Em không phải là tù binh của anh

Nàng đã thực sự bị giam cầm ngay trong chính ngôi nhà đã từ lâu lặng tiếng đàn của mình.

Ngày lên xe hoa, nàng nghĩ cuộc sống của mình toàn màu hồng. Anh biết đánh những bản nhạc làm nàng xao xuyến. Xao xuyến tới mức nàng luôn nhớ tới anh. Nhớ anh nhiều làm nàng quên đi những lời bàn ra tán vào vì tính cách không đẹp của anh. Nàng mặc kệ những lời bàn tán ấy và để chúng rơi ngoài khung cửa sổ, nơi mà nàng luôn nhìn ra để ngắm những bông hoa hồng đẫm sương. Rồi, tình yêu ấy của nàng kết thúc bằng lễ thành hôn trang trọng, ấm cúng.

Cuộc sống màu hồng của nàng tồn tại khoảng tháng trăng mật. Tháng ngày ấy nàng không thể quên. Sáng nào, khi bình minh thức giấc, anh cũng đánh đàn cho nàng thưởng thức một vài bài trước khi đi làm. Rồi đến tối, anh lại đánh đàn đưa nàng vào giấc ngủ. Ngày nào anh cũng gọi điện cho nàng hàng chục lần hỏi han nàng đang làm gì. Bản nhạc và những cử chỉ ân cần của anh khiến nàng như mộng du trong tình yêu.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Nhưng cuộc sống đâu chỉ màu hồng, còn có cả nước mắt mà nàng bắt đầu nếm trải. Những bản nhạc dần thưa vắng, thay vào đó là những “bài ca” của chồng. Anh ta thán là đi làm mệt mỏi vì phải nuôi vợ trong khi mọi thứ ngày càng trượt giá. Mà đâu phải nàng muốn chồng nuôi. Nàng đang làm văn thư tại một cơ quan, lương không nhiều nhưng cũng đủ nuôi mình.

Nhưng khi lập gia đình, anh bảo nàng nghỉ làm, ở nhà làm người vợ chuyên tâm với xoong nồi, quần áo, chăm sóc gia đình. Vốn là người mộng mơ, nghĩ mọi điều đơn giản, lại bồng bềnh nghĩ rằng chồng yêu mình nên không muốn mình đi làm vất vả, chẳng suy nghĩ nhiều, nàng đặt đơn xin nghỉ việc trước sự níu kéo, ánh mắt nghi ngại của các đồng nghiệp.

Đúng như anh muốn, nàng chuyên tâm vào đến việc nội trợ, chuyên tâm vào chăm sóc chồng mà không nghĩ đến việc khác. Ấy vậy mà bây giờ anh lại đay nghiến nàng chuyện đó. Nàng muốn đi làm lại để không còn là người phụ thuộc nhưng anh lại không đồng ý. Nàng thấy mâu thuẫn quá. Nhiều đêm suy nghĩ về mâu thuẫn này rồi chị được trả lời bằng giọng rít của chồng: “Cho cô đi làm khác nào để xe SH ngoài chợ không trông, không khóa”. Ôi, những lời bay bổng bỗng bay đâu, thay vào đó là sự ví von đầy hiện thực khiến nàng choáng váng. Thì ra, anh không muốn nàng đi làm vì sợ mất nàng.

Rồi việc gọi điện hàng chục lần mỗi ngày khiến nàng xúc động ấy hóa ra là để kiểm soát nàng. Sự “phong tỏa” ngày càng nặng nề. Từ khi lấy chồng, nàng chưa được về nhà bố mẹ dù nhà bố mẹ không xa. Mỗi lần nàng muốn về, anh toàn tìm cách trì hoãn, trì hoãn chán thì xổ toẹt: “Thuyền theo lái rồi, về nhà đó làm gì cho rách việc!”.

Nhân lúc anh đi làm, nàng ghé qua nhà. Chẳng biết làm thế nào mà anh biết, anh về đã giang tay tát nàng chảy máu mũi và dọa nếu gặp bất cứ người nào mà anh chưa cho phép sẽ bị đánh bầm giập người. Bố mẹ còn không được gặp nói gì đến anh chị em, bạn bè. Nàng đã thực sự bị giam cầm ngay trong chính ngôi nhà đã từ lâu lặng tiếng đàn của mình.

Lo sợ người yêu “ghen hiểm“

Người yêu em luôn ghen tuông vô cớ, đã đọc rất nhiều câu chuyện vì ghen tuông mà dẫn tới hậu quả đáng tiếc. Em rất lo sợ.

