn Anh (Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch, Hà Nội) cho biết trên Báo Sức khỏe cộng đồng rằng, Công ty Rạng Đông là bên phải chịu trách nhiệm chính.
"Mặc dù còn phải chờ kết luận của Cơ quan điều tra để xác định lỗi trong vụ việc này, tuy nhiên, khi vụ cháy xảy ra ở Công ty Rạng Đông thì trước hết đơn vị này phải nhanh chóng công bố công khai hóa chất đã sử dụng để sản xuất bóng đèn, có giải pháp kịp thời khắc phục hậu quả, lấy lại niềm tin người tiêu dùng cũng như trấn an dự luận.
|
Toàn cảnh vụ cháy nhà máy Công ty Rạng Đông chụp từ trên cao. Ảnh: Báo Sức khỏe cộng đồng. |
Tuy nhiên, trên thực tế Công ty này phản ứng rất chậm trễ, thậm chí gian dối trong công bố thông tin, lập lờ rằng công ty này đã đưa vào nghiên cứu sử dụng viên amalgam thay thế thủy ngân để sản xuất bóng đèn từ năm 2016.
Mãi cho đến khi Tổng Cục Môi trường đấu tranh, lãnh đạo Công ty Rạng Đông mới thừa nhận toàn bộ 480.000 bóng đèn huỳnh quang bị cháy sử dụng thủy ngân lỏng (độc tính cao hơn viên Amalgam). Điều này cho thấy sự thiếu trung thực, vô trách nhiệm và vô cảm của Công ty Rạng Đông", luật sư nói.
Luật sư Tuấn Anh cho rằng, nếu ai đó xác định bị nhiễm thủy ngân, vượt quá ngưỡng cho phép thì Công ty Rạng Đông sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm.
Luật sư khẳng định: "Về mặt pháp lý, dù có lỗi hay không có lỗi thì Công ty Rạng Đông cũng phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho những người bị ảnh hưởng khí độc do phát tán từ Công ty ra bên ngoài.
Theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015, chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi".
Theo ông Nguyễn Minh Đức - Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phân tích, Luật Bảo vệ môi trường yêu cầu đơn vị gây sự cố môi trường phải khắc phục ô nhiễm và phục hồi môi trường theo yêu cầu của cơ quan quản lý Nhà nước.
Vụ cháy nhà máy Rạng Đông là một sự cố môi trường và Công ty Rạng Đông phải chịu toàn bộ chi phí của việc khắc phục ô nhiễm.
Về trách nhiệm dân sự, ông Đức cho rằng phải theo nguyên tắc của bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Theo đó, người dân trong khu vực có thể yêu cầu bồi thường về tài sản, sức khỏe.