Nước ngọt, điển hình như nước trái cây, nước giải khát có ga thường được mọi người sử dụng rất nhiều. Có người tiện đi siêu thị sẽ mua số lượng lớn, hộp lớn, chai lớn cho tiết kiệm, nhưng thực chất, nước ngọt không uống hết ngay sau 1 - 2 tiếng mở nắp mà để trong tủ lạnh bảo quản rất dễ bị nhiễm khuẩn.
Ảnh minh hoạ. |
Các chuyên gia dinh dưỡng cho biết, không thiếu trường hợp tiêu chảy, nôn mửa, thậm chí ngộ độc sau khi uống nước hoa quả đóng chai để trong tủ lạnh, dù những thức uống này vẫn còn hạn sử dụng. Tại sao lại như vậy?
Theo bác sĩ Hứa Dục Trinh - một chuyên gia dinh dưỡng người Trung Quốc, nếu miệng chai nước giải khát, nước ngọt dính nước bọt, vi khuẩn sẽ bắt đầu phát triển với số lượng lớn. Số lần bạn chạm vào miệng chai càng nhiều thì vi khuẩn càng phát triển nhanh.
Theo thông tin từ Trung tâm An toàn thực phẩm, vi khuẩn tụ cầu vàng rất dễ sinh sôi trong thực phẩm. Nếu trong một gam thức ăn có trên 100.000 tụ cầu vàng có thể gây ngộ độc thực phẩm, lúc ngộ độc nạn nhân sẽ có triệu chứng buồn nôn, chán ăn, đau bụng, tiêu chảy, suy nhược và các cảm giác khó chịu khác.
Bác sĩ Hứa Dục Trinh giải thích thêm rằng, đường và protein có thể cung cấp nguồn dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của vi khuẩn, do vậy, nước giải khát có hàm lượng đường và protein cao thì về cơ bản là một món ngon để nuôi cấy vi khuẩn.
Ảnh minh hoạ. |
Theo thí nghiệm của các nhà nghiên cứu Nhật Bản, các loại đồ uống khác nhau sẽ có khoảng 600 vi khuẩn sau khi được mở ra và nhấm nháp.
Sau khi được đặt ở nhiệt độ phòng 28 độ trong 24 giờ, trà lúa mạch tăng thành 3700 vi khuẩn, cola và nước cam tăng lên 2,5 triệu vi khuẩn, cà phê sữa giành vị trí đầu tiên, với số lượng vi khuẩn tăng trực tiếp từ 600 lên 5,17 triệu. Lý do là vì cà phê sữa nhiều đường và đạm.
Chính vì thế, tất cả các loại sữa đậu nành có đường, sữa, nước hoa quả, thực phẩm bổ sung dinh dưỡng cho người bệnh,… đều là môi trường giúp vi khuẩn siêu dễ phát triển.
Nếu đồ uống không thể sử dụng hết trong vòng 1-2 giờ sau khi mở nắp, đừng uống trực tiếp từ miệng chai, bạn có thể đổ một ít ra cốc để uống và cất phần còn lại vào tủ lạnh càng sớm càng tốt.
Ảnh minh hoạ. |
Bác sĩ Hứa Dục Trinh cũng nhắc nhở mọi người, các sản phẩm khác như sữa bột thường có thể để từ 2 đến 3 năm nếu nguyên đai nguyên kiện. Song, chỉ cần mở nắp, chúng phải được sử dụng hết trong vòng từ 1 - 2 tháng. Nếu để quá lâu sau khi mở, với khí hậu nóng ẩm, có thể gây ra các vấn đề như đóng cục, oxy hóa dầu và mất chất dinh dưỡng.
Ngoài ra, hạn sử dụng ghi trên các loại đồ uống thương mại nói chung thường là hạn sử dụng chưa mở, một số nhà sản xuất rất chú ý và sẽ ghi rõ thông tin trên chai, nhưng nhiều nhà sản xuất không ghi rõ ràng, khiến mọi người nghĩ rằng hạn còn lâu.
Khuyến cáo mọi người, các loại nước ngọt, đồ uống đã mở nắp nên uống càng sớm càng tốt, tốt nhất trong vòng 1 giờ. Nếu chưa uống hết, ngay cả khi không chạm miệng, các loại nước này cũng đã tiếp xúc gần với vi khuẩn trong không khí ngay khi mở, không nên uống khi quá 24 giờ để tránh lây nhiễm vi khuẩn.
Mời quý độc giả xem thêm video: Hướng dẫn xử trí ngộ độc thực phẩm tại nhà. Nguồn video: Vinmec.