Thiết bị được chế tạo bởi các nhà khoa học thuộc Trường University College London (UCL) và Đại học Nottingham (Anh). Nó trông như một chiếc mũ bảo hiểm kỳ dị trong phim khoa học giả tưởng. Và cũng như phim giả tưởng, chiếc mũ kỳ lạ có thể nắm bắt được chính xác từ trường não bộ của các tình nguyện viên tham gia thử nghiệm.
Tình nguyện viên tham gia thử nghiệm đang chơi bóng bàn trong lúc đo từ não đồ - ảnh do nhóm nghiên cứu cung cấp |
Chiếc mũ đo từ trường này là phiên bản thu nhỏ tinh tế và hiện đại của chiếc máy MEG truyền thống, vốn là hệ thống nặng nửa tấn và cần cả căn phòng để chứa. Chúng có chung công dụng là đo từ trường trong não người, phục vụ cho công tác chẩn đoán các bệnh về não như động kinh ở trẻ sơ sinh và trẻ em, Parkinson…
Tuy nhiên, với máy MEG truyền thống, nhiều trường hợp bác sĩ không thể đo được cho bệnh nhân bởi máy này yêu cầu bệnh nhân phải hoàn toàn bất động. Một xê dịch 5 mm cũng phá hỏng hình ảnh. Bắt một đứa trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ hay bệnh nhân rối loạn vận động nằm bất động đủ lâu để đo là vấn đề nan giải.
Với chiếc mũ này, các cảm biến lượng tử rất nhẹ và được giữ sát vào da đầu nên mọi cử động của bệnh nhân không ảnh hưởng đến kết quả chẩn đoán hình ảnh.
Thêm vào đó, máy MEG truyền thống đòi hỏi một thiết bị làm lạnh cồng kềnh đi kèm, bởi nhiều thiết bị của nó đòi hỏi luôn được giữ ở nhiệt độ -269oC. Chiếc nón thì hoàn toàn có thể bảo quản và sử dụng ở nhiệt độ phòng bình thường.
Theo giáo sư Gareth Barnes, Trung tâm Thần kinh con người Wellcome Trust thuộc UCL, người đứng đầu nghiên cứu, việc người bệnh có thể di chuyển bình thường khi đang đo từ trường trong não còn giúp các chuyên gia nắm bắt được hình ảnh não của họ khi đang làm việc, vận động chứ không đơn thuần là lúc đang tĩnh tại như cách đo truyền thống.