Sáng 26/2, thị trường tài chính xôn xao về thông tin xuất hiện một doanh nghiệp có vốn điệu lệ đăng ký lên tới 144.000 tỷ đồng.
Số vốn điều lệ này cao hơn nhiều công ty hàng đầu tại Việt Nam hiện nay như Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel) là 121.520 tỷ đồng; Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh là 117.175 tỷ đồng.
Ngôi nhà nơi được đặt làm trụ sở của doanh nghiệp 144.000 tỷ đồng. Ảnh: Tuổi Trẻ. |
Được biết, công ty này có tên tiếng Việt là Công ty cổ phần Tư vấn Đầu tư quốc tế và Dịch vụ thương mại USC (viết tắt là USC Interco.,JSC) và chỉ vừa mới thành lập hơn 1 tháng.
Công ty này thành lập ngày 17/1/2020, trụ sở chính tại số 10, ngõ 234 đường Thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội, chưa có website chính thức.
Công ty này có 3 cổ đông, bao gồm ông Trần Gia Phong và bà Kim Thị Phương mỗi người góp 30%, tương ứng 43.200 tỷ đồng cùng ông Nguyễn Hoàn Sơn góp 40%, tương ứng 57.600 tỷ đồng.
Liên quan đến việc này, bà Kim Thị Phương, cổ đông góp 43,2 ngàn tỷ phân trần trên Báo Tuổi Trẻ:
"Tôi nghĩ cứ nói mồm với nhau, lập công ty làm được thì làm không làm được thì thôi chứ mình có mất gì đâu. Chỉ biết ‘chúng nó’ rủ ba chị em mở công ty, mượn địa điểm nhà mình làm trụ sở chứ có biết gì đâu.
Tôi là cổ đông góp vốn nhưng không phải đi đăng ký, nó chỉ cầm chứng minh thư của tôi đi và cầm hồ sơ về bảo mình ký thì ký vào. Lúc ký vào cũng có mất gì đâu, nếu chúng nó bảo mình phải đóng 50 hay 100 triệu thì ai dám ký!".
"Thực sự, tôi cũng chẳng biết đăng ký công ty như thế nào. Nếu phải đóng tiền thì còn để ý chứ đây chưa góp đồng nào. Cũng chẳng có tiền mà góp, căn nhà (nhà số 10 ngõ 234 đường thôn Lai Xá làm trụ sở công ty) ông chồng cắm sổ còn chưa có tiền chuộc lại!".
Nói về hai cổ đông còn lại, bà Phương cho biết ông Sơn làm cùng công ty nước khoáng, còn ông Phong làm nghề buôn gỗ.
"Chúng nó mở công ty để kêu gọi vốn đầu tư từ bên ngoài. Toàn ‘đít nhôm’ cả làm gì có xu nào. Cứ kê thế cho oai chứ làm gì có đồng nào mà góp vốn", bà nói trên Tuổi trẻ.
Bà Phương cho biết thêm, gia đình chủ yếu kiếm tiền từ việc làm đại lý phân phối nước khoán từ trường cho công ty CP nước CNA:
"Ăn bữa nay lo bữa mai, ruộng vườn không có lấy đâu ra tiền mà góp vốn kinh doanh. Có ai gọi nước khoáng tôi ship cho họ. Mọi thu nhập của gia đình đều trông vào việc làm đại lý phân phối, buôn bán nước khoáng từ trường".