Chiều chồng quá thiệt thòi

Giờ đây, chị mới hiểu cho mẹ, vì sao trong ngần ấy năm bố mẹ vẫn bình yên bên nhau dù chị thấy mẹ phải chịu nhiều thiệt thòi…

Mẹ lên nhà chị chơi đúng vào dịp diễn ra World cup. Nhìn chị lúi húi chuẩn bị thức ăn khuya cho anh xem bóng đá, mẹ lắc đầu thở dài: “Chiều quá, nó lại sinh hư đấy con à, cứ nhìn bố mày ở nhà thì biết”. Chị cười trừ bảo: “Chỉ một tháng thôi mà mẹ”. Chị hiểu, mẹ đang lo lắng chị sẽ theo “vết xe đổ” của mẹ về khoản chiều chồng quá giới hạn…

Từ lúc chuẩn bị cưới, mẹ đã dặn dò: “Đừng chiều chuộng chồng quá, cơm bưng nước rót thành quen, sau này sẽ khổ đấy”. Có lẽ mẹ quá thấm thía từ cuộc hôn nhân của mình, bố chị giờ đã nghỉ hưu nhưng chưa từng động tay động chân đến bất kỳ việc gì trong nhà. Đến giờ ăn mà cơm chưa dọn ra là ông mặt nặng mày nhẹ, ăn xong mà mẹ chưa kịp rót nước, lấy tăm thì thể nào ông cũng càm ràm. Mẹ kể, lúc mới cưới nhau, biết mẹ chồng rất yêu con trai nên mẹ không dám nhờ bố việc gì kể cả bổ củi, gánh nước… Bố quen được bà nội chiều rồi đến vợ nên giờ chẳng biết làm gì ngoài việc cơ quan. Tất tần tật mọi việc trong nhà từ nhỏ đến lớn đều một tay mẹ lo liệu.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Thời con gái, chị thấy ấm ức cho mẹ lắm, tự nhủ, sau này lấy chồng sẽ không bao giờ chiều chuộng quá đáng như vậy. Nhưng rồi, khi lập gia đình, dường như tình yêu dành cho anh cùng tính cách cam chịu chị thừa hưởng từ mẹ đã làm chị quên mất ý nghĩ năm xưa. Nhiều lúc, chị giật mình không biết mình có chiều chồng quá không?

Dù bận việc đến cỡ nào, chị cũng cố gắng chu tất bữa cơm gia đình đầy đủ các món. Bởi mỗi lần, nghĩ đến chuyện anh phải “cơm hàng cháo chợ” là chị thấy áy náy, xót xa. Đối với chị, chồng bước ra khỏi nhà là phải tươm tất từ đầu đến chân, áo quần không được nhăn nhúm, đầu tóc gọn gàng, giày đánh láng bóng. Thế nên nhiều người đến chơi nhà đã phì cười khi thấy chị chăm chú đánh xi giày cho chồng, họ bảo việc đó anh tự làm được mà. Hình như dần dần, anh nghiễm nhiên xem những việc đó là bổn phận của chị. Sáng nào cũng vậy, anh ngồi khểnh đọc báo, đợi vợ hỏi muốn ăn gì thì trả lời. Ăn xong, cắp cặp đi luôn, chẳng để ý chị vừa dọn bát đũa vừa cho hai đứa con ăn để kịp giờ học…

