Người dân Tân Hóa vẫn thủy chung với nếp sống bình dị bên trong những căn nhà nổi đặc trưng. Nhưng sức nóng của giải thưởng đã khơi lên những hy vọng, giá trị tích cực trong nếp nghĩ và chính cuộc sống mưu sinh của người dân nơi đây.
|
Được bao bọc giữa bốn bề núi đá, làng Tân Hóa thu hút du khách bởi cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ. |
Hiệu quả từ các hoạt động du lịch
Tháng 10/2023, Tân Hóa được UNWTO vinh danh là Làng du lịch tốt nhất năm 2023. Một trang mới được mở ra cùng nhiều cơ hội và cả thách thức. Sau sức nóng của giải thưởng này, Tân Hóa nhận được sự quan tâm đặc biệt từ du khách trong và ngoài nước. Du khách quốc tế bắt đầu trải nghiệm các dịch vụ du lịch tại đây, như: Ăn tối nhà dân, homestay nhà nổi…
Theo số liệu từ Công ty TNHH MTV Chua Me Đất (Oxalis), trong tháng 12/2023, Tân Hóa đã đón 782 khách du lịch, bảo đảm nguồn thu nhập cho 82 porter, 10 hộ dân homestay và 10 hộ cung cấp trải nghiệm ăn tối tại nhà dân cùng một số hộ cung ứng thực phẩm. Trong đó, mỗi hộ cung cấp trải nghiệm ăn tối có mức thu nhập bình quân hơn 12,3 triệu đồng/tháng. Hộ kinh doanh homestay có mức thu trung bình gần 7,2 triệu đồng/tháng.
|
Du khách nước ngoài trải nghiệm cuộc sống của người dân Tân Hóa. |
Chỉ tính riêng trong tháng 12/2023, Oxalis đã chi gần 420 triệu đồng cho việc thu mua thực phẩm tại địa phương để cung ứng cho các tour Tú Làn. Cũng trong khoảng thời gian này, tổng giá trị hưởng lợi của người dân Tân Hóa từ các hoạt động du lịch mà Oxalis đang khai thác là gần 1,1 tỷ đồng.
Tháng 12/2023 là thời điểm các tour khám phá hệ thống hang động Tú Làn tăng tốc sau thời gian ngắn đóng cửa vào mùa mưa, sẵn sàng mọi điều kiện cho mùa du lịch cao điểm bắt đầu từ đầu tháng 1/2024. Dự kiến trong những tháng cao điểm, lượng khách có thể tăng lên từ 1.000-1.500 khách/tháng. Với con số này, tổng doanh thu dự kiến của Làng du lịch Tân Hóa trong năm 2024 là khoảng 10-12 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Châu Á, Tổng Giám đốc Oxalis khẳng định: “Ở Việt Nam có nhiều mô hình du lịch cộng đồng. Tuy nhiên, hiện nay, chúng tôi chưa có những số liệu thống kê cụ thể nên không rõ mô hình du lịch cộng đồng ở các nơi khác hoạt động hiệu quả ra sao? Nhưng tôi nghĩ rằng, nếu nguồn thu trong năm 2024 của Làng du lịch Tân Hóa bao gồm lương porter, dịch vụ ăn uống, homestay, mua bán nông sản và thực phẩm địa phương phục vụ cho các tour của Oxalis đạt được như dự kiến là 10-12 tỷ đồng thì đó thực sự là con số khá ấn tượng cho mô hình làng du lịch như Tân Hóa”.
Người dân được gì từ giải thưởng?
Được triển khai thử nghiệm vào tháng 5/2023 và đi vào khai thác chính thức vào tháng 11/2023, Rural homestay là mô hình lưu trú thích ứng với thời tiết, được Oxalis tài trợ toàn bộ chi phí xây dựng dựa trên căn nhà nổi chống lũ của 10 hộ dân ở Tân Hoá. Mỗi căn nhà Rural homestay được đầu tư với số tiền là 150 triệu đồng, theo thỏa thuận tài trợ không hoàn lại giữa Oxalis và chủ hộ.
Chỉ tính riêng trong tháng 12/2023, gần 120 lượt phòng đã được sử dụng, mang lại nguồn thu nhập trung bình cho mỗi hộ dân gần 7,2 triệu đồng. Chỉ một thời gian ngắn trước thôi, ông Trương Xuân Thơm, ở thôn 2 Yên Thọ (Tân Hóa, Minh Hóa) không nghĩ rằng sẽ có ngày, căn nhà nổi nơi góc vườn của mình sẽ là điểm lui tới thường xuyên của những người khách phương xa.
Từ một hộ gia đình quanh năm chỉ biết nương nhờ vào nghề nông, nay vợ chồng ông có thêm một nghề mới và tăng thêm nguồn thu từ chính căn nhà nổi này. “Thời gian gần đây, homestay đón được nhiều đoàn khách đến lưu trú, trong đó chủ yếu là khách quốc tế. Chúng tôi có được nguồn thu nhập đáng kể từ homestay. Đó là điều mà trước nay tôi chưa bao giờ nghĩ tới”, ông Phường bộc bạch.
Năm 2011, Oxalis được cấp phép khảo sát và chạy thử nghiệm các tour du lịch khám phá mạo hiểm tại khu vực hệ thống hang động Tú Làn. Với sự nỗ lực của cộng đồng, chính quyền và doanh nghiệp, du lịch Tân Hóa đã bước những bước tiến dài trên hành trình khẳng định vị thế.
Một làng quê du lịch thích ứng thời tiết, phát triển du lịch theo hướng bền vững đã giúp Tân Hóa chinh phục được giải thưởng danh giá của UNWTO. Nhưng không phải đến khi chạm tay vào giải thưởng mà từ rất lâu, du lịch đã thực sự là mạch nước ngầm ngấm dần, tưới mát, làm tốt tươi vùng đất khó khăn này.
Đổi thay không chỉ ở bộ mặt kinh tế-xã hội mà quan trọng hơn cả là từ trong nhận thức của người dân. Từ việc khai thác rừng, sống dựa vào rừng, khi tham gia vào các hoạt động du lịch, người dân đã có ý thức bảo vệ rừng, coi phát triển rừng chính là sinh kế bền vững nhất.
|
Trải nghiệm ăn tối ở nhà dân. |
Bà Thái Thị Thảo (63 tuổi) ở thôn 2 Yên Thọ không giấu được niềm vui: “Không chỉ là thêm nguồn thu nhập, khi làng đạt giải, khách du lịch đến với Tân Hóa nhiều hơn, chúng tôi cũng có thêm nhiều cơ hội để giao lưu, học hỏi và trải nghiệm, nâng cao các kỹ năng. Từ trẻ em đến người già đều đã tự tin hơn khi gặp du khách”.