“Nghiện mạng xã hội”, “nghiện Facebook” không còn là những cụm từ xa lạ, đỉnh điểm là khi trong thực tế đã có những câu chuyện mà nạn nhân là con trẻ với nhiều bất ổn, thậm chí là những hệ lụy cho sức khỏe, tinh thần, nhân cách…
Vì vậy, nhiều bậc phụ huynh lo lắng và rất khó khăn trong việc quản lý, giáo dục con cái trong sử dụng mạng xã hội hay điện thoại thông minh. Trao đổi với PV Báo Gia đình&Xã hội, TS. Vũ Thu Hương (giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, trường ĐHSP Hà Nội) đã nói về một số bất ổn qua mạng xã hội và kinh nghiệm để các bậc cha, mẹ giúp con “cai” Facebook.
Những phản ánh đáng lo ngại
Trước tiên là câu chuyện về mắt. Từ kiểm tra tổng thể mới đây trên thực tế ở một nhóm trẻ mà bà trực tiếp tham gia cho thấy:
“Sau đợt kiểm tra tổng thể sức khỏe, tâm sinh lý, kĩ năng của trẻ 2012 chuẩn bị vào lớp 1, chúng tôi nhận được kết quả khá đau lòng. Có tới 47.37% có thị lực từ 6/10 trở xuống. Nghĩa là có đến ½ số trẻ sẽ vào lớp 1 với cặp kính cận. Trong số đó, bác sĩ đã kết luận là đến 79% các trường hợp do cha mẹ cho con sử dụng điện thoại thông minh.
Hiện nay, học sinh là một đối tượng dễ rơi vào tình trạng nghiện mạng xã hội. Ảnh: khám phá |
Thứ hai là câu chuyện về tâm lý. Trẻ bị mất tập trung, thiếu kiên nhẫn, giảm khả năng ghi nhớ lên đến con số 42% sau buổi tổng kiểm tra. Làm việc cụ thể với các cha mẹ, các chuyên gia thu được kết quả, nguyên nhân chính của việc này là do cha mẹ cho con ở nhà chơi điện thoại quá nhiều”.
Thứ ba, theo bà Hương là vấn đề kết bạn trên Facebook. Trẻ khi đến tầm tuổi teen thường có Facebook để trao đổi học tập. Bạn bè ảo của trẻ cũng hầu như là bạn ngoài đời, bạn cùng lớp, cùng trường, cùng câu lạc bộ…
Tuy nhiên, có nhiều bạn nhận được yêu cầu kết bạn từ người lạ bên ngoài và dễ dàng chấp nhận. Trong số những người bạn ảo của con, có người xấu và người tốt. Trong khi trẻ lại chưa có khả năng phân biệt điều này. Vì thế, có không ít trẻ gặp chuyện vì những người bạn ảo.
Có kẻ dụ dỗ bạn ảo vị thành niên của mình đi chơi và xâm hại. Cũng có kẻ đã lừa gạt tiền của các bé. Có kẻ còn dụ dỗ bạn ảo vị thành niên của mình vào những “động chứa”.
Thứ tư là vấn đề ứng xử trên mạng xã hội khi trẻ chưa thực sự phát triển ổn định về đạo đức và kĩ năng xử lý tình huống. Trẻ đưa thông tin của mình lên mạng xã hội một cách hết sức vô tư do suy nghĩ còn non nớt và thơ ngây. Khi nhận được những lời bình luận ác ý, trẻ sẽ cảm thấy sốc và xuống tinh thần.
Thậm chí, người lớn cũng rơi vào cảnh nghiện Facebook. Ảnh: VTC |
Đặc biệt khi những bức ảnh của trẻ bị cắt ghép và đưa lên nhằm mục đích trêu chọc trẻ với những lời bình luận ác ý, nhiều trẻ đã không thể xử lý được khủng hoảng tâm lý lúc đó mà có những hành động dại dột.
Thứ năm là vấn đề nghiện mạng xã hội. Trẻ nghiện mạng xã hội cũng gặp những vấn đề như các bệnh nhân nghiện các chất khác. Khi không vào được mạng xã hội, trẻ sẽ bứt rứt, khó chịu.
Các trẻ thường ngồi trên máy nhiều giờ đồng hồ trong ngày. Có trẻ thức đêm để vào mạng đến 2, 3h sáng mà không dứt ra nổi. Việc học hành và sức khỏe của trẻ sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Làm gì để con không bị nghiện Facebook, Internet, điện thoại?
Bà Hương cho rằng, việc đầu tiên cha, mẹ cần làm là lập cho con một thời gian biểu hoạt động thật kín kẽ, khoa học và hướng dẫn con thực hiện.
"Ngoài các hoạt động sinh hoạt thường ngày, trẻ cần được sắp xếp thời gian cho việc đọc sách, tìm hiểu cuộc sống xung quanh, chơi các môn thể thao vận động và làm các công việc nhà. Khi thời gian rảnh rỗi không có, trẻ sẽ không bị cuốn hút vào thế giới công nghệ.
Ngoài ra, cha mẹ cũng nên gương mẫu. Khi về đến nhà, cha mẹ cũng nên cất các thiết bị công nghệ của mình và tham gia sinh hoạt, làm việc cùng con. Thời gian trao đổi giữa cha mẹ và con cái càng nhiều thì con càng có khả năng miễn dịch với các thiết bị điện tử" - TS. Hương nhấn mạnh.
Làm thế nào để giúp con "cai" Facebook?
Trước tiên, cha mẹ cần phải chuẩn bị thời gian và một số công việc để thực hiện một kế hoạch nghiêm túc như sau:
Bước 1: Cha mẹ dựa vào 1 lỗi con đã gây ra để thu điện thoại hoặc máy tính của con trong thời gian 2 giờ. Trong thời gian đó sẽ yêu cầu con làm việc nào đó và giám sát con làm cho hết 2 giờ. Việc này hết sức quan trọng vì khi con rảnh rỗi, con sẽ nhớ về Facebook. Để con bận rộn, con sẽ đỡ bị cảm thấy khó chịu, bứt rứt.
Các bậc cha mẹ hoàn toàn có thể giáo dục con cái sử dụng điện thoại hay mạng xã hội thật có ích và hợp lý. |
Bước 2: Cha mẹ phạt tăng lên từ tuần 1 lần lên 2, 3 lần. Cho đến khi ngày nào cũng bị phạt thì các bạn cũng đã được tách khỏi máy dễ dàng hơn. Cha mẹ tiếp tục tăng thời gian tách máy lên 3, 4 giờ, đồng thời duy trì công việc để con không bị nhớ máy.
Bước 3: Quy định thời hạn sử dụng mạng xã hội chỉ 1 giờ/ngày và tiến tới là 15 phút/ngày. Tiếp tục tăng các hoạt động khác như thể thao, đọc sách.
“Nếu cha mẹ làm được đủ 3 bước trên, các con có thể dần dần cai nghiện Facebook và tìm được niềm vui khác trong cuộc sống”, TS Hương đưa ra lời khuyên dành cho các bậc phụ huynh.