Cõi gia đình bị biến dạng

Có ai nhìn vào những thế hệ hậu ly hôn, hậu ly thân, để trả lời câu hỏi ấy mà giữ cõi sống bình yên cho con cái?

Chị là một người đẹp, đẹp nổi tiếng ở trường đại học Q. Và, chị cũng lạnh lùng nổi tiếng như lời đồn của đám sinh viên trường ấy. Chị lấy chồng cùng quê, có một đứa con trai, rồi vợ chồng chia tay, nghe đâu vì anh nghe lời mẹ hơn vợ.

Cũng có thể như người ta nói - hồng nhan đa truân. Chị dẫn con vào thành phố sống. Xinh đẹp, độc thân, nhiều người theo đuổi, nhưng bao nhiêu năm chị vẫn sống một mình. Chị viết thư hỏi Hạnh Dung, cách nào để con trai chị đừng bị cái gánh trách nhiệm với mẹ đè lên vai, làm sao để con trai chị để ý yêu đương ai đó, làm sao để chị sớm có cháu bồng… Con trai chị đã là bác sĩ, đã 36 tuổi mà vẫn “nhẹ tâng”. Hạnh Dung nghe chị mô tả, hình như trong lòng anh bác sĩ trẻ ấy không có ai ngoài mẹ. Chẳng biết có khi nào chị nghĩ tới cuộc xung đột ngày xưa đã khiến chị bước ra khỏi gia đình chồng, sống một mình cho tới tận hôm nay?

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Một bức thư khác của một người bạn 29 tuổi, nói mình đã quyết định không lập gia đình, vì thực lòng không thấy rung động với ai. Điều khiến bạn ấy băn khoăn là bố mẹ. Bạn là con trai một, cha mẹ mong có cháu nối dõi. Bạn nói, giá trời ban cho bạn một người khiến bạn thay đổi, một chút thôi cũng được, bạn sẵn sàng cưới, bạn đủ khả năng lo chu toàn cho gia đình, nhưng trời không ban! Bạn vẫn “trơ như đá vững như đồng” không thể đánh lừa bản thân vì hoàn toàn không có cảm xúc với ai! Hỏi ra mới biết, cha mẹ bạn sinh được mình bạn rồi sống ly thân. Họ không thể ly hôn, nhưng chừng ấy năm mỗi người sống cuộc đời riêng. Điều họ cần là một đứa cháu trai mang họ của dòng tộc, vì dù phong lưu chỗ này chỗ nọ nhưng cha bạn vẫn không có thêm đứa con nào nữa. Bạn là niềm hy vọng duy nhất. Giờ bạn phải làm sao?...

Nghe chuyện như thời trung cổ, với những bi kịch cá nhân, với ràng buộc gia phong, với những tâm tư kín cổng cao tường lạc lõng giữa thời hiện đại. Nhưng ngẫm lại, thấy giữa những câu chuyện ấy có một mối dây liên hệ nào đó. Những con người bị giam cầm sau lớp cửa của gia đình, mà trong đó tình yêu đã tàn lụi, dù có sống chung với nhau hay sống một mình, thì cũng chỉ là những chiếc bóng mang trong mình nỗi cô đơn truyền kiếp. Những đứa trẻ lớn lên trong những gia đình ấy cũng mang theo mình nỗi cô đơn như một gia tài thừa kế vô thức, để rồi rất có thể sẽ lại tự khép mình trong thế giới riêng.

Q. cũng là một trường hợp lớn lên trong gia đình không đầy đủ mẹ cha. Cha cô, bằng ý chí và công sức của mình, đã quyết nuôi con gái ăn học thành tài. Lấy bằng thạc sĩ ở nước ngoài, về làm việc tại một trường đại học được bảy năm, cô viết đơn gửi công đoàn trường thông báo trường hợp đặc biệt của mình: cô muốn đến bệnh viện thụ tinh ống nghiệm để có một đứa con, cô không muốn lấy chồng, nhưng cũng không muốn quá mất độ tuổi sinh nở, trong khi cha cô rất mong cô lập gia đình, mong có cháu. Lá đơn của cô làm công đoàn “choáng”, vì rõ ràng đây là một lời tuyên bố miễn trách nhiệm cho giới đàn ông, cũng là để công đoàn không đánh giá cái việc không chồng mà chửa của cô dưới lăng kính đạo đức thường thức!

