“Tâm lý căng thẳng do áp lực công việc, học tập hay sống trong môi trường nhiều tiếng ồn, thay đổi thời tiết khí hậu cũng là những nguyên nhân dẫn tới chứng đau đầu, co thắt mạch máu ở thái dương ngày một gia tăng ở mọi lứa tuổi và thường dễ tái phát”, ThS.BS Hoàng Châu Bảo Đính, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM cho biết.
Yếu tố nguy cơ gây chứng đau nửa đầu
Bệnh nhân N.T.X (nữ, Hà Nội) bị chứng đau đầu, đau cổ vai gáy, đau toàn thân hành hạ nhiều năm, nặng nề đến mức khiến người bệnh không kiềm chế được cảm xúc, gây nên sự căng thẳng trong công việc cũng như các mối quan hệ xã hội.
Dù đã đi chữa trị nhiều nơi, nhưng rồi đâu lại vào đấy, khiến cô bị stress nặng. Gần đây cô đi kiểm tra chiếu chụp toàn bộ thì được kết luận thoái hóa thoát vị đĩa đệm cột sống cổ và cột sống thắt lưng, đau đầu vận mạch...
PGS.TS.BS. Bùi Văn Giang, Nguyên Giám đốc trung tâm Chẩn đoán hình ảnh Bệnh viện K; Giám đốc khối Chẩn đoán hình ảnh và Điện quang can thiệp, Hệ thống y tế Vinmec cho biết, nước ta có khoảng 17,41 % số người bị thoái hóa cột sống và thoát vị đĩa đệm.
Đây là bệnh lý phức tạp, khó điều trị và những cơn đau luôn “đeo bám” người bệnh. Đặc biệt, những cơn đau hành hạ khiến nhiều người bị trầm cảm, ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống, nhất là bệnh đau nửa đầu.
Đau đầu vận mạch - Ảnh minh họa |
Theo số liệu của Hiệp hội đau đầu ở Mỹ, hàng năm, có 3,2/100.000 dân số bị bệnh đau nửa đầu và những người mắc bệnh thường giảm hiệu suất lao động 20-50%, chất lượng cuộc sống cũng giảm nghiêm trọng. Những cơn đau có thể kéo dài từ 4 đến 72 giờ và có thể làm rối loạn thị giác, buồn nôn. Trong đó, có đến 16% số phụ nữ mắc bệnh.
Tại Việt Nam chưa có con số thống kê cụ thể, nhưng số người đi khám bệnh do đau nửa đầu chiếm tỷ lệ cao, số người bị bệnh đau nửa đầu đến mức phải đến bệnh viện điều trị khoảng 300.000 người/năm.
Tuy nhiên, khi bị đau nửa đầu, phần lớn người bệnh thường tìm đến các bác sĩ thần kinh để được điều trị nên những cơn đau chỉ tạm ngưng một thời gian rồi lại tái diễn. Vì nguyên nhân thực sự của bệnh đau nửa đầu kiểu này là do ảnh hưởng của đau cột sống hoặc do dây thần kinh giữa đốt sống cổ 1 và 2 bị chèn ép hoặc do dây thần kinh chẩm lớn.
ThS.BS Hoàng Châu Bảo Đính, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM cho biết, đau đầu vận mạch đặc trưng bởi chứng đau nửa đầu là tình trạng sức khỏe có thể gặp ở nhiều người liên quan tới sự thay đổi “giãn nở” các mạch máu ở khu vực đầu hoặc cổ.
Cụ thể khi các mạch máu ở đầu bị căng/ nới rộng và bị viêm sẽ làm thay đổi nhịp đập bình thường của mạch và dẫn tới các cơn đau nhói. Nếu lúc này người bệnh có hoạt động thể chất thì càng khiến cơn đau đầu thêm trầm trọng.
Đau đầu có thể nguyên phát hoặc thứ phát. Khi bị đau nửa đầu, người bệnh thường có các biểu hiện như đau nhói 1 bên đầu, buồn nôn, chóng mặt, ảnh hưởng thị lực, ăn không ngon, hay bồn chồn lo lắng,…
Rối loạn hormone, mất ngủ, thay đổi thời tiết, tác dụng phụ của một số loại thuốc, lạm dụng caffeine hoặc đồ uống có cồn,… là các yếu tố nguy cơ cao gây ra chứng đau nửa đầu.
Biến chứng thần kinh dễ liệt người, nhồi máu não
Theo TS Trần Quốc Khánh, Bệnh viện Việt Đức, đau đầu Migraine là loại bệnh không nguy hiểm đến tính mạng ngoại trừ các thể đặc biệt như Migraine có biến chứng thần kinh (thường gây liệt nửa người, nhồi máu não, co giật).
Đau đầu Migraine với đặc trưng là đau nửa đầu tái diễn, thành cơn mỗi cơn kéo dài từ 4->72h và thường đạt cơn đau cực đại sau khởi phát khoảng 2h. Migraine hiếm khi đau hằng ngày và tồn tại lâu dài. Lúc đau thường kèm theo buồn nôn, nôn, sợ ánh sáng, sợ tiếng động, rối loạn thị giác. Cơn đau chỉ xuất hiện một bên đầu và có tính chất thay đổi, khi bên phải khi bên trái.
Đau nửa đầu - ảnh minh họa |
Đau đầu Migraine có thể khu trú mọi vị trí trên vùng sọ mặt nhưng hay gặp nhất là ở một bên thái dương. Tần số thường từ 1-2 cơn/ tuần, nếu bệnh nhân có hơn 8 cơn đau/ tháng thì nên thận trọng khi chẩn đoán là Migraine vì tần suất cơn đau đầu trong migraine ít khi nhiều như vậy.
ThS.BS Hoàng Châu Bảo Đính cảnh báo, ai cũng có thể gặp phải tình trạng đau hoặc nhức đầu vận mạch. Bệnh gây ra nhiều biến chứng khi tiến triển sang mạn tính với tần suất 2-3 cơn đau mỗi tuần.
Đầu tiên là ảnh hưởng không nhỏ tới sinh hoạt, làm giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh. Tiếp theo là với tình trạng co giãn bất thường của mạch máu não khiến oxy và dưỡng chất cung cấp cho tế bào não bị thiếu hụt. Điều này dễ dẫn đến các biểu hiện như chóng mặt, run rẩy tay chân, đau đầu,…
Nguy hiểm hơn nếu thiếu oxy từ 4-5 phút có thể gây tổn thương vĩnh viễn tế bào não dẫn tới đột quỵ, tử vong hoặc để lại những hệ quả nặng nề: Mất trí nhớ, liệt nửa người cùng nhiều bệnh lý thần kinh khác.
Đặc biệt đau đầu vận mạch nếu không được điều trị sớm có thể dẫn đến hàng loạt các vấn đề như suy giảm chức năng tuần hoàn não, teo não, trầm cảm, suy giảm trí nhớ, khối u não và nặng nhất là ảnh hưởng tới tính mạng người bệnh.
Tùy theo các dạng bệnh đau đầu vận mạch mà có nhiều phương pháp điều trị khác nhau. Người bệnh có thể giảm bớt mức độ và tần suất xuất hiện các cơn đau đầu bằng các cách như uống nhiều nước, dành thời gian nghỉ ngơi, cố gắng thư giãn/ giảm stress, dùng các thuốc không kê đơn/kê đơn chẳng hạn như acetaminophen hay ibuprofen, ergotamines, triptan, gepants,…
Trong trường hợp đau đầu nghiêm trọng, kéo dài dai dẳng, người bệnh cũng có thể được điều trị bằng các phương pháp khác như liệu pháp oxy, vật lý trị liệu, kích thích dây thần kinh hoặc phẫu thuật để giảm bớt tình trạng bệnh.
Trong sinh hoạt hằng ngày, người bệnh đau đầu vận mạch cũng nên kiêng rượu, ăn uống đủ bữa, ngủ sớm, chườm mát, giảm thời gian sử dụng các thiết bị điện tử,…
Cách phòng tránh bệnh?
Việc ngăn chặn hoàn toàn các cơn đau đầu là điều khó có thể làm được, tuy nhiên có thể phòng tránh và giảm số lượng cơn đau bằng cách: giảm căng thẳng, tăng cường các thực phẩm giảm đau đầu (ví dụ: Rau lá xanh đậm, trái cây, thực phẩm giàu omega-3, trà thảo mộc, sữa chua,…) và sử dụng thuốc (ví dụ như thuốc chống co giật, thuốc chẹn beta, thuốc chặn canxi, thuốc chống trầm cảm, tiêm botox,…).