Chị thân mến!

Em 23 tuổi, người yêu cũng bằng tuổi em. Chúng em yêu nhau từ hồi em đang học lớp 12 và bây giờ thì em đã ra trường được 1 năm.

Thật sự em rất yêu anh và em biết anh cũng vậy. Chúng em yêu nhau không gặp trở ngại gì từ phía gia đình. Nhưng anh luôn ghen tuông vô cớ. Trước đây em còn đi học thì có ghen nhưng ít. Bây giờ em đã đi làm, công việc của em là ở cơ quan Nhà nước nên không tránh khỏi việc giao tiếp.

Vì ghen tuông mà anh hành xử rất trẻ con, hễ có người gọi điện thoại cho em mà là con trai là anh ấy ghen, anh ấy còn đỗ lỗi là vì em dễ dãi nên người ta mới gọi điện mặc dù là gọi vì công việc. Những lúc không đi làm hay đi chơi với bạn bè em cũng vậy. Ví như đi đám cưới thì anh cũng kiểm soát, khi anh gọi điện là phải về ngay, điều này khiến em rất khó xử với bạn bè.

Anh đi làm ở Sài Gòn, em ở quê, mỗi năm anh về một hoặc hai lần. Nhà anh ấy cách nhà em khoảng 10km nhưng nếu anh về quê là hầu như ngày nào anh cũng ra nhà em chơi, anh ít đi chơi với bạn bè.

Trước đây anh ham chơi, phá phách vì anh là con út trong nhà. Nhưng anh nói từ khi yêu em anh đã thay đổi. Có lần cãi nhau anh còn đập phá điện thoại của em nữa. Em đang làm ở một cơ quan Nhà nước nhưng mới chỉ làm hợp đồng, còn anh thì không có việc làm ổn định.

Em cần thương nhau thật sự chứ không sợ nghèo khó. Tuy ở xa nhưng đi đâu em cũng nói với anh ấy vì em biết anh ấy rất ghét nói dối (nếu em có nói dối là anh làm rất lớn chuyện). Và vì em nghĩ đã yêu thì không có gì phải nói dối nhưng anh không bao giờ tin lời em nói.

Vì ở xa nên mỗi lần anh không cho em đi chơi nhưng em vẫn đi, vậy là anh cứ liên tục gọi điện, còn nhắn những lời thiếu tôn trọng, thậm chí còn chửi em là con đĩ này đĩ nọ.

Đôi lúc em không biết đây có phải là tình yêu không nữa. Em rất buồn mà không biết làm sao. Và vì em cũng yêu anh nên tha thứ cho anh nhiều lần. Sau mỗi lần ghen tuông là em không nói chuyện với anh, thế là anh xin lỗi.

Anh nói vì sợ mất em nên anh mới làm vậy, sau này cưới về rồi anh sẽ hết ghen. Anh nói mỗi lúc ghen là anh như trở thành người khác, cũng không biết vì sao anh lại hành động như vậy.

Bình thường anh rất thương và quan tâm em, đến nỗi bạn bè em cũng phải ghen tị và nói em là người hạnh phúc. Nhưng đôi lúc em lại không thể chịu đựng được tính khí ấy. Em nói chia tay thì anh năn nỉ để em quay lại và hứa sẽ cố gắng thay đổi. Có lần năn nỉ em không được, anh dọa là anh về quê ngay và lúc đó sẽ không biết chuyện gì sẽ xảy ra (theo em hiểu thì như là dọa giết).

Đã đọc rất nhiều câu chuyện vì ghen tuông mà dẫn tới hậu quả đáng tiếc. Em rất lo sợ. Với em đi làm là quan trọng, nhưng anh nói sau khi cưới thì em ở nhà buôn bán với anh.

Nhưng em là chị cả trong một gia đình ba chị em, bố mẹ làm nông nên cũng nghèo mà đã nuôi em ăn học 3 năm trời. Bố mẹ rất kỳ vọng ở em, giờ em không muốn làm buồn bố mẹ. Phải làm sao để anh ấy tin em và bỏ cái tính ghen tuông vô cớ? Em nên tiếp tục yêu hay là chia tay, hở chị?

Chị đừng in e-mail của em.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Em thân mến!

Lá thư làm chị băn khoăn nhiều. Các em yêu sớm, cả hai lúc ấy 18 tuổi, chắc là mối tình đầu và là tình học trò hoa mộng. Em đi cao đẳng 3 năm, cậu ấy không học lên, đi làm và tình yêu tiếp tục trong cách trở. Và cậu ấy từng quậy quạng, phá tiền phá của vì là con trai út.