Khi công nhận ly hôn, xã hội đã xuất phát từ việc công nhận quyền tự do, bình đẳng của người phụ nữ, xuất phát từ việc giải phóng con người. Và cũng như vậy, đối với những trường hợp làm mẹ đơn thân. Nhưng, có một góc khuất ít người để ý, đó là chuyện trong khi hình mẫu gia đình bình thường vốn đã được xây dựng, củng cố hàng ngàn năm, thì những hình thức gia đình mới cũng đang trong thời kỳ chật vật tìm một hướng tồn tại, đảm bảo được yếu tố cân bằng cho sự phát triển và hoàn thiện nhân cách của thế hệ kế tiếp. Khi loay hoay trong cõi hẹp của riêng mình, nhiều thứ đã bị đánh mất mà người ta không biết, khi nhận ra kết quả sai lạc so với mong muốn, cũng là khi đã không thể sửa chữa được nữa...

Mỗi ngày Hạnh Dung nhận bao nhiêu thư, với bao nhiêu cuộc hôn nhân đang vẫy vùng, ngoi ngóp. Với những người đàn ông lẫn đàn bà trong hoàn cảnh ấy, ly hôn trở thành một lối thoát gần hơn cả, dễ dàng hơn cả. Không ai hình dung cõi gia đình ấy khi bị biến dạng, bị xé làm nhiều mảnh, cho dù còn lại mẹ hay cha, cũng sẽ trở thành một cõi vô tình, sẽ khô cằn lắm, khó khăn lắm cho sự lớn lên bình thường của những đứa trẻ. Ly hôn, rồi sao nữa? Có ai nhìn vào những thế hệ hậu ly hôn, hậu ly thân, để trả lời câu hỏi ấy mà giữ cõi sống bình yên cho con cái?

Biến cố trong những ngày chờ ly hôn

Đây thực sự là điều bất ngờ với chị vì lúc này chị lại không muốn ly hôn nữa. Tại sao lại bỏ người đàn ông lý tưởng đến thế?

Cuộc hôn nhân của anh chị hầu như không thể cứu vãn nổi. Mà cả hai vợ chồng cũng không có ý định cứu vãn nó. Từ lâu, mỗi người có cuộc sống riêng biệt, khép kín. Họ nghĩ sẽ có ngày ly hôn nhưng muốn chờ con cái trưởng thành, khôn lớn, nên trong mắt thiên hạ họ vẫn phải tỏ ra là một gia đình mẫu mực.

Điều này đảm bảo cho sự làm ăn ngoài xã hội cũng như sự thăng tiến của mỗi người, đặc biệt là tạo cho các con sự yên tâm về một mái ấm gia đình.

Thời điểm mà họ chính thức công khai với mọi người bằng một bản án ly hôn đã đến. Đó là lúc mà hai đứa con trưởng thành, bố mẹ đôi bên đều qua đời, địa vị xã hội cũng như kinh tế mỗi người đã ổn định. Họ chỉ chờ đứa con út du học trở về là chia tay. Bất ngờ, chị gặp rắc rối.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Đối tác lâu năm của chị, một ông chủ nước ngoài đột ngột “mất tích” cùng với khoản tiền lớn do chị và các cộng sự đầu tư. Chị không những mất tiền vào đó mà còn phải “giơ đầu chịu báng” với các đối tác còn lại. Bởi, đầu mối duy nhất còn lại là chị, không những là người thân tín của ông chủ nước ngoài mà còn là tình nhân của ông ta nữa, ai cũng biết điều đó. Đang đứng trước một cuộc ly hôn lại đối diện với sự phá sản, chị mất hết bản lĩnh, suy sụp hoàn toàn.

Không khó để anh biết chuyện gì xảy ra với chị, dẫu chị không hé răng nửa câu với anh về chuyện này. Là Giám đốc của một công ty luật nổi tiếng, anh tìm hiểu kỹ vấn đề của chị, tự mình đưa ra các giải pháp kịp thời để cứu vãn tình thế, trước hết là vấn đề pháp lý với các món nợ . Thay mặt chị, anh triệu tập một hội nghị đối tác – chủ nợ nhằm làm rõ việc đóng góp đầu tư như thế nào và trách nhiệm pháp lý của vợ đến đâu.

