Câu chuyện hi hữu được chia sẻ trên trang 163.com của Trung Quốc. Được biết, hai gia đình vốn là hàng xóm thân thiết. Rất trùng hợp, cả hai bà vợ cùng lúc mang thai. Để thuận tiện chia sẻ kinh nghiệm chăm con, 2 người phụ nữ đăng kí sinh tại một bệnh viện. Ngày dự sinh tới gần, 2 bà mẹ gói ghém đồ đạc vào viện làm thủ tục phẫu thuật mổ bắt con, thuận lợi sinh ra những đứa trẻ kháu khỉnh, khỏe mạnh.
Kể từ khi có thành viên mới, 2 gia đình vốn thân lại càng thân, mọi thứ đều có thể chia sẻ. Thời gian dần trôi, bé trai và bé gái thuở nào ngày càng khôn lớn, đường nét trên mặt cũng rõ ràng hơn. Có điều, ông bố nhận thấy bé gái con hàng xóm giống mình. Một lần, anh xem tivi có bản tin phát về trường hợp trẻ sơ sinh bị trao nhầm tại bệnh viện lại càng hoang mang. Để giải đáp thắc mắc trong lòng bấy lâu, anh lén xét nghiệm ADN của cả hai đứa trẻ.
Nhận nhầm trẻ sơ sinh tuy hiếm nhưng vẫn tồn tại, cha mẹ cần hết sức thận trọng. |
Kết quả nhận được đúng như những gì anh lo lắng. Con trai không cùng huyết thống với anh và vợ. Trong khi đó, bé gái mới thực sự là con ruột. Dù đã chuẩn bị trước song kết quả vẫn khiến anh khó có thể chấp nhận. Sợ vợ lo lắng, anh lặng lẽ mang kết quả trao đổi riêng với hàng xóm. Trước bằng chứng xác thực, người hàng xóm biết không thể giấu giếm thêm nên đành thú nhận. Hóa ra, bản thân anh ta chỉ thích con gái. Khi 2 bà vợ đang trong phòng hậu phẫu, anh ta nhanh tay lén đổi thông tin của 2 đứa bé. Bản thân anh ta nghĩ, 2 gia đình đều là người tốt, hoàn cảnh kinh tế tương đương, lại ở gần nhau nên dù có đổi thì họ vẫn có thể chứng kiến con ruột mình khôn lớn, nuôi dạy đàng hoàng nên không hề do dự.
Trước lý luận của hàng xóm, ông bố dù phát hiện sự thật song vẫn chưa thể đưa ra quyết định cuối cùng. Thời gian chăm sóc, anh và vợ đều có tình cảm đặc biệt với con trai. Hơn nữa, con gái ruột anh cũng đang được nuôi nấng rất tốt. Liệu các cháu có vượt qua được sự thật khó khăn này?
Thực tế, câu chuyện nhận nhầm trẻ sơ sinh tuy hiếm song thực sự vẫn tồn tại. Để đảm bảo không rơi vào tình huống đáng tiếc, bố mẹ nên:
Chú ý đến chiếc vòng thông tin trên tay/chân mỗi trẻ. Ở các bệnh viện, trẻ sơ sinh và mẹ sẽ được cấp 1 chiếc vòng nhỏ ghi lại thông tin, đặc điểm nhận dạng của trẻ. Cha mẹ nên đặc biệt chú ý đến chúng.
Nhận biết trẻ sơ sinh thông qua đặc điểm thể chất. Trẻ sơ sinh khá giống nhau, vì vậy cha mẹ khi nhận con nên tìm các đặc điểm khác biệt trên cơ thể như vết bớt, nốt ruồi để ghi nhớ. Trường hợp nghi ngờ bị trao nhầm trẻ, bố mẹ hãy dựa vào đặc điểm này để xác định.
Cha mẹ nên ở cạnh con cái. Khi trẻ mới chào đời, y tá sẽ giúp mẹ chăm sóc, tắm rửa cho trẻ. Nếu có thể, cha mẹ nên ở cạnh con lúc này. Đây là một trong những thời điểm dễ trao nhầm trẻ sơ sinh mà bạn hoàn toàn có thể tránh được.