Nếu các em đi cùng con đường học vấn, chắc chắn tình hình đã khác. Chị biết nhiều cậu trai bỏ lỡ cuộc đời mình vì cha mẹ nuông chiều, có sẵn tiền nên hư sớm. Và vì không học lên để có tấm bằng (dù bằng cấp đâu quan trọng, có khi ra trường cũng thất nghiệp dài dài), nhưng đi học để tắm mình trong môi trường có thầy có cô, có bạn bè cao đẳng hoặc đại học.

Môi trường ấy rất khác với việc ở bên lề, nhìn bạn bè mình có tri thức và khi đã phải kiếm sống thì luôn ngậm đắng nuốt cay vì mình không bằng người ta.

Ở xa, thua thiệt em về vị trí xã hội, cậu ấy giở cái mánh ghen một cách ác liệt để hù và giữ em. Cũng có kết quả đó chứ. Em luôn bị kiểm soát và muốn yên thân thì hy sinh nhiều mối quan hệ công việc và bạn bè đi. Ấy là chưa kể cậu ta có máu ghen thật, như chàng Ô-ten-lô trong kịch Sếch-xpia ấy em biết không?

Ghen do máu ghen, ghen do làm quá lên vì hoàn cảnh, ghen do yếm thế… nhưng vì cái gì thì cũng là tính xấu. Và hành xử vậy mãi rồi thành tật, thành quen và thành nghiện. Nghiện vì mình điều khiển được vợ, nghiện vì mình có uy và nghiện vì nghiện, chẳng vì cái gì cả.

Em mới 23, còn qúa trẻ. Cậu ấy còn trẻ hơn, vì chỉ bằng tuổi em mà thôi. Lại ở quá xa, yêu và thương khi xa nó khác, về gần mà ghen kiểu ấy thì sớm muộn gia đình cũng tan. Tan vì bạo hành vợ, tan vì gia đình không còn thể diện gì, tan vì hết bạn bè, tan vì nguy hiểm rình rập mà vợ cảm thấy, hàng ngày. Nhất định cậu ấy sẽ ghen lâu dài và sẽ bắt em nghỉ việc công sở.

Có đủ yêu thương để kéo dài không? Nếu là chị, chị sẽ cắt. Để thoát ra một người không nghề nghiệp, có “tiền sự” quậy phá và ghen tuông bất chấp. Thương bố mẹ là phải nghĩ đến an toàn và tương lai của mình. Chị thấy em sợ và lo hơn là phục và yêu.

Nên cân nhắc kỹ và cẩn trọng với cái gã ghen hiểm và có thể, sẽ là ghen độc, ghen ác đấy nhá.

Cõi gia đình bị biến dạng

Có ai nhìn vào những thế hệ hậu ly hôn, hậu ly thân, để trả lời câu hỏi ấy mà giữ cõi sống bình yên cho con cái?

Chị là một người đẹp, đẹp nổi tiếng ở trường đại học Q. Và, chị cũng lạnh lùng nổi tiếng như lời đồn của đám sinh viên trường ấy. Chị lấy chồng cùng quê, có một đứa con trai, rồi vợ chồng chia tay, nghe đâu vì anh nghe lời mẹ hơn vợ.

Cũng có thể như người ta nói - hồng nhan đa truân. Chị dẫn con vào thành phố sống. Xinh đẹp, độc thân, nhiều người theo đuổi, nhưng bao nhiêu năm chị vẫn sống một mình. Chị viết thư hỏi Hạnh Dung, cách nào để con trai chị đừng bị cái gánh trách nhiệm với mẹ đè lên vai, làm sao để con trai chị để ý yêu đương ai đó, làm sao để chị sớm có cháu bồng… Con trai chị đã là bác sĩ, đã 36 tuổi mà vẫn “nhẹ tâng”. Hạnh Dung nghe chị mô tả, hình như trong lòng anh bác sĩ trẻ ấy không có ai ngoài mẹ. Chẳng biết có khi nào chị nghĩ tới cuộc xung đột ngày xưa đã khiến chị bước ra khỏi gia đình chồng, sống một mình cho tới tận hôm nay?

