Kế hoạch năm 2022 lãi 900 tỷ, lấn sân thêm nước chấm và gia vị
Theo đó, năm 2022, Kido đặt mục tiêu đạt 14,000 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 33% so với năm 2021. Lợi nhuận trước thuế 900 tỷ đồng, tăng 31% so năm trước. Công ty dự kiến chia cổ tức tỷ lệ 6% bằng tiền mặt.
Mục tiêu trong năm 2022, Kido cho biết sẽ phát triển và mở rộng ngành hàng khô và lạnh; Tập trung phát triển sản phẩm/ngành hàng mới trong mảng thực phẩm thiết yếu; Mở rộng chuỗi F&B trên toàn quốc, hướng đến mở rộng sang thị trường nước ngoài.
Trong đó, đối với ngành dầu ăn, Kido sẽ đẩy mạnh mở rộng thị phần, thâm nhập sâu rộng vào thị trường Campuchia được đánh giá là khá tiềm năng...
Với ngành hàng kem, Kido sẽ phát triển các ngành hàng mới và mở rộng thị trường ngành hàng lạnh tại Việt Nam, đầu tư xây dựng thị trường Take-Home và thị trường To-Go...
Ngành Snacking sẽ liên tục cho ra mắt các sản phẩm mang tính đột phá và khác biệt, hướng tới nhóm khách hàng cao cấp; Lên kế hoạch nghiên cứu và cho ra mắt sản phẩm cà phê rang xay đóng túi và cà phê đóng chai...
Ngành F&B trong năm 2022, Chuk Chuk tiếp tục kế hoạch mở rộng tại tất cả các tỉnh thành tại Việt Nam, trước hết là các tỉnh phía Bắc, từng bước tiếp cận và mở rộng sang các nước trong khu vực… với mục tiêu lên 200-300 điểm bán.
Mảng liên doanh và liên kết quốc tế, đẩy mạnh mở rộng phát triển các sản phẩm nước giải khát có lợi cho sức khỏe trong mảng liên doanh giữa Vinamilk & KIDO (Vibev), đồng thời tăng cường làm việc với đối tác ngoại để ra mắt những sản phẩm mới hiện đại, trendy, phù hợp xu hướng tiêu dùng mới.
Bên cạnh những ngành hàng chủ chốt vốn đã được xem là thế mạnh cốt lõi của Kido, trong năm 2022, tập đoàn sẽ tiếp tục phát triển sản phẩm/ ngành hàng mới trong lĩnh vực thực phẩm thiết yếu như nước chấm, gia vị...
Năm 2021 lãi lớn, Kido trả cổ tức 6% bằng tiền mặt và thưởng cổ phiếu 10%
Nhìn lại năm 2021, Kido đạt mức tăng trưởng doanh thu đột phá nhờ nhanh chóng ứng phó với tình hình thị trường, linh hoạt điều chuyển hoạt động hình doanh, chủ động điều phối nguồn nhân lực, tập trung vào hoạt động sản xuất kinh doanh và mảng kinh doanh cốt lõi.
Cụ thể, Kido tiếp tục đứng vị trí số 2 toàn ngành tại Việt Nam với sự ghi nhận thị phần trong thị trường dầu ăn theo tỷ lệ sở hữu và chi phối tăng lên mức 39%. Đồng thời ghi nhận đạt 450.000 điểm bán ngành hàng khô và 120.000 điểm bán ngành hàng lạnh.
Về chỉ tiêu tài chính, năm 2021, Kido đạt doanh thu thuần 10.497 tỷ đồng, hoàn thành 91% kế hoạch năm và tăng 26% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận từ hoạt động sản xuất kinh doanh của Kido theo đó đạt 688 tỷ đồng, hoàn thành 86% kế hoạch năm, ghi nhận mức tăng tưởng 65% so với năm 2020. Bên cạnh đó, tổng tài sản của Kido ở mức 14.073 tỷ đồng, tổng vốn chủ sở hữu 6.895 tỷ đồng.
Với kết quả đó, Kido sẽ trả cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông với tỷ lệ 6%, tương ứng dự chi gần 151 tỷ đồng.
Ngoài ra, Kido còn phát hành cổ phiếu thưởng tỷ lệ 10% tương ứng hơn 25 triệu cổ phần và ESOP tỷ lệ 4% tương ứng 10 triệu cổ phần giá 15.000 đồng/cp.
Dự kiến sau phát hành, vốn điều lệ của Kido sẽ tăng từ 2.797 tỷ đồng lên gần 3.150 tỷ đồng.
Cổ đông Kido cũng thông qua giao dịch mua cổ phần của CTCP Dầu thực vật Tường An (TAC) và Tổng Công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex, VOC) để nâng tỷ lệ sở hữu mà không phải chào mua công khai.
Tại thời điểm cuối năm 2021, Kido đang sở hữu trực tiếp và gián tiếp 85,07% vốn TAC và 87,29% vốn Vocarimex.
Với phương án này, cổ đông thắc mắc vì sao Kido không hoán đổi cổ phiếu như từng làm với KDF của CTCP Thực phẩm Đông lạnh Kido, Tổng Giám đốc Trần Lệ Nguyên Nguyên lý giải vì hiện KDC đã giữ trên 92% vốn tại TAC, nếu thực hiện hoán đổi thì tỷ lệ rất nhỏ.
Ngoài ra, để đảm bảo quyền lợi của cổ đông nhỏ TAC, Kido đã ký hợp đồng với Chứng khoán Rồng Việt, theo đó cổ đông nhỏ muốn bán cổ phiếu TAC thì Rồng Việt (được ủy quyền) sẽ mua lại. Khi Uỷ ban Chứng khoán hủy niêm yết TAC thì Kido vẫn tiếp tục mua cổ phiếu TAC cho đến khi đủ 100%.