Theo thống kê của Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, Hà Nội có 4.651 bệnh nhân COVID-19 đang được theo dõi và điều trị tại bệnh viện.
Đáng chú ý, trong số các bệnh nhân đang điều trị, có 3.902 bệnh nhân nhẹ và không có triệu chứng (chiếm 83,9%); 699 bệnh nhân ở mức độ trung bình (chiếm 15%); 50 bệnh nhân nặng và nguy kịch (chiếm 1,1%).
Trong số 50 bệnh nhân nặng, có 46 ca phải thở oxy qua mask, gọng kính, 2 bệnh nhân phải thở máy không xâm lấn; một bệnh nhân thở máy xâm lấn và một bệnh nhân phải lọc máu.
Điều trị bệnh nhân COVID-19 (Ảnh minh họa). |
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia dịch tễ, việc Hà Nội có tỷ lệ bao phủ vaccine COVID-19 cao (đặc biệt là các đối tượng yếu thế như người cao tuổi, người có bệnh nền) đã giúp tỷ lệ bệnh nhân diễn tiến nặng thấp.
Những ngày vừa qua, Hà Nội tiếp tục ghi nhận nhiều bệnh nhân COVID-19, cùng với đó là sự xuất hiện của các chuỗi lây nhiễm mới. Đáng chú ý trong ngày 4/12, Thủ đô phát hiện hơn 600 F0.
Theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà, khi thực hiện phương châm thích ứng an toàn với dịch bệnh thì F0 tăng lên trong cộng đồng cũng nằm trong kịch bản của Hà Nội.
Sở Y tế Hà Nội cũng tiến hành phân tầng điều trị, theo đó:
- Tầng một: Điều trị tại tuyến y tế cơ sở, tại nhà.
- Tầng 2: Điều trị tại các bệnh viện trên toàn địa bàn thành phố.
- Tầng 3: Điều trị tại các bệnh viện hạng 1, bệnh viện trung ương đóng trên địa bàn.
Theo Lãnh đạo CDC Hà Nội, trong thời gian tới, số ca COVID-19 vẫn tiếp tục gia tăng. Tuy nhiên, nếu người dân nâng cao ý thức về phòng chống dịch có thể làm chậm đà "leo thang" của dịch bệnh. Từ đó, giúp hệ thống y tế có thời gian củng cố, nâng cao năng lực, tránh hiện tượng bị quá tải.
Lãnh đạo CDC Hà Nội cũng nhấn mạnh, trong tình hình mới, Hà Nội luôn bám sát theo chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả COVID-19. Theo đó, thành phố sẽ có các biện pháp chống dịch COVID-19 phù hợp với từng cấp độ dịch cụ thể. Mặc dù số F0 tăng nhưng Thủ đô sẽ không giãn cách diện rộng như trước đây.