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Một bức thư khác của một người bạn 29 tuổi, nói mình đã quyết định không lập gia đình, vì thực lòng không thấy rung động với ai. Điều khiến bạn ấy băn khoăn là bố mẹ. Bạn là con trai một, cha mẹ mong có cháu nối dõi. Bạn nói, giá trời ban cho bạn một người khiến bạn thay đổi, một chút thôi cũng được, bạn sẵn sàng cưới, bạn đủ khả năng lo chu toàn cho gia đình, nhưng trời không ban! Bạn vẫn “trơ như đá vững như đồng” không thể đánh lừa bản thân vì hoàn toàn không có cảm xúc với ai! Hỏi ra mới biết, cha mẹ bạn sinh được mình bạn rồi sống ly thân. Họ không thể ly hôn, nhưng chừng ấy năm mỗi người sống cuộc đời riêng. Điều họ cần là một đứa cháu trai mang họ của dòng tộc, vì dù phong lưu chỗ này chỗ nọ nhưng cha bạn vẫn không có thêm đứa con nào nữa. Bạn là niềm hy vọng duy nhất. Giờ bạn phải làm sao?...

Nghe chuyện như thời trung cổ, với những bi kịch cá nhân, với ràng buộc gia phong, với những tâm tư kín cổng cao tường lạc lõng giữa thời hiện đại. Nhưng ngẫm lại, thấy giữa những câu chuyện ấy có một mối dây liên hệ nào đó. Những con người bị giam cầm sau lớp cửa của gia đình, mà trong đó tình yêu đã tàn lụi, dù có sống chung với nhau hay sống một mình, thì cũng chỉ là những chiếc bóng mang trong mình nỗi cô đơn truyền kiếp. Những đứa trẻ lớn lên trong những gia đình ấy cũng mang theo mình nỗi cô đơn như một gia tài thừa kế vô thức, để rồi rất có thể sẽ lại tự khép mình trong thế giới riêng.

Q. cũng là một trường hợp lớn lên trong gia đình không đầy đủ mẹ cha. Cha cô, bằng ý chí và công sức của mình, đã quyết nuôi con gái ăn học thành tài. Lấy bằng thạc sĩ ở nước ngoài, về làm việc tại một trường đại học được bảy năm, cô viết đơn gửi công đoàn trường thông báo trường hợp đặc biệt của mình: cô muốn đến bệnh viện thụ tinh ống nghiệm để có một đứa con, cô không muốn lấy chồng, nhưng cũng không muốn quá mất độ tuổi sinh nở, trong khi cha cô rất mong cô lập gia đình, mong có cháu. Lá đơn của cô làm công đoàn “choáng”, vì rõ ràng đây là một lời tuyên bố miễn trách nhiệm cho giới đàn ông, cũng là để công đoàn không đánh giá cái việc không chồng mà chửa của cô dưới lăng kính đạo đức thường thức!

Khi công nhận ly hôn, xã hội đã xuất phát từ việc công nhận quyền tự do, bình đẳng của người phụ nữ, xuất phát từ việc giải phóng con người. Và cũng như vậy, đối với những trường hợp làm mẹ đơn thân. Nhưng, có một góc khuất ít người để ý, đó là chuyện trong khi hình mẫu gia đình bình thường vốn đã được xây dựng, củng cố hàng ngàn năm, thì những hình thức gia đình mới cũng đang trong thời kỳ chật vật tìm một hướng tồn tại, đảm bảo được yếu tố cân bằng cho sự phát triển và hoàn thiện nhân cách của thế hệ kế tiếp. Khi loay hoay trong cõi hẹp của riêng mình, nhiều thứ đã bị đánh mất mà người ta không biết, khi nhận ra kết quả sai lạc so với mong muốn, cũng là khi đã không thể sửa chữa được nữa...

Mỗi ngày Hạnh Dung nhận bao nhiêu thư, với bao nhiêu cuộc hôn nhân đang vẫy vùng, ngoi ngóp. Với những người đàn ông lẫn đàn bà trong hoàn cảnh ấy, ly hôn trở thành một lối thoát gần hơn cả, dễ dàng hơn cả. Không ai hình dung cõi gia đình ấy khi bị biến dạng, bị xé làm nhiều mảnh, cho dù còn lại mẹ hay cha, cũng sẽ trở thành một cõi vô tình, sẽ khô cằn lắm, khó khăn lắm cho sự lớn lên bình thường của những đứa trẻ. Ly hôn, rồi sao nữa? Có ai nhìn vào những thế hệ hậu ly hôn, hậu ly thân, để trả lời câu hỏi ấy mà giữ cõi sống bình yên cho con cái?

Đọc nhiều nhất

Tin mới