Nói ra thì xấu hổ, quả là từ khi về nhà chồng, mọi chuyện bếp núc đều do Phú – chồng Diệp nhúng tay vào.
Nói mọi chuyện, hơi quá. Về khoản nấu cơm (nồi cơm điện) luộc rau, nấu canh…đại loại món ăn đơn giản, thì Diệp làm được. Thực ra, ngay cả việc đơn giản ấy, vào tay Phú vẫn ngon lành hơn. Cơm dẻo, không bao giờ nát quá hoặc khô quá. Nước rau luộc trong vắt, mà rau thì xanh đều, chín tới.
Đại loại Diệp làm không ngon bằng, nhưng chấp nhận được. Còn các món phải “đầu tư chiều sâu” thì Diệp vụng về hết cỡ. Ví dụ như món cá kho, thịt gà luộc, thịt kho tầu, cá mè nấu dấm… Những món này, Phú thường phải kè kè bên cạnh để chỉ đạo. Chỉ đạo rồi, còn kiểm tra tận mắt, tận tay mới yên tâm. Cứ hễ Phú lơ đãng một chút, là có chuyện ngay.
Nói về tài nấu nướng, chế biến món ăn, Phú thường tự mỉa mai: “Làm cái thằng đàn ông mà giỏi bếp núc, khéo nội trợ, là loại đàn ông vứt đi, chả làm nên trò trống gì đâu”. Phú nói vậy nhưng Diệp biết rõ, Phú là con người tài năng. Ở cơ quan, anh là nhà thiết kế loại “siêu”. Anh còn là cây sáng kiến và đặc biệt khéo tay. Từ một kỹ sư mới ra trường, sau ba năm, Phú đã được xếp là trưởng phòng kỹ thuật có năng lực.
Ảnh minh họa. |
Ấy là những ngày Phú ở nhà. Khi Phú đi công tác, cực chẳng đã, Diệp đành gọi điện cho Phú, để Phú “chỉ đạo từ xa”. Cách này tuy bất tiện, nhưng do được “chỉ đạo gần” nhiều lần, nên Diệp cũng đỡ lúng túng. Có điều là phải tuyệt đối không để ông bà biết chuyện.
Lần này trước khi đi công tác, Phú đã tỉ mỉ ghi lại cách chế biến một số món ăn thông dụng cho Diệp. Sở dĩ Phú phải ghi, vì nhiều lần Diệp chế biến theo hướng dẫn trong sách, đều thất bại. Diệp áp dụng máy móc, nên không thành công. Nhưng điều bất ngờ lần này, là đột nhiên ông bà yêu cầu cô con dâu làm món đậu phụ kho tương, khiến Diệp rất lung túng.
Món đậu phụ kho tương cứ nghĩ là rất dễ. Đậu phụ, tương Bần, thêm chút nước, đun sôi, khêu lửa nhỏ. Vậy mà không đơn giản như vậy. Diệp biết Phú có cách kho đặc biệt, khiến ông bà rất thích. Thành ra trước khi chế biến món đơn giản này, Diệp đành phải điện thoại cho Phú.
Buổi chiều, khi hai ông bà ngồi vào mâm cơm, thì dường như băn khoăn điều gì. Trên mâm có đĩa rau muống luộc. Bát nước rau dầm sấu. Đĩa tôm rang. Trứng tráng. Nước chấm, chanh, ớt. Duy thiếu món đậu phụ kho tương.
Đúng lúc ông bà định hỏi, thì đã thấy cô con dâu bưng lên một cái niêu đất nhỏ, phải lót bằng cái đĩa sứ phía dưới. Cô con dâu mỉm cười: “Con phải để lúc ăn mới mang lên, cho nóng”. Khi cái vung mở ra, ông bà suýt xoa vì hơi nóng bốc lên, mùi tương mùi đậu tỏa ra ngào ngạt. Đặc biệt những miếng đậu nở phồng như bánh bao, mà không hiểu sao, trong niêu vẫn có tiếng sôi lục bục.
Được món khoái khẩu, ông bà bỗng ăn nhiều hơn mức bình thường, vừa ăn vừa tấm tắc khen ngon, khiến cô con dâu được bữa…phổng mũi.
Khi Phú đi công tác về, Diệp không quên kể lại chuyện ông bà đã được thưởng thức món đậu kho tương như thế nào. Diệp chờ đợi một lời khen của Phú. Không ngờ Phú chỉ lặng thinh, khiến Diệp như bị cụt hứng. Phải đến lúc đó, Phú mới tủm tỉm cười: “Em ngốc lắm! Mẹ bảo với anh, món này chỉ có anh mới nấu khéo thế. Vậy là cô con dâu đã có sự “chỉ đạo” của chồng”.
Diệp sững người. Thì ra ông bà biết cả. Ông bà còn biết rõ, Diệp là người vụng về trong việc bếp núc, nấu nướng. Chỉ có điều, ông bà không nói cho Diệp biết mà thôi.
Thấy vẻ mặt ủ rũ của vợ, Phú không nhịn được cười. Anh đến bên vợ, không phải an ủi, mà là tiết lộ: “Mẹ nói gì, em có biết không? Mẹ bảo việc em nấu ăn vụng, không quan trọng. Cái quan trọng nhất, là tình cảm của em đối với ông bà. Đó! Tấm lòng chân thành của em, đã khiến em vượt lên chính mình. Từ chỗ không biết nấu ăn, đến nấu ăn ngon. Ông bà mừng nhất là vì thế. Bây giờ, anh hoàn toàn yên tâm. Không cần có anh, thì bữa cơm gia đình cũng thực sự rất ngon. Thậm chí, ngon hơn cả anh tưởng…”.