Khác với hình ảnh quen thuộc của các tỷ phú công nghệ xuất thân từ top trường danh giá, Beck lại là một trường hợp đặc biệt: một thợ máy không bằng đại học, đã chinh phục được vũ trụ và trở thành một "hiệp sĩ không gian".
Năm 16 tuổi, Beck nhận bằng tốt nghiệp trung học và đưa ra một quyết định táo bạo, khiến gia đình vô cùng kinh ngạc. Chàng trai trẻ không theo đuổi con đường học tập mà rẽ hướng theo nghề cơ khí vì chưa bao giờ cảm thấy đại học phù hợp với mình. Quyết định này không phải là sự thiếu suy nghĩ mà là sự lựa chọn dựa trên niềm tin vào khả năng tự học và thực hành của bản thân.
Năm 1995, Beck trở thành học viên làm khuôn mẫu và dụng cụ tại công ty Fisher & Paykel - một công ty chuyên máy rửa bát và máy giặt cao cấp.
Trong thời gian làm việc tại đây, anh đã tự học và sử dụng xưởng của công ty để thử nghiệm với tên lửa và chất đẩy. Nhờ những công cụ và vật liệu này, Peter Joseph Beck đã tạo ra một chiếc xe đạp tên lửa, xe tay ga gắn tên lửa và một ba lô phản lực.
Beck chuyển sang bộ phận thiết kế sản phẩm và mua một động cơ tên lửa hành trình từ Mỹ để nghiên cứu. Trong thời gian làm việc tại Fisher & Paykel, anh đã gặp vợ mình, Kerryn Morris, cũng là một nhà thiết kế.
Từ năm 2001 - 2006, Beck làm việc tại Industrial Research Limited về vật liệu thông minh, vật liệu tổng hợp và siêu dẫn. Cũng trong thời gian này, chàng trai trẻ có cơ duyên gặp gỡ Stephen Tindall, người sau này trở thành nhà đầu tư ban đầu tại Rocket Lab.
Khi vợ anh làm kỹ sư tại Mỹ, Beck đã đến Minnesota và gặp một phi công tên lửa mà anh đã liên lạc trước đó. Sau chuyến đi này, Beck đã thành lập Rocket Lab. Trong khi liên hệ với các nhà đầu tư tiềm năng, Beck đã gặp doanh nhân Internet người New Zealand Mark Rocket, sau này trở thành nhà đầu tư hạt giống chủ chốt của Rocket Lab. Trong số những tổ chức và cá nhân đầu tư ban đầu khác vào Rocket Lab còn có Chính phủ New Zealand, Stephen Tindall và Vinod Khosla.
Ba năm sau, vào tháng 11/2009, công ty Rocket Lab đã phóng thành công tên lửa nhiều tầng Ātea-1 , trở thành công ty tư nhân đầu tiên ở Nam bán cầu bay vào không gian. Tới năm 2013, Rocket Lab đã chuyển đăng ký từ New Zealand sang Mỹ và mở trụ sở chính tại Huntington Beach, California. Sau đó, công ty phát triển và lần đầu tiên phóng tên lửa Electron không thành công vào tháng 5/2017. Lần phóng thành công đầu tiên của tên lửa diễn ra vào tháng 1/2018, triển khai hai vệ tinh CubeSat và Humanity Star.
Vào tháng 5/2022, công ty cố gắng thu hồi một tên lửa đẩy Electron với thành công một phần. Tính đến tháng 10/2023, Rocket Lab đã phóng thành công tổng cộng 37 nhiệm vụ tương tự trong số 41 lần thử. Tính đến nay, “đứa con tinh thần” của Peter Beck đã thực hiện 53 lần phóng, trong đó có 49 lần thành công.
Trong một thông báo mới đây, Rocket Lab cho biết đã đạt thỏa thuận phóng nhiều chòm sao vệ tinh thương mại bí mật cho tên lửa tầm trung mới Neutron.
Hiện tại, Rocket Lab cũng vận hành một biến thể của Electron có thể được sử dụng để thử nghiệm các hệ thống siêu thanh, có thể bay với tốc độ Mach 5 hoặc cao hơn. Được gọi là tên lửa Electron thử nghiệm dưới quỹ đạo tăng tốc siêu thanh, hay HASTE, phương tiện này đang được Bộ Quốc phòng Mỹ sử dụng để hỗ trợ các cuộc thử nghiệm bay. Rocket Lab thông báo vào ngày 8/11 rằng HASTE đã được chọn cho chương trình Thử nghiệm trên không siêu thanh và tốc độ cao (HyCAT) của Defense Innovation Unit. Nhiệm vụ này sẽ bao gồm một tải trọng do công ty Hypersonix của Úc phát triển.