Đến mùa World cup thì khỏi phải nói, chị phải hỏi trước anh thích ăn món gì, uống sữa loại gì để chuẩn bị trước cả tháng. Nhiều đêm, chị giật mình tỉnh giấc, thấy anh chưa ăn khuya là vội vàng mắt nhắm mắt mở dậy làm thức ăn cho chồng. Mà chuyện ăn uống của anh không hề đơn giản, chẳng phải cứ gói mì tôm hay bát phở ăn liền là xong. Nếu anh thích ăn phở, chị phải mua xương về hầm từ tối, gà luộc xé nhỏ sẵn, gia vị đầy đủ, khuya anh ăn chỉ việc hâm nóng nước dùng chan vào bát phở xếp sẵn. Anh muốn nhâm nhi bia với bò khô thì tự tay chị mua thịt bò về làm chứ không dám mua đồ làm sẵn, sợ không hợp vệ sinh. Chị còn phải đau đầu nghĩ ra đủ thứ để đổi món cho chồng đỡ ngán suốt một tháng lăn theo cùng trái bóng. Bởi thế ai phờ phạc vì thức khuya xem bóng còn chồng chị cứ phây phây ra vì được vợ chăm quá kỹ…

Điều mẹ nhắc nhở cũng làm chị có chút suy nghĩ nhưng cảm giác hạnh phúc khi ai đó khen về khoản chăm chồng và nhìn chồng vui vẻ, khỏe mạnh khiến chị quên đi những vất vả.

Giờ đây, chị mới hiểu cho mẹ, vì sao trong ngần ấy năm bố mẹ vẫn bình yên bên nhau dù chị thấy mẹ phải chịu nhiều thiệt thòi…

Vợ cũ của người tình “không ăn được phá cho hôi“

Vợ anh là người gửi đơn đi nhưng thực tế lại là người gây khó dễ. Từ lúc đưa đơn, bà ta lúc nào cũng theo dõi anh và cháu.

Cô Dạ Hương kính mến!

Cách đây hơn 2 năm cháu đã nhờ cô tư vấn. Cháu là người phụ nữ ly hôn với người chồng vũ phu, một mình nuôi con trai rồi gặp người đàn ông lớn hơn mình 10 tuổi. Anh ấy đã có vợ, có con, và chúng cháu yêu nhau sâu sắc.

Lúc nhờ cô tư vấn năm ấy cháu 36 tuổi, con trai cháu học lớp 8. Con cháu rất ngoan và thành tích học tập tốt, nhờ có anh ấy luôn bên cạnh hỗ trợ.

Cô ơi, cháu và anh yêu nhau quá nhiều. Anh đã ly thân 5 năm rồi nhưng không hiểu sao anh và vợ không ly hôn. Ngày đó cô đã khuyên cháu hãy chịu đựng và chờ đợi, có ly thân thì sẽ có ly hôn. Vậy mà cháu đã chờ điều này mãi.

Gần đây vợ anh tìm đến nhà cháu gây sự, đúng lúc đó anh về. Ba người đã nói rõ quan điểm với nhau. Cháu và vợ anh bắt anh phải nói lên lựa chọn một trong hai người, nhân thể, anh tuyên bố là anh chọn cháu. Hôm sau họ đưa nhau ra tòa xin ly hôn.

Từ đó đến nay đã 5 tháng mà vẫn chưa xong. Vợ anh là người gửi đơn đi nhưng thực tế lại là người gây khó dễ. Từ lúc đưa đơn, bà ta lúc nào cũng theo dõi anh và còn thường xuyên đến cổng nhà cháu để thăm dò.

Tòa cũng đã gọi họ lên nhiều lần, thủ tục hoàn tất xong nhưng lần nào ở tòa bà ta cũng gây sự cãi nhau với anh nên tòa chưa giải quyết được. Cháu biết anh ấy đã quá chán ngán, mệt mỏi với bà ta và rất muốn giải quyết nhanh nhất nhưng không hiểu sao bà lại cứ như vậy.

Mỗi lần anh bận công việc ở đâu đó mà bà ta không liên lạc được là bà ta tìm đến tận nơi để chửi bới anh và dọa sẽ thanh toán cháu.

Thực sự cháu mệt mỏi vô cùng. Cháu muốn cắt đứt mọi cái nhưng anh không đồng ý. Mọi dự định sống chung của anh và cháu, anh đã chuẩn bị sẵn sàng nhưng cứ như thế này mãi thì không biết sẽ đi đến đâu. Tính đến nay cuộc tình của chúng cháu cũng đã 8 năm rồi.

