Electrophorus voltaï |
Được biết đến từ hơn 250 năm trước, cá chình điện hay còn gọi là lươn điện (tên khoa học: Electrophorus electricus) là một loài cá trong họ Cá dao lưng trần (Gymnotidae). Nó có thể phát ra điện để tự vệ và săn mồi.
Trước đây các nhà khoa học xác định lươn điện thuộc đơn loài. Nhưng việc tìm thấy hai loài mới cho thấy sự đa dạng sinh học ở Amazon vẫn chưa được khám phá hết, theo một nghiên cứu được thực hiện ở Brazil, Guyana và Suriname.
"Vẫn có thể tìm thấy những loài cá mới có kích thước tới 2,5 mét trong rừng nhiệt đới Amazon cho thấy vẫn còn rất nhiều loài để khám phá, nhiều trong số đó có thể được sử dụng cho nghiên cứu y học hoặc để thúc đẩy tiến bộ công nghệ", Carlos David de Santana thuộc Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Smithsonian ở Washington, DC, người đứng đầu nghiên cứu giải thích.
Phát hiện này "củng cố nhu cầu bảo vệ Amazon, khu bảo tồn đa dạng sinh học lớn nhất trên hành tinh", nhà nghiên cứu cho biết thêm.
Cá chình điện có một vũ khí săn mồi đáng sợ, đó là cơ quan phát điện của cá được tổng hợp từ 3 phần: phần chính tích điện, phần săn mồi phát động điện và phần đuôi định vị.
Phân tích sâu cơ quan phát điện của cá sẽ thấy chúng là các lớp mỏng cơ bao quanh bởi một dịch trong và sệt, các lớp cơ tạo điện đồng bộ và dòng điện tổng phóng ra được điểu khiển bởi não cá. Tất cả chỉ diễn ra trong 3 mi li giây (3/1000 giây) nhưng cá chình điện có thể phóng liên tục 150 lần trong một giờ mà không …mệt mỏi! Do đó ít con mồi nào thoát khỏi miệng nó. (Đã có trường hợp một con hoẵng ngã lăn kềnh ra khi ghé miệng uống nước gần chỗ cá chình điện). Người khi bị cá chình phóng điện có thể không chết và gượng dậy thoát được, nhưng nếu chậm chân không ra khỏi vùng nguy hiểm và bị sự phóng điện lặp lại liên tục từ cá, chúng ta có thể bị tử vong.
Ba phần cơ quan phát điện của cá sẽ tạo dòng điện sinh học, dòng điện này hình thành từ các pin sinh học gọi là bản điện.
Giải phẫu học của cá chình điện đã truyền cảm hứng cho nhà vật lý người Ý Alessandro Volta, người phát minh ra pin điện đầu tiên vào năm 1799.
Carlos David de Santana và nhóm của ông đã phát hiện ra hai loài mới này bằng cách nghiên cứu DNA của 107 mẫu vật. Một trong số chúng, được gọi là Electrophorus voltaï, tìm thấy ở rừng Amazon thuộc Brazil, có khả năng phóng ra dòng điện lên tới 860 volt, cao hơn 200 volt so với các loài đã được biết đến.
Hiện tượng này có thể được giải thích bằng sự thích nghi của loài này với môi trường nước của nó, nằm trên vùng cao, nơi độ dẫn điện thấp.
Khoảng 250 loài cá phóng điện sống ở Nam Mỹ. Tất cả đều tạo ra năng lượng điện để giao tiếp hoặc định hướng, nhưng cá chính điện là loài duy nhất sử dụng điện để săn mồi hoặc tự vệ.