Thông thường chúng ta hay quan niệm vi khuẩn có hại cho sức khoẻ. Trước khi khoa học tìm ra thuốc kháng sinh vào đầu thế kỷ 20, những ai mắc bệnh do nhiễm khuẩn thì coi như cầm chắc là tử vong.
Bởi thế, từ khi nước rửa tay diệt khuẩn (hand sanitizer) ra đời, người ta sử dụng rất thường xuyên hàng ngày mà không e ngại xảy ra những hậu quả cho sức khoẻ của mình.
Nhưng hiện nay, quan niệm giữ vệ sinh này có còn đúng không?
Càng dùng ít chất tẩy rửa vệ sinh tay thì càng tốt cho sức khoẻ (Ảnh: PopularScience) |
Thật ra, đã từ lâu các loại vi khuẩn đã đóng một vai trò tích cực trong cuộc sống con người. Ngoài những loại vi khuẩn gây bệnh, cơ thể chúng ta cũng chứa nhiều loại vi khuẩn hữu ích, chúng giúp ta tiêu hoá thức ăn, phòng chống những bệnh về tự miễn dịch, và cả ngăn chặn sự nhiễm khuẩn ngay khi nó vửa phát khởi.
Nhưng thật không may là các chất diệt khuẩn thì chẳng phân biệt được đâu là bạn, đâu là thù nên chúng tiêu diệt cả những loài vi khuẩn có lợi cho con người.
Điều này đặt ra một vấn đề nan giải: Liệu ta có nên tiếp tục dùng chất diệt khuẩn để phòng bệnh, hay cứ để bàn tay dơ mang đầy vi khuẩn vì những lợi ích cho sức khoẻ của mình?
Thực ra đến nay vẫn chưa có trả lời nào hoàn toàn thỏa đáng, Nhưng theo một nghiên cứu gần đây của các nhà vi khuẩn học tại Đại học California (Mỹ), họ cho rằng việc thường xuyên dùng các loại nước rửa tay diệt khuẩn, dù nó diệt được đa số vi khuẩn có hại, nhưng đồng thời cũng sẽ làm rối loạn sự sinh trưởng và phát triển của các quần thể vi khuẩn có ích đang hiện diện trong cơ thể.
Mắt thường thì không thể nhìn thấy được hàng triệu vi khuẩn đang sinh sôi nẩy nở trên bề mặt da, bàn tay trong ruột của chúng ta. Chỉ mới gần đây, khoa học mới phát hiện ra rằng mỗi con người trong chúng ta cần có sự cân bằng nhất định về số lượng quần thể vi khuẩn thì cơ thể mới hoạt động được bình thường.
Do đó, ngoài việc tiêu diệt các loài vi khuẩn có lợi, chất diệt khuẩn còn gia tăng nguy cơ đề kháng của cơ thể với thuốc kháng sinh. Dù chất diệt khuẩn không chứa thuốc kháng sinh, nhưng một khi một số vi khuẩn gây hại sống sót được, chúng sẽ dần dần hình thành sự đề kháng với thuốc kháng sinh. Khả năng đề kháng này sẽ được di truyển cho các thế hệ con, cháu của chúng và chừng đó tác hại sẽ khôn lường, khi người ta cần dùng kháng sinh để điều trị các bệnh nhiễm khuẩn thì bị kháng thuốc.
Vậy nên, liệu chúng ta có cần dùng nước rửa tay diệt khuẩn không?
Câu trả lời là có, nhưng chỉ khi thật sự cần thiết, đừng dùng bừa bãi mọi lúc mọi nơi. Bạn chỉ cần dùng trong trường hợp cần thiết như sau khi vào bệnh viện hay khám bác sĩ, đứng gần ai đó đang bị ho, hắt hơi liên tục,… Còn nếu như cả ngày bạn chẳng có tiếp xúc với người ngoài thì chẳng cần dùng làm gì và bạn chỉ cần dùng xà phòng rửa tay loại thường là đủ. Một nghiên cứu năm 2009 cho thấy, nếu dùng xà phòng rửa tay đúng cách thì vẫn đảm bảo khả năng diệt sạch các vi khuẩn, siêu vi có hại.
Các nhà khoa học cho rằng cần phải tiến hành thêm nhiều cuộc nghiên cứu để tìm hiểu sâu hơn vai trò và chức năng của các loại vi khuẩn thường sinh sống ngoài da và bàn tay con người. Chỉ khi đó mới có câu trả lời thích đáng là dùng nước rửa tay diệt khuẩn với tần suất thế nào và trong trường hợp nào mới phải cần dùng đến nó để phòng ngừa nhiễm khuẩn.
Cũng cần biết thêm là mới năm rồi, Cơ quan Quản lý Thực-Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA - U.S. Food and Drug Administration) đã ban hành lệnh cấm lưu hành một số lớn loại xà phòng diệt khuẩn trên thị trường Mỹ với lý do các nhà sản xuất không chứng minh được rằng các sản phẩm này an toàn và có hiệu quả hơn các loại xà phòng thông thường khác.
FDA cũng tuyên bố một số loại xà bông diệt khuẩn chẳng mang lại lợi ích gì cho sức khoẻ của người tiêu dùng, mà ngược lại. Các nghiên cứu của FDA trong các năm gần đây cho thấy một số phức hợp hoá chất chứa trong các loại xà phòng diệt khuẩn -đặc biệt là triclocarban (trong xà phòng cục) và triclosan (trong xà phòng nước)- gây tác động xấu đến các hóc-môn trong cơ thể người và giúp vi khuẩn tăng sức đề kháng đối với thuốc kháng sinh.
FDA cũng cho biết là đến nay chưa có bằng chứng khoa học nào cho thấy xà bông diệt khuẩn mang lại hiệu quả tốt hơn trong việc diệt và ngăn ngừa lây nhiễm khuẩn so với việc rửa tay bằng xà bông thông thường.