Giờ con trai cháu sắp vào lớp 11. Hai người gọi nhau là bố con thân mật, nếu cháu và anh chia tay, không biết con trai cháu sẽ thế nào. Cháu biết trong lòng nó yêu quý và luôn tự hào về anh.

Theo dự đoán của cháu, bà ta vẫn muốn níu kéo và sẽ không dễ dàng đống ý ly hôn. Còn anh thì đã ký hết mọi giấy tờ, chỉ chờ quyết định của tòa thôi.

Theo cô, cháu phải làm sao? Nếu không bỏ được bà ta thì khó mà yên vì bà ta quá nanh nọc, ghê gớm. Chia tay anh thì cháu tin anh sẽ quá đau khổ, anh bảo dù cháu có không ở bên thì cũng không đời nào anh trở về với người đàn bà ấy. Cháu khó nghĩ quá cô ơi.

Cháu xin không ghi tên và địa chỉ.
--------------------

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Cháu thân mến!

Không cần cô nhớ rõ kỳ thư hơn 2 năm trước hay không, thư này cháu viết rất rõ và cô tin sẽ tư vấn kỹ được.

Tám năm yêu nhau, nay cháu đã xấp xỉ bốn mươi, tình yêu này đúng là sâu sắc và cháu đã gặp may. Cậu ấy hơn cháu 10 tuổi, nay cũng đã gần “tri thiên mệnh” rồi, cái chính là cậu ấy kiên tâm, biết yêu thương và chăm sóc con trai của cháu.

Đúng, tình yêu của các cháu lành mạnh, bền bỉ nên con của cháu nó thấu hiểu, động lòng và nó thấy có một người cha đúng nghĩa ở bên.

Thông thường, chia tay một người chồng tệ bạc lúc mình còn quá trẻ thì chuyện hướng tới ai đó cũng hết sức đương nhiên. Gặp may và không gặp may quyết định cả số phận của người đàn bà và con cái họ sau đó. Như đã nói, cháu đã gặp may, đừng băn khoăn cả nghĩ nữa.

Cũng thông thường, người phụ nữ bị chồng chê, chồng chán, thường là người rất dữ dằn, thiếu nhân hậu. Đàn ông họ không chán vợ xấu, không phụ vợ già, không bỏ vợ vụng, họ chỉ ngán nhất các bà lộng ngôn, cay độc, bất chấp.

Sống với kiểu phụ nữ này khó có hai chữ yên bình, nhường thì họ chê là nhược, cứng thì họ vùng dậy bẻ gãy, lỡ thích người khác thì họ ra tay tới bến luôn. Quá trình xa ra là nhu cầu sống còn của người đàn ông và khi cô độc đi tìm một chỗ an ủi thì thế nào cũng có bến mới.

Cháu biết vì sao cậu ấy lần khân chuyện ra tòa không? Không phải vì tiếc người đàn bà ấy mà cậu ta sợ phiền, phiền cãi nhau ở tòa, phiền mỗi ngày và, chắc chắn sẽ còn bị phiền nữa. Đàn ông họ sợ phải đối đầu với phụ nữ, nhất là người từng vợ mình.

Có nên hiểu vì sao bây giờ bà ta mới quậy không? Là vì bà ta từng muốn chồng nghĩ lại, biết đâu. Vì vậy, làm thủ tục ở tòa là chuyện không đừng được, nhưng quậy thì cứ quậy kiểu “ăn không được cũng phá cho hôi”.

Tòa đang tìm cách hòa giải, đó là qui trình. Phải mất cả năm đó cháu ơi. Đừng vì thời gian mà chì chiết nhau, định xa nhau, bỏ lửng, tiếc cho cả ba người, kể cả đứa con của cháu đã quen hơi bén tiếng người đàn ông ấy.