Bằng những nỗ lực không ngừng nghỉ, nuôi dưỡng đam mê của mình, năm 2015, Beck nhận được Giải thưởng “Người New Zealand của năm” ở hạng mục “Nhà đổi mới của năm”. Năm 2019, anh được bổ nhiệm làm Giáo sư thỉnh giảng cho Đại học Auckland. Cả Rocket Lab và Beck đều được Hội Hoàng gia Te Apārangi trao tặng Huy chương Pickering vào năm 2020.
Trong Lễ vinh danh sinh nhật của Vua Charles III vào tháng 6, Beck được bổ nhiệm làm Hiệp sĩ đồng hành của Huân chương Công trạng New Zealand, vì những đóng góp cho ngành hàng không vũ trụ, kinh doanh và giáo dục.
Peter Beck điều hành một công ty vũ trụ nhưng anh không hề có mong muốn bay vào vũ trụ. "Tôi có đầy đủ hiểu biết về những rủi ro nhưng lại không có đủ can đảm để chấp nhận chúng" – Beck cho biết.
Thay vì định cư trên sao Hỏa như tham vọng của Elon Musk, Beck thà ở lại trong bầu khí quyển của Trái Đất, dành thời gian rảnh rỗi để lái trực thăng hoặc đãi vàng ở New Zealand. Beck cho biết: "Không có gì thư giãn hơn việc dùng xẻng đào một con suối để tìm kiếm thứ gì đó còn sót lại từ một siêu tân tinh trong vũ trụ, dưới dạng một cục vàng".
Thông thường, trong lĩnh vực không gian vũ trụ, người ta sẽ chỉ tập trung vào Elon Musk, Jeff Bezos hay Richard Branson - những người được cho là đã khởi xướng phong trào đầu tư vào du lịch vũ trụ. Dư luận ít khi để tâm đến hàng trăm công ty nhỏ cũng đang điên cuồng chế tạo tên lửa và thiết lập một nền kinh tế mới nơi quỹ đạo thấp, cách mặt đất chừng 100 đến 1.200 dặm.
Rocket Lab nằm trong số đó, song đặc biệt ở chỗ, nhà sáng lập Beck không phải là một ông trùm về không gian, cũng không chính thức nghiên cứu kỹ thuật hàng không vũ trụ và không tốt nghiệp Đại học. Kinh nghiệm chỉ đến từ khoảng thời gian anh làm việc cho một công ty sản xuất máy rửa chén.
Thoạt nhìn qua, công ty của Beck không có tiềm năng gì đặc biệt. Mỹ, với vô số nguồn lực và kinh nghiệm sẵn có, chỉ tạo ra một startup thành công duy nhất là SpaceX, trong khi New Zealand không được coi là ‘vùng nước trũng’ trong ngành hàng không vũ trụ. Về cơ bản, nó không có các yếu tố thiết yếu hỗ trợ việc chế tạo tên lửa.
Cho đến hiện tại, tên lửa Electron của Rocket Lab là tên lửa được phóng nhiều thứ ba trên thế giới trong năm 2024, chỉ sau SpaceX và Trung Quốc. Rocket Lab cũng công bố một thỏa thuận cho hai nhiệm vụ với một nhà điều hành chòm sao vệ tinh thương mại không được tiết lộ cho tên lửa đẩy trung bình Neutron có thể tái sử dụng, dự kiến ra mắt vào năm 2025.
Việc cổ phiếu Rocket Lab tăng vọt hơn 300% trong năm qua có nghĩa Beck đã giải quyết thành công tất cả những yếu điểm trên hành trình chế tạo tên lửa. Điều này đã đưa Hiệp sĩ Peter Joseph Beck trở thành tỷ phú không gian mới nhất.
Beck đã có thể thuyết phục các nhà đầu tư mạo hiểm đổ tiền vào đam mê thời trẻ của mình, đổi lại anh hứa hẹn mang đến một điều mà bản thân SpaceX đã lãng quên đó là cung cấp tên lửa đáng tin cậy giá rẻ sẵn sàng bay vào vũ trụ bất cứ lúc nào. Và vì vậy, mảng tên lửa đẩy giá rẻ đã trở thành “kho vàng trên đất” đóng mác thương hiệu Peter Joseph Beck, bù đắp cho những dự án không gian siêu đắt đỏ của “dị nhân” Elon Musk.
Có thể thấy, câu chuyện của Peter Beck và Rocket Lab là một nguồn cảm hứng lớn cho những ai đang theo đuổi đam mê của mình. Nó chứng minh rằng thành công không chỉ đến từ bằng cấp hay nguồn lực dồi dào, mà còn từ sự kiên trì, sáng tạo và một chiến lược kinh doanh thông minh. Peter Beck đã biến đam mê thời trẻ thành một đế chế tỷ đô trong ngành công nghiệp vũ trụ đầy cạnh tranh.