Đẻ thuê ở VN: Luật mới nên chưa có quy định phạt?
(Kiến Thức) - Dịch vụ đẻ thuê hiện chưa có quy định phạt vì Luật về mang thai hộ mới ban hành. Theo một dự thảo, hành vi này có thể bị phạt tù 7 năm.
Mang thai hộ đã được pháp luật cho phép ở Việt Nam nhưng rất nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn không thể tìm được người "đẻ giúp" đáp ứng đủ các tiêu chuẩn quy định. Với khao khát có con, không ít người tìm cách lách luật bằng cách bỏ tiền thuê người mang thai, và dịch vụ này được dịp nở rộ. Vậy những người thực hiện dịch vụ mang thai hộ vì mục đích thương mại mà pháp luật nghiêm cấm này sẽ bị xử phạt ra sao?
Theo luật sư Hoàng Tiến, đại diện văn phòng luật Đức Thịnh, Luật Hôn nhân và gia đình 2014 cấm thực hiện sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản vì mục đích thương mại, mang thai hộ vì mục đích thương mại… Các bên trong quan hệ sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, mang thai hộ vi phạm sẽ tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý theo trách nhiệm dân sự, hành chính hay hình sự.
Tuy nhiên, cũng theo luật sư Tiến, do Luật vừa được ban hành nên hiện chưa có qui định cụ thể về việc xử lý người mang thai hộ vì mục đích thương mại. Do vậy, cũng chưa có mức phạt đi kèm.
Trước đó, trong Hội thảo về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ do Bộ Y tế tổ chức ngày 31/3, ông Nguyễn Hồng Hải, Trưởng phòng Pháp luật dân sự, Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp cho biết: “Hiện có dự thảo đưa hành vi mang thai hộ vì mục đích thương mại vào Bộ luật Hình sự là tội phạm. Theo dự thảo, những cá nhân nào thực hiện việc mang thai hộ với mục đích thương mại có thể chịu khung hình phạt cao nhất là 7 năm tù giam. Những người thực hiện kỹ thuật mang thai hộ trong trường hợp này bị cấm hành nghề 1-5 năm”.
Tuy nhiên, ngay cả khi chưa có Nghị định cho phép mang thai hộ, việc thuê mướn người mang thai hộ, đẻ thuê đã trở thành thực tế không xa lạ ở Việt Nam. Các cặp vợ chồng muốn có con chỉ cần kiếm được người đẻ thuê, sau đó tìm một cơ sở thụ tinh nhân tạo chui, hoặc đi Thái Lan thụ tinh nhân tạo, cấy phôi tới khi có kết quả thì đưa người mang thai hộ về Việt Nam chờ ngày sinh nở.
Đến khi sinh, họ vào một nhà hộ sinh tư nhân, khai rằng đó là hoang thai. Tiếp theo, họ làm giấy cam kết cho người khác làm con nuôi, mà "người khác" chẳng ai xa lạ, chính là cặp vợ chồng đã thuê họ mang thai hộ. Hành vi trót lọt không mất nhiều thủ tục và dễ dàng qua mắt được bệnh viện cũng như các cơ quan chức năng.
Hiện nay, dù luật đã cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo nhưng những vướng mắc, khó khăn liên quan tới thủ tục giấy tờ, liên quan tới việc tìm người mang thai hộ khiến nhiều người sẵn sàng chi tiền làm chui như trước để có một đứa con.
Về điều này, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Việt Tiến cho biết, ngành y tế không muốn gây khó khăn cho các cặp vợ chồng phải nhờ tới phương pháp mang thai hộ để có con. Chỉ cần họ thực hiện hồ sơ đầy đủ theo quy định, bộ phận thẩm định riêng của các bệnh viện, cơ sở y tế xét thấy hồ sơ đủ điều kiện thì sẽ được thực hiện ngay kỹ thuật mang thai hộ.
Để tránh tình trạng lách luật, ngành y tế sẽ rà soát hồ sơ rất kỹ càng. Hồ sơ nào không đủ điều kiện sẽ bị loại. Thứ trưởng Tiến cho rằng, các thủ tục pháp lý để thực hiện mang thai hộ khá phức tạp, song vẫn cần chặt chẽ hơn nữa để quy định nhân văn này không bị lợi dụng vì mục đích thương mại.
Đến nay, có khoảng 100 hồ sơ đề nghị được nhờ mang thai hộ gửi đến Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Trung ương Huế. Trong đó, riêng tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương đã có 50 hồ sơ đăng ký thực hiện mang thai hộ nhưng mới chỉ có 2 hồ sơ sắp hoàn thiện để có thể tiến hành kỹ thuật này.
Tỷ lệ hồ sơ được duyệt thấp như vậy, theo ông Tiến, vì nhiều lý do. Chẳng hạn, có những cặp vợ chồng đã đi khám, đủ điều kiện sức khỏe để thực hiện kỹ thuật này nhưng lại không tìm được người mang thai hộ theo quy định, hoặc giấy tờ không đáp ứng quy định nên hồ sơ không được duyệt.
Chi phí thực hiện kỹ thuật mang thai hộ
Theo Thứ trưởng Nguyễn Việt Tiến, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ sinh sản Bệnh viện Phụ sản Trung Ương, chi phí đề thực hiện một ca mang thai hộ tương đương với chi phí một ca thụ tinh trong ống nghiệm bình thường khác.
Với những cặp vợ chồng bình thường chi phí thực hiện kỹ thuật mang thai hộ là 40-50 triệu đồng/ca. Với những ca khó, chi phí khoảng 60-70 triệu đồng.
Chi phí này chủ yếu là do lượng thuốc hỗ trợ mà họ phải sử dụng nhiều hay ít. Nếu phải sử dụng thuốc nhiều thì chi phí sẽ cao hơn, còn lượng thuốc ít hơn thì chi phí cũng rẻ hơn.