Phải chấp nhận bị quấy phá, cái chính là nên bình tĩnh, nhất là thái độ biết điều của cháu sẽ làm bà ấy hạ hỏa. Dù gì cháu cũng có lỗi là người thứ ba trong quan hệ vợ chồng của người ta, vì vậy nên giữ phận, tránh đối đầu và nếu được, cứ đối thoại nhau.

Nhất định cháu cũng phải thương con của người ta, bù đắp cho việc con mình được người ta qúy, người ta chăm. Những đứa con của cậu ấy có tới lui với bố không, hay là cậu ấy vẫn ở chung nhà với vợ?

Rồi mọi việc sẽ lắng xuống, hai bên sẽ dính vào nhau bởi những đứa con riêng. Cháu cứ cư xử tốt đi rồi sẽ có lúc ngồi lại với bà ấy được và cả hai sẽ thấy tràn ngập yên bình. Trước mắt cần cẩn trọng, đừng khiêu khích để bà ấy manh động.

Chờ tòa, khi đã khởi động thì việc sẽ xong. Như một người đã cất bước thì thế nào cũng đến nơi.

Nàng dâu vụng

Nỗi lo lắng nhất của Diệp khi chồng đi công tác dài ngày, lại là chuyện…bếp núc.

Nói ra thì xấu hổ, quả là từ khi về nhà chồng, mọi chuyện bếp núc đều do Phú – chồng Diệp nhúng tay vào.

Nói mọi chuyện, hơi quá. Về khoản nấu cơm (nồi cơm điện) luộc rau, nấu canh…đại loại món ăn đơn giản, thì Diệp làm được. Thực ra, ngay cả việc đơn giản ấy, vào tay Phú vẫn ngon lành hơn. Cơm dẻo, không bao giờ nát quá hoặc khô quá. Nước rau luộc trong vắt, mà rau thì xanh đều, chín tới.

Đại loại Diệp làm không ngon bằng, nhưng chấp nhận được. Còn các món phải “đầu tư chiều sâu” thì Diệp vụng về hết cỡ. Ví dụ như món cá kho, thịt gà luộc, thịt kho tầu, cá mè nấu dấm… Những món này, Phú thường phải kè kè bên cạnh để chỉ đạo. Chỉ đạo rồi, còn kiểm tra tận mắt, tận tay mới yên tâm. Cứ hễ Phú lơ đãng một chút, là có chuyện ngay.

Nói về tài nấu nướng, chế biến món ăn, Phú thường tự mỉa mai: “Làm cái thằng đàn ông mà giỏi bếp núc, khéo nội trợ, là loại đàn ông vứt đi, chả làm nên trò trống gì đâu”. Phú nói vậy nhưng Diệp biết rõ, Phú là con người tài năng. Ở cơ quan, anh là nhà thiết kế loại “siêu”. Anh còn là cây sáng kiến và đặc biệt khéo tay. Từ một kỹ sư mới ra trường, sau ba năm, Phú đã được xếp là trưởng phòng kỹ thuật có năng lực.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Chuyện về Phú, có lẽ để dành vào dịp khác. Nay trở lại chuyện bếp núc của Diệp. Bố mẹ Phú đều là viên chức, nay đã về hưu cả. Ông bà tính tình phóng khoáng, rộng rãi, thậm chí còn chiều con dâu. Duy có chuyện ăn uống, ông bà yêu cầu con dâu phải nấu nướng ở nhà. Thì cũng phải lẽ thôi. Nấu ở nhà hợp khẩu vị hơn, và chắc chắn là sạch sẽ, tươi mới. Vài lần nấu các món khoái khẩu, ông bà tỏ ra ưng ý cô con dâu, cho rằng Diệp khéo tay. Có biết đâu rằng các món mà hai cụ thích, đều do tự tay hoặc có sự chỉ đạo của Phú.

Ấy là những ngày Phú ở nhà. Khi Phú đi công tác, cực chẳng đã, Diệp đành gọi điện cho Phú, để Phú “chỉ đạo từ xa”. Cách này tuy bất tiện, nhưng do được “chỉ đạo gần” nhiều lần, nên Diệp cũng đỡ lúng túng. Có điều là phải tuyệt đối không để ông bà biết chuyện.

Lần này trước khi đi công tác, Phú đã tỉ mỉ ghi lại cách chế biến một số món ăn thông dụng cho Diệp. Sở dĩ Phú phải ghi, vì nhiều lần Diệp chế biến theo hướng dẫn trong sách, đều thất bại. Diệp áp dụng máy móc, nên không thành công. Nhưng điều bất ngờ lần này, là đột nhiên ông bà yêu cầu cô con dâu làm món đậu phụ kho tương, khiến Diệp rất lung túng.

Món đậu phụ kho tương cứ nghĩ là rất dễ. Đậu phụ, tương Bần, thêm chút nước, đun sôi, khêu lửa nhỏ. Vậy mà không đơn giản như vậy. Diệp biết Phú có cách kho đặc biệt, khiến ông bà rất thích. Thành ra trước khi chế biến món đơn giản này, Diệp đành phải điện thoại cho Phú.

Buổi chiều, khi hai ông bà ngồi vào mâm cơm, thì dường như băn khoăn điều gì. Trên mâm có đĩa rau muống luộc. Bát nước rau dầm sấu. Đĩa tôm rang. Trứng tráng. Nước chấm, chanh, ớt. Duy thiếu món đậu phụ kho tương.

Đúng lúc ông bà định hỏi, thì đã thấy cô con dâu bưng lên một cái niêu đất nhỏ, phải lót bằng cái đĩa sứ phía dưới. Cô con dâu mỉm cười: “Con phải để lúc ăn mới mang lên, cho nóng”. Khi cái vung mở ra, ông bà suýt xoa vì hơi nóng bốc lên, mùi tương mùi đậu tỏa ra ngào ngạt. Đặc biệt những miếng đậu nở phồng như bánh bao, mà không hiểu sao, trong niêu vẫn có tiếng sôi lục bục.

Được món khoái khẩu, ông bà bỗng ăn nhiều hơn mức bình thường, vừa ăn vừa tấm tắc khen ngon, khiến cô con dâu được bữa…phổng mũi.

Khi Phú đi công tác về, Diệp không quên kể lại chuyện ông bà đã được thưởng thức món đậu kho tương như thế nào. Diệp chờ đợi một lời khen của Phú. Không ngờ Phú chỉ lặng thinh, khiến Diệp như bị cụt hứng. Phải đến lúc đó, Phú mới tủm tỉm cười: “Em ngốc lắm! Mẹ bảo với anh, món này chỉ có anh mới nấu khéo thế. Vậy là cô con dâu đã có sự “chỉ đạo” của chồng”.

Diệp sững người. Thì ra ông bà biết cả. Ông bà còn biết rõ, Diệp là người vụng về trong việc bếp núc, nấu nướng. Chỉ có điều, ông bà không nói cho Diệp biết mà thôi.

Thấy vẻ mặt ủ rũ của vợ, Phú không nhịn được cười. Anh đến bên vợ, không phải an ủi, mà là tiết lộ: “Mẹ nói gì, em có biết không? Mẹ bảo việc em nấu ăn vụng, không quan trọng. Cái quan trọng nhất, là tình cảm của em đối với ông bà. Đó! Tấm lòng chân thành của em, đã khiến em vượt lên chính mình. Từ chỗ không biết nấu ăn, đến nấu ăn ngon. Ông bà mừng nhất là vì thế. Bây giờ, anh hoàn toàn yên tâm. Không cần có anh, thì bữa cơm gia đình cũng thực sự rất ngon. Thậm chí, ngon hơn cả anh tưởng…”.

Đọc nhiều nhất

Tin mới