Thực tế, họ tin chị mới góp vốn làm ăn, mọi giấy tờ họ giao kết trực tiếp với ông chủ kia, rủi ro xảy ra thì họ phải chịu chứ không phải vì tin tưởng chị thì chị phải thay ông kia trả nợ. Tạm ổn với các đối tác, bằng mối quan hệ của mình, anh truy tìm lão chủ bỏ trốn. Vài lần ra nước ngoài, anh đã tìm được tung tích lão, bằng kiến thức pháp luật và bạn bè giúp đỡ, anh buộc lão hoặc trả nợ, hoặc đối diện với một vụ kiện trước tòa án. Tất nhiên là lão chọn phương án thứ nhất, lão có tài sản, vợ con, không dại gì mà trốn tránh pháp luật.

Mất hơn một năm trời cùng một khoản tiền lớn bỏ ra, anh đã cứu vãn được tình thế cho chị và quan trọng hơn là cứu chị ra khỏi tình trạng suy sụp tinh thần, giúp chị vững vàng trở lại. Về phần mình, chị cứ nghĩ anh làm mọi việc như vậy cũng chính là để cứu vãn cuộc hôn nhân với chị. Nhưng chị đã nhầm to, anh vẫn nhắc đến chuyện ly hôn như dự kiến.

Đây thực sự là điều bất ngờ với chị vì lúc này chị lại không muốn ly hôn nữa. Tại sao lại bỏ một người đàn ông lý tưởng đến thế?. Còn tiếp tục ư, chắc hẳn anh không đồng ý, vì anh có những nguyên tắc mà chị lại là người xâm phạm nguyên tắc đó, dễ gì anh đã tha thứ?. Làm thế nào để giữ được cuộc hôn nhân này – sáng mai ra tòa mà hôm nay chị vẫn nghĩ chưa ra…

Chờ anh đến… tuổi hưu?

Anh tính rồi, chừng nghỉ hưu, lo cho hai đứa nhỏ xong xuôi, công việc vợ con đầy đủ, khi đó anh sẽ ly hôn chung sống với em!

Tôi cúi mặt trước dự định tốt lành anh đang hớn hở vẽ ra cho mình. Tôi ba mươi hai tuổi, là nhân viên công ty anh từ lúc mới tốt nghiệp, đi làm đến giờ. Rồi tôi lấy chồng, cũng là đồng nghiệp. Hôn nhân không mấy hạnh phúc vì chồng tôi an phận, ít biết dịu ngọt quan tâm. Chúng tôi hay cãi nhau. Mỗi lần như vậy, tôi lại đi làm với đôi mắt sưng húp vì khóc và mất ngủ.

Anh nhận ra điều đó, hay bâng quơ an ủi tôi, rồi nâng đỡ tôi lên phó một bộ phận. Trong lúc buồn bã, yếu lòng, tôi ngã vào tay anh. Từ đó về sau, cứ thỉnh thoảng anh lại gọi tôi “cùng đi công việc” một lần. Tôi có thai với anh, nhưng không dám nói sự thật cho chồng tôi biết. Anh không nói gì, chỉ bảo, nếu muốn sinh con cho anh, thì phải ly hôn với chồng. Anh sẽ lo hết. Tôi loay hoay, cuối cùng quyết định báo tin “đổ vấy” cho chồng. Chồng tôi nhẹ nhàng bảo, hồi nhỏ anh bị quai bị, vô sinh, nếu em sinh con, chúng ta sẽ để nuôi, không có vấn đề gì. Tôi vừa nhục nhã vừa uất nghẹn với ý nghĩ: bấy lâu bị chồng lừa dối chuyện vô sinh. Tôi cương quyết đòi ly hôn. Chồng tôi cũng chẳng phản đối, chỉ nói đơn giản “tùy em quyết định”.

Hai mươi bảy tuổi, tôi thành người phụ nữ đã qua một lần đò, với cái bào thai cuối cùng cũng không giữ được. Tự do rồi, tôi chính thức cặp bồ với anh, tất nhiên là lén lút. Chồng cũ của tôi bị anh tìm cách cho nghỉ việc. Tôi cũng không bận tâm vì còn mải mê vui sướng với những chăm chút của anh, bằng lòng với những “chiến lợi phẩm” vật chất do anh mang lại.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Ban đầu tôi chỉ nghĩ đơn giản là mình kiếm một chỗ dựa, một người đàn ông để được bảo bọc. Nhưng dần dà, tình cảm phát sinh, tôi khóc thầm những đêm thui thủi một mình, thèm một người đàn ông cho riêng mình, nghĩ giờ này anh đang êm ấm bên vợ con, những người mà càng gần gũi bên anh, tôi càng cay đắng nhận ra, họ mới là người thân, được anh coi trọng. Còn tôi, dù có toàn tâm toàn ý với anh thế nào, tôi mãi mãi vẫn là người ngoài, một cô nhân tình trong bóng tối. Vậy thôi.

