Kênh YouTube đưa tin NSND Hồng Vân qua đời gây bức xúc trên mạng xã hội. |
Trao đổi với Kiến Thức, luât sự Diệp Năng Bình - Trưởng văn phòng luật sư Tinh thông luật) phân tích: "Hành vi xuyên tạc, loan tin, bịa đặt sai lệch về người khác ngày càng phổ biến. Nhất là tình trạng giới nghệ sĩ Việt Nam bị sử dụng hình ảnh, thông tin để giật tít, bôi nhọ và viết bài sai sự thật ngày càng có chiều hướng gia tăng. Có thể thấy tin giả về nghệ sĩ trên mạng xã hội rất khó kiểm soát nhưng lại gây ảnh hưởng lớn đến tên tuổi nghệ sĩ".
Theo luật sư, điều 21 Hiến pháp 2013 quy định mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình. Luật Công nghệ thông tin, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự cũng có những quy định về vấn đề này.
Luật sư Diệp Năng Bình (Trưởng văn phòng luật sư Tinh thông luật - đoàn luật sư TP Hà Nội_ |
Căn cứ Điều 34 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân và quy định tại Điều 584, từ Điều 589 đến Điều 592 Bộ luật Dân sự về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, thì cá nhân bị xâm phạm có quyền yêu cầu người vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm, yêu cầu đính chính, xin lỗi công khai và bồi thường thiệt hại.
Luật An ninh mạng được Quốc hội khóa XIV, Kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 12/6/2018 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2019. Điều 8, Luật An ninh mạng quy định các hành vi bị nghiêm cấm về an ninh mạng trong đó có hành vi như: thông tin sai sự thật gây hoang mang trong Nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.
Nghị định số 15/2020/NĐ-CP “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử”, có hiệu lực thi thành từ ngày 15/4/2020. Đáng chú ý, Nghị định này tăng mức xử phạt đối với các hành vi lợi dụng mạng xã hội đăng tải, chia sẻ thông tin sai sự thật.
"Nếu xác định được chính xác người tung tin đồn thất thiệt và tin đồn đó có tính chất vu khống thì theo quy định tại Điều 156 BLHS 2015 có thể phạt tù từ 3 tháng đến 7 năm về tội Vu khống. Ngoài ra, Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Vì vậy, khi các cá nhân nhận thấy danh dự, nhân phẩm của mình bị xâm hại cần có đơn khiếu nại gửi đến cơ quan công an hoặc tòa án để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình" - luật sư Diệp Năng Bình cho biết thêm.
Điều 101, Nghị định số 15/2020/NĐ-CP quy định mức xử phạt đối với hành vi “Vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội”.
Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau: Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân;...
Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này.
Trước đó, tối ngày 17/8, trên trang Facebook cá nhân của quản lý NSND Hồng Vân đăng tải bài viết phản ánh việc nhiều website, trang tin, kênh YouTube lợi dụng hình ảnh và tên tuổi của NSND Hồng Vân, tung tin giả với mục đích tăng tương tác và view (lượng người xem).
Trong đó, kênh YouTubeT** *** 24H TV đăng tải đoạn video với tiêu đề "NSND Hồng Vân ra đi đột ngột ở tuổi 54". Mở đầu đoạn clip, kênh YouTube T** *** 24H TV thông báo NSND Hồng Vân đã qua đời với lý do đột quỵ. Ngay lập tức, clip có 78.000 lượt xem.