Văn phòng Chính phủ mới đây cho biết, Thủ tướng Chính phủ đồng ý với đề xuất của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) về phương án nghỉ Tết 9 ngày, gồm 5 ngày nghỉ chính thức và 4 ngày nghỉ cuối tuần (từ 25/1 - 2/2/2025, tức 26 tháng Chạp đến hết mùng 5 tháng Giêng).
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về Tết Nguyên đán Ất tỵ 2025 nghỉ 9 ngày. Theo ông, thời lượng này là dài hay ngắn?
TS Lê Duy Bình: Theo tôi, thời gian nghỉ Tết Nguyên đán 9 ngày sẽ có tác động khác nhau đối với các ngành kinh tế, các đối tượng khác nhau. Sự phù hợp hay không cần phải nhìn vào các ngành kinh tế. Phương án nghỉ Tết kéo dài như trên cũng thể hiện sự nỗ lực của Chính phủ trong việc kích cầu tiêu dùng trong nước, đặc biệt là tiêu dùng nội địa. Đồng thời, hỗ trợ thêm cho ngành du lịch. Cùng với đó, cũng thể hiện tinh thần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân khi kéo dài thời gian nghỉ dịp tết. Tuy nhiên, bản chất số ngày nghỉ Tết vẫn nằm trong số ngày được nghỉ phép trong một năm bằng cách hoán đổi số ngày nghỉ của các kỳ nghỉ cuối tuần trước và sau Tết. Như vậy, tổng số ngày nghỉ phép trong năm không đổi và được bù sang số ngày nghỉ Tết.
So với các nước đón Tết dương lịch, người lao động được nghỉ khoảng 2 tuần, kéo dài từ Lễ Noel tới sau Năm mới cả tuần, kỳ nghỉ dài được cho là kích cầu du lịch, nhà nhà người người hào hứng cho chuyến du Xuân, xả stress?
TS Lê Duy Bình: Với kỳ nghỉ dài như vậy, sẽ có một số ngành nghề được hưởng lợi trực tiếp, trong đó có ngành du lịch. Bởi khi thời gian nghỉ Tết kéo dài, nhu cầu đi du lịch của người dân sẽ gia tăng. Bởi tâm lý sau một năm làm việc vất vả, người dân thường rất hào hứng cho các chuyến du xuân. Để đáp ứng nhu cầu gia tăng như vậy, ngành du lịch cần có sự chuẩn bị để nắm bắt cơ hội.
Tuy nhiên, phải nhìn nhận một thực tế, không phải tất cả người dân đều có khả năng đi du lịch với mức chi phí đắt đỏ của các khu nghỉ dưỡng, vé máy bay như hiện nay. Đây cũng là vấn đề ngành du lịch cần phải tính đến để có thể phục vụ một cách rộng rãi hơn với đông đảo hơn người dân. Thực tế, chỉ có một số bộ phận người dân có khả năng đi du lịch, nhất là các điểm du lịch xa, điểm du lịch mới. Để đáp ứng được nhu cầu của đông đảo người dân, người lao động với con số hàng triệu người có mức thu nhập trung bình, ngành du lịch cần phải tính toán làm sao để có những sản phẩm, dịch vụ đáp ứng được đông đảo người dân chứ không chỉ tập trung hướng đến nhóm người có thu nhập cao.
TS Lê Duy Bình: Năm nay, theo những chỉ số của Tổng cục Thống kê công bố, thu nhập trung bình của người lao động có gia tăng dù không phải gia tăng một cách mạnh mẽ. Thứ hai là chỉ số bán lẻ và doanh thu tiêu dùng cũng có gia tăng. Điều này có thể kỳ vọng có sự gia tăng tiêu dùng trong những tháng Tết. Tuy nhiên, kỳ vọng về gia tăng đột biến trong những tháng Tết không lớn. Thực tế, cách thức tiêu dùng của người dân cũng không phải dồn hết tiêu dùng trong những tháng Tết, cung cầu lưu thông hàng hóa hiện nay cũng không như ngày xưa khi người dân chỉ tập trung tiêu dùng trong những tháng Tết. Do đó, trong những tháng Tết tới, chúng ta có thể kỳ vọng doanh thu tiêu dùng, hàng hóa sẽ gia tăng, nhưng sẽ không thể đột biến do hạn chế về thu nhập khả dụng của người dân và hành vi tiêu dùng cũng đã được điều chỉnh do thị trường hàng hóa hiện nay lưu thông khá linh hoạt. Ngoại trừ nhu cầu đột biến bắt buộc phải chi tiêu trong dịp Tết như quà tặng, bánh kẹo, rượu bia, giải khát, du lịch…còn lại mọi chi tiêu của người dân sẽ giữ ở mức độ bình thường, sẽ không tích trữ hàng hóa, lương thực, thực phẩm như trước đây.
Nhiều chuyên gia cho rằng, tình trạng cao điểm “cháy” vé tàu, xe và máy bay như mọi năm sẽ khó xảy ra vì năm nay nghỉ dài ngày. Đường phố cũng sẽ giảm tải ùn ứ, ách tắc giao thông?
TS Lê Duy Bình: Ngành giao thông vận tải cũng là ngành được hưởng lợi do nghỉ Tết kéo dài, nhu cầu đi lại lớn. Tuy nhiên, dù nhu cầu đi lại Tết Nguyên đán 2025 được dự đoán vẫn cao nhưng việc “cháy” vé tàu, xe và máy bay năm nay khó xảy ra do thời gian nghỉ Tết dài, người dân có thể sắp xếp thời gian đi lại một cách phù hợp. Bên cạnh đó, tình trạng ùn ứ, ách tắc giao thông cũng sẽ giảm hơn mọi năm, nhất là tại các điểm du lịch.
9 ngày nghỉ liên tục mang lợi đủ đường, nhưng khó tránh bất cập khi doanh nghiệp dễ gặp hiện trạng đình trệ sản xuất, gây thiệt hại doanh thu. Kịch bản nào được khuyến nghị với các chủ doanh nghiệp để luôn làm chủ cuộc chơi: nghỉ dài mà không quên nhiệm vụ?
TS Lê Duy Bình: Tất nhiên, đối với các doanh nghiệp, thời gian nghỉ Tết kéo dài sẽ ảnh hưởng đến một số ngành sản xuất, nhất là việc bố trí lao động. Trong khi đó ngành sản xuất của Việt Nam chiếm tỷ trọng rất lớn trong nền kinh tế. Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài ngay sau dịp Tết Dương lịch do đó có thể ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành sản xuất chế biến, chế tạo. Trong bối cảnh nghỉ Tết kéo dài đến 9 ngày, nhiều doanh nghiệp sản xuất sẽ gặp khó khăn trong việc duy trì nhịp độ sản xuất. Đây là những vấn đề các doanh nghiệp phải tính đến để có kế hoạch, biện pháp cụ thể, chủ động triển khai thực hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Xin cảm ơn chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình về cuộc trao đổi trên!