Một lần, tôi tình cờ nghe đám phụ nữ nhiều chuyện trong công ty thì thầm, sếp đang tăm tia em kế toán trẻ đẹp mới vào. Tôi giật mình, nhưng cho rằng đó chỉ là tin đồn của những kẻ ganh ăn tức ở, nhằm hạ uy tín anh. Muốn hỏi anh cho rõ, nhưng những quyền lợi kinh tế gắn kết nhau và cái vị thế nhân viên lệ thuộc đã ngăn tôi lại. Rồi lại rộ lên những xì xầm là có người gặp sếp “đi khách sạn” với cô nhân viên PR bốc lửa dưới chi nhánh. Tôi mặc kệ mọi thứ, nổi cơn tam bành với anh, buộc anh giải thích về những lời đồn đó. Anh chối quanh, thề thốt, mang dao ra dọa sẽ “chứng minh sự trong sạch” cho tôi thấy. Những lời dỗ dành của một người đàn ông nhiều kinh nghiệm cả cuộc sống lẫn tình trường đã làm tôi bùi tai…

Chừng ấy thời gian quen anh, tôi sống trong khổ sở vì ghen tuông, vì ra vô bệnh viện giải quyết, bởi những dằn vặt toan tính của riêng mình để giữ anh, một người đàn ông không có gì hấp dẫn bề ngoài. Chẳng hiểu tình yêu hay thói quen đã khiến tôi dù biết mình mù quáng vẫn không dứt ra được. Hạn hữu lắm, chúng tôi mới cùng nhau xuất hiện ở nơi công cộng, bởi sự chênh lệch tuổi tác thu hút những ánh mắt tò mò của người xung quanh. Điều đó làm cho anh khó chịu, khiến tôi ngại ngần. Tôi ngày càng vật vã với những hờn ghen của mình. Từ lúc bỏ đi cái bào thai thứ ba, tôi cũng không còn khả năng làm mẹ nữa… Lẽ ra, ở tuổi ngoài ba mươi, tôi vẫn có thể làm lại từ đầu. Tôi dư tự tin và kiêu hãnh để khiến anh phải lồng lộn, lo nắm giữ. Nhưng, tôi không làm được. Ngược lại, tôi loay hoay canh chừng những mối quan hệ của anh, mải mê tìm hiểu, thấp thỏm lo âu khi biết mình ngày càng nhàm chán, quen thuộc trong mắt anh. Lời dỗ dành rằng, tôi mới chính là chỗ dựa, là “đồng minh” của anh, khiến tôi mờ mắt bỏ qua những lần anh ham của lạ. Tôi là gì mà có thể ra mặt canh chừng anh? Vợ anh còn phải cam chịu kia mà! Tôi không ghen với chị ấy vì nghĩ chị chẳng có gì nguy hiểm, anh đối với gia đình chỉ là chu toàn là bổn phận. Tôi chỉ cần trái tim người đàn ông mình yêu …

Lâu rồi, những người theo đuổi tôi đã lần lượt bỏ cuộc. Chỉ vài năm nữa thôi, anh cũng tới tuổi hưu. Khi đó, anh sẽ thật sự thuộc về em, bù đắp cho em… Có lần, anh đề nghị tôi nghỉ việc cho êm chuyện, anh nuôi, nhưng tôi cương quyết gạt đi. Tôi im lặng ngó lại chính mình… Tôi đã trên dưới bốn mươi, không con cái, gia đình, chẳng có gì ràng buộc hoặc mong chờ… Tôi sẽ sở hữu một người đàn ông biết toan tính sắp đặt đời mình đâu ra đó, tinh tươm hết rồi. Tôi sẽ cùng người ấy đối mặt với những căn bệnh tuổi già, hay những ngày ấm êm thơ mộng như phim kiểu “trồng hoa nuôi gà” ư? Tôi sẽ hầu hạ anh bữa cơm ly nước, cùng anh ôn lại những ký ức đẹp đẽ trong cuộc đời bay nhảy của mình chăng? Không! Tôi chắc chẳng đủ dũng khí để “hốt cú chót” kiểu ấy. Thậm chí, để ngay lúc này, can đảm nhìn thẳng vào anh và hỏi một câu: Khi ấy, anh còn lại gì để mà cho em? tôi cũng u mê không làm nổi…

Đọc nhiều nhất

Tin mới