Bệnh từ chính nhà mình
Chị Nguyễn Thị Xuân trú tại Thanh Trì, Hà Nội tìm đến bệnh viện khám vì bị viêm mũi dị ứng hơn hai tháng nay chưa khỏi. Chị Xuân kể từ đợt vào đầu hè chị bị cảm cúm xong từ đó đến nay mũi chị lúc nào cũng sụt sịt rất khó chịu.
Chị Xuân cảm thấy mệt mỏi, nhức đầu nhưng chị đi khám bác sĩ không thấy dịch trong xoang nên bác sĩ kết luận chị bị viêm mũi dị ứng. Uống thuốc bác sĩ kê chống dị ứng được 5 ngày thì dấu hiệu viêm mũi hết.
Chị Xuân thấy dễ thở hơn nhưng chỉ vài ngày sau chị lại bị cơn ngạt mũi, chảy nước mũi hành hạ. Vì ngạt mũi đôi khi chị còn không thở được phải thở bằng miệng, ho rất khó chịu.
Ảnh minh họa. |
Sau khi khám xong cho chị Xuân, bác sĩ cho biết chị bị viêm mũi dị ứng tái phát. Tiền sử chị Xuân không bị viêm mũi và gia đình không ai bị hen suyễn. Sau khi lục tìm các tác nhân bác sĩ nghi ngờ có thể do bụi trong nhà chị gây viêm mũi dị ứng.
Không chỉ riêng chị Xuân, anh Triệu Văn Thành trú tại Linh Đàm, Hà Nội kể, ngày trước anh khốn khổ vì viêm mũi dị ứng chu kỳ bị đi bị lại. Anh đi khám và điều trị nhưng cứ được một thời gian lại tái phát.
Cậu con trai 4 tuổi của anh cũng thế, bị viêm mũi tái đi tái lại không khỏi. Khám bệnh thường xuyên cộng với những đơn kháng sinh phải uống liên tục khiến gia đình anh lo lắng.
Anh Thành được bác sĩ tư vấn chuyển địa điểm sống có thể do trong nhà anh có nhiều vi khuẩn, ẩm thấp, bụi nhà gây viêm mũi dị ứng. Anh Thành đành bán căn nhà mặt đất nhỏ ở phố Trương Định để mua chung cư ở và hơn 1 năm nay chuyển ra sống ở chung cư tầng 9, anh Thành không còn bị những cơn viêm mũi dị ứng hành hạ.
Bệnh khó chữa dứt điểm
PGS Nguyễn Hoàng Sơn cho biết, bệnh viêm mũi dị ứng là bệnh dị ứng đường hô hấp nhiều nhất do những dị nguyên.
Theo PGS Sơn, bệnh càng ngày càng tăng, thứ nhất môi trường sống hiện nay, các yếu tố kháng nguyên ngày càng nhiều. Đặc biệt là dị nguyên ít ai để ý tới đó là bụi nhà. Bụi ở đây không phải bụi vô cơ, bụi nhà chính là bụi nằm ở giường, phản, chiếu, chăn. Trong bụi có mạt bụi nhà là một phức hợp của loài Dermatophagoides pteronyssinus, phân bố khá rộng rãi ở khắp nơi trên thế giới. Chúng có kích thước rất nhỏ khoảng 0,3mm và sống ở những đồ đạc ở trong nhà, giường, chiếu, gối, chăn, màn ngủ, thảm trải nhà... Ở những nơi này, chúng ăn những mảnh vụn hữu cơ như vảy da, mảnh gầu tóc ở da đầu.
Nguyên nhân thứ hai gây viêm mũi dị ứng là do vi trùng trong môi trường sống khi thời tiết thay đổi, ẩm quá nấm mốc, vi trùng hoạt động mạnh.
Nguyên nhân thứ ba là do các loài vật nuôi như chó, mèo, chim, những con bọ, lông chó mèo gây dị ứng.
PGS Sơn cho biết ở Việt Nam có 20 - 30 kháng nguyên gây viêm mũi dị ứng như con bọ, các bụi bông vải sợi, nấm mốc.
Ở Hà Nội, điều tra viêm mũi dị ứng khoảng 16 - 17 %, trẻ con nhiều hơn, thành phố nhiều hơn nông thôn. Nguyên nhân là do bụi ẩm, nhiều nhà có điều hòa làm yếu tố thuận lợi cho dị nguyên xâm nhập vào. Trong khi đó, mũi lại là đường thở duy nhất đi vào phổi để người có thể sống được, mũi là cửa ngõ và tiền đồn của mọi dị nguyên và càng ngày càng nhiều dị nguyên và việc điều trị hay dai dẳng.
Bệnh viêm mũi dị ứng chỉ có cách điều trị dứt hẳn là thay đổi địa điểm sống, thay đổi tác nhân gây dị ứng.
Tuy nhiên những trường hợp tìm được đúng kháng nguyên để loại kháng nguyên ra không phải dễ. Nhất là trường hợp di truyền thì rất khó. Để điều trị dứt điểm phải tìm tác nguyên gây bệnh để tránh, còn các biện pháp xịt mũi bằng các sản phẩm có chứa corticoid vẫn có thể khiến bệnh tái phát lại thành chu kỳ.