Để chứng minh luận điểm này, các chuyên gia đã bật một số đĩa nhạc vào lúc đối tượng thử nghiệm đang ngủ; thật đáng ngạc nhiên, hầu hết họ có thể nhận diện được loại nhạc đã nghe khi vẫn còn trong trạng thái “nghỉ ngơi”.
Nghiên cứu về khả năng tạo thành ký ức mới đã được công bố trên tạp chí Nature Communications.
Cho dù nhân loại có thể học trong khi ngủ thì tác hại vẫn lớn hơn lợi ích rất nhiều, các chuyên gia nhận định. (Ảnh: Déchiffrer la conscience) |
Não bộ có thể ghi nhớ các đoạn tiếng ồn trắng đặc biệt
Thomas Andrillon - tác giả của nghiên cứu, nhà thần kinh học thuộc Đại học nghiên cứu PSL, Paris, cho biết: "Chúng tôi đã chứng minh được rằng con người có thể học trong khi đang ngủ - đây là một chủ đề đã gây nên rất nhiều cuộc tranh cãi trong những năm qua”.
Nghiên cứu này đã đánh bật luận điểm của dự án được thực hiện vào những năm 1950. Ở thời điểm đó, các nhà nghiên cứu của tập đoàn Rand Corp đã báo cáo rằng các đối tượng thử nghiệm không thể nhớ thông tin được truyền đạt khi ngủ vào lúc thức dậy.
Không chỉ mới đây mà luận điểm “con người có thể học khi ngủ” mới trở thành một đề tài nóng hổi. Trong một nghiên cứu vào năm 2014, các nhà thần kinh học Israel đã cho 66 người tương tác với mùi khói thuốc trong khi “không tỉnh giấc”. Kết quả đáng chú ý, các đối tượng này đã tránh hút thuốc trong hai tuần sau khi kết thúc thử nghiệm.
Ở nghiên cứu mới trên, Andrillon và các đồng nghiệp đã tiến hành thử nghiệm các mô hình học tập. Trong khi một nhóm gồm 29 đối tượng nghỉ ngơi, các nhà thần kinh học đã phát ra các đoạn âm thanh tiếng ồn trắng. Trình tự phát băng hoàn toàn ngẫu nhiên và không thể đoán trước.
Tuy nhiên, có một đoạn băng dài 200 mili giây được phát lặp lại 5 lần trong chuỗi âm thanh trên. Khi các đối tượng thử nghiệm thức dậy, các nhà khoa học đã bật lại các đoạn băng được phát trước đó; ngạc nhiên thay, những người này vẫn có thể chọn chính xác đoạn băng đặc biệt trên.
Andrillon cho biết: "Khi chúng ta ngủ, bộ não vẫn tự động thu thập rất nhiều thông tin đang xảy ra bên ngoài; tuy nhiên, cách nó xử lý những dữ liệu này lại vô cùng phức tạp”.
Tùy vào giai đoạn của giấc ngủ mà hiệu quả cũng khác nhau
Không chỉ xác định được con người có thể học khi đang ngủ, các nhà khoa học cũng khám phá ra rằng các ký ức của mẫu tiếng ồn trắng chỉ được hình thành trong một số giai đoạn ngủ sâu và ngủ nông.
“Còn trong giai đoạn ngủ rất sâu và ngủ mơ, việc học trong khi “nghỉ ngơi” xem chừng không có hiệu quả”, Andrillon nói.
Đây là cột mốc đánh dấu lần đầu tiên các nhà nghiên cứu chứng mình được luận điểm “các giai đoạn giấc ngủ có liên quan đến sự hình thành những ký ức hoàn toàn mới", Jan Born - nhà thần kinh học của Đại học Tübingen ở Đức, người không tham gia vào nghiên cứu cho biết.
Theo quan điểm của Andrillon, nghiên cứu này có thể giúp hòa hợp hai học thuyết đang cạnh tranh nhau về vai trò của giấc ngủ trong kiến tạo ký ức. Luận điểm thứ nhất là: khi chúng ta ngủ, bộ não sẽ phát lại những ký ức lúc chúng ta đang thức; những kí ức này sẽ khắc sâu vào tâm khảm của mỗi người. Và học thuyết thứ hai: thay vì ghi nhớ, ngủ sẽ làm não quên đi những kỷ niệm cũ, mơ hồ và không cần thiết; tuy nhiên, các ký ức sâu đậm vẫn sẽ được giữ lại như những cái cây cô đơn trong một cánh đồng hoang vắng.
Mặc dù trước đây đã có nhiều nhà khoa học đưa ra luận điểm rằng 2 học thuyết trên có thể bổ trợ cho nhau, tuy nhiên vẫn không có ai đưa ra được bằng chứng xác thực. Với thí nghiệm mới đây, Andrillon cho biết: bộ não có thể làm được cả 2 điều trên tùy vào giai đoạn của giấc ngủ.
Tuy nhiên, nhóm học giả cũng thừa nhận rằng nghiên cứu này vẫn còn nhiều điểm hạn chế. Một trong số đó là các nhà khoa học đã không thể đo được phản ứng của các tế bào thần kinh của đối tượng khi thử nghiệm.
“Để quan sát được những dấu hiệu ở mức tế bào, chúng tôi cần thực hiện các phương pháp đo lường không xâm lấn mà hiện tại vẫn chưa thể áp dụng lên con người”, Andrillon bộc bạch.
Ngoài thông báo dự án này mới nằm ở mức độ thử nghiệm, các nhà khoa học cũng khuyến cáo chúng ta không nên quá tham lam thu nạp kiến thức; cố gắng chèn thêm thời gian làm việc vào 7 giờ nghỉ ngơi vì điều này có thể hủy hoại các chức năng cơ bản của não bộ.
Tiếng ồn trắng là một bản remix cắt ghép hàng tỉ các âm thanh khác nhau trong cuộc sống với tần số từ 20 – 20.000 Hz. Bản remix này sẽ cung cấp đến não một hỗn hợp âm thanh. Não sẽ dần dần suy giảm khả năng hoạt động và dần rơi vào trạng thái ngủ. Bật một bản nhạc tiếng ồn trắng sẽ giúp bạn nhanh chóng rơi vào giấc ngủ.