Cặp song sinh nhà Pollock
Tháng 5/1957, ở ngôi làng nhỏ Hexham, Anh, cô bé Joanna Pollock, 11 tuổi, và em gái của em Jacqueline, 6 tuổi, đang trên đường đi đến nhà thờ cùng với một người bạn Anthonyn thì trở thành nạn nhân của tên tài xế bất cẩn. 2 chị em nhà Pollock gần như đã tử vong tại chỗ trong khi Anthony, 9 tuổi, thì qua đời khi đang trên đường được đưa đến bệnh viện.
Thế giới liệu có tồn tại kiếp luân hồi?
Điều tra vụ án sau đó chỉ ra rằng, tài xế cầm lái gây ra tai nạn khi đó là một người phụ nữ địa phương đang chịu ảnh hưởng của một vài loại thuốc, đã cố ý tông vào 3 đứa trẻ đi đường chỉ vì ả ta bị bắt phải từ bỏ những đứa con của mình. Vụ việc gây chấn động nước Anh và kẻ thủ ác sau đó được đưa vào bệnh viện tâm thần để điều trị tâm lý.
Cái chết của 2 cô con gái khiến bố mẹ của các em là John và Florence Pollock rơi vào nỗi đau khổ vô cùng tận. Một thời gian sau, Florence mang thai và khi cặp sinh đôi chào đời, John tin rằng chúng chính là bản sao của Joanna và Jacqueline.
Liệu có tồn tại hiện tượng luân hồi ?
Hai bé gái sinh đôi đã ra đời vào 4/10/1958, Gillian là chị và và vài phút sau là Jennifer. Khi vợ chồng Pollock bắt đầu quan sát kỹ hai đứa trẻ, ngoài việc cả hai chị em đều giống hết nhau, họ còn nhìn thấy một đặc điểm trên cơ thể của một trong hai bé.
Jennifer có một vết bớt trên trán, và kì lạ là vết bớt này nằm đúng vị trí mà chị gái quá cố Jacqueline từng có một vết sẹo. Trùng hợp hơn, cả hai đều có một vết bớt trên eo.
Ba tháng sau khi sinh con, gia đình Pollock quyết định chuyển đến White Bay để gác lại quá khứ đau buồn, tìm lại sự bình yên mà họ hằng mong ước.
Lên hai tuổi, cặp song sinh bắt đầu đòi đồ chơi từ những người chị gái quá cố, mặc dù chúng chưa bao giờ được kể về những thứ ấy. Khi người bố đưa cho hai chị em những con búp bê mà ông giữ trên gác mái, cặp song sinh đặt tên chúng là Mary và Susan - trùng khớp với những cái tên mà hai người con gái đã mất của họ đã gọi hai món đồ chơi này ngày trước.
Ngày qua ngày, cả hai em bé dần phát triển những tính cách khác nhau. Trong khi Gillian ngày càng ra dáng một người chị gái luôn ra lệnh cho em gái, thì Jennifer luôn khiến mọi người trong gia đình nhớ đến Jacqueline khi luôn răm rắp nghe lời chị không chút thắc mắc.
Và mọi chuyện ngày càng kỳ lạ hơn khi gia đình Pollock quyết định trở về quê hương của họ.Khi về lại quê nhà, cặp song sinh đã bất ngờ gọi tên những địa danh mà chúng chưa từng thấy trước đây, chẳng hạn như ngôi trường mà Joanna và Jacqueline đã theo học, Tu viện Hexham, và một công viên giải trí mà những người chị đã mất rất yêu thích.
Cả hai đồng loạt đòi bố mẹ cho đến thăm công viên này và mô tả chi tiết về nó như thể chính hai đứa trẻ đã đến đây nhiều lần. Về đến nhà, họ nhận ra mọi ngóc ngách như thể rất quen thuộc, thậm chí còn biết cả hàng xóm. Vợ chồng Pollock cho biết cặp sinh đôi đã hành động và nói chuyện như cách mà hai cô con gái đầu của họ từng làm.
Cặp song sinh Pollock cũng ngày càng tỏ ra khó chịu và hoảng sợ khi ở xung quanh ô tô và các phương tiện khác. Ví dụ, mẹ của cả hai đã chỉ ra rằng cả Jennifer và Gillian đều có vẻ cẩn trọng khi đi ô tô hơn những đứa trẻ cùng trang lứa.
Sau khi lên 5 tuổi, ký ức của hai đứa trẻ được cho là mờ dần và cả hai tiếp tục sống bình thường.
Nghiên cứu của