Thông tin từ Bệnh viện Từ Dũ cho biết, từ lúc chào đời, bệnh nhân có nhiều bất thường như không có hậu môn, không có âm đạo và tử cung đôi. Đây cũng là một trường hợp hiếm gặp với các bất thường liên quan đến dị tật bẩm sinh mà giới chuyên môn gọi là “tồn tại ổ nhớp”.
Ê kíp mổ của Bệnh viện Từ Dũ và Bệnh viện Nhi đồng 2 đã thực hiện ca mổ cho một bệnh nhân đặc biệt, nhiều dị tật bẩm sinh. Ảnh: Bệnh viện Từ Dũ |
Thông thường các trường hợp mở hậu môn tạm, sau một thời gian sẽ đóng hậu môn tạm và tạo hậu môn vĩnh viễn gần như người bình thường, nhưng trường hợp này do ruột quá ngắn nên sau nhiều lần phẫu thuật không đóng được hậu môn tạm, nên bệnh nhân phải chấp nhận sống với hậu môn tạm suốt đời.
Đến khi bệnh nhân bước vào tuổi dậy thì, những rắc rối khác lại tiếp tục đến. Vì không có âm đạo nên máu kinh không thể thoát ra ngoài, lâu dần, vùng hạ vị hình thành một khối u dạng nang rất to chèn ép vào bàng quang làm bệnh nhân không thể đi tiểu được, phải trải qua nhiều cuộc phẫu thuật để giải phóng lượng máu kinh bị ứ lại.
Các chuyên gia hàng đầu tại Việt Nam và các chuyên gia của Pháp hội chẩn, trực tiếp phẫu thuật quyết định mở một đường dò thông trực tiếp từ buồng tử cung ra thành bụng trước để mỗi tháng máu kinh có thể tự thoát ra lỗ này.
Nhưng hiệu quả của đường thông nhân tạo này không cao nên việc ứ máu kinh vẫn tồn tại và phải phẫu thuật nhiều lần ( tính đến nay là 15 lần phẫu thuật).
Gần đây người nhà phát hiện bụng bệnh nhân ngày càng căng to, đặc biệt ở phía bên phải gây đau bụng ngày càng nhiều. Bệnh nhân được đưa đến Bệnh viện Bình Dân khám phát hiện sỏi niệu quản và u nang buồng trứng to chuyển sang Bệnh viện Từ Dũ điều trị.
Hàng loạt khó khăn khi bệnh nhân được chẩn đoán lạc nội mạc buồng trứng phải to, ứ dịch tai vòi 2 bên, ứ dịch lòng tử cung trái với tử cung đôi, thận phải ứ nước... Ảnh: Bệnh viện Từ Dũ |
Các bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ nhanh chóng khám tiếp nhận, siêu âm, xét nghiệm, chụp MRI, hội chẩn và cho bệnh nhân nhập viện để lên kế hoạch mổ.
Cuộc mổ được tiến hành với 2 ekip của Bệnh viện Từ Dũ và Bệnh viện Nhi Đồng 2. Sau khi vào bụng, các bác sĩ thấy u buồng trứng phải dạng u lạc nội mạc tử cung to 12x14x15cm thoát ra 1500ml dịch nâu loãng.
Tử cung đôi có mạc treo ruột và đại tràng ngang dính chặt vào, các cấu trúc giải phẫu trong ổ bụng đều bị xáo trộn, dính nhiều.
Các bác sĩ quyết định cắt tử cung hoàn toàn và phần phụ bên phải, đặt sonde JJ niệu quản trái, đóng đường mở thông máu kinh thành bụng.
Do tổng trạng bệnh kém, suy dinh dưỡng, thiếu máu kèm với hậu môn nhân tạo nằm sát vết mổ hay chảy dịch vào vết mổ làm ảnh hưởng đến quá trình lành vết thương.
Sau 2 tuần chăm sóc tích cực, vết mổ ổn, bệnh nhân được xuất viện.
(Nguồn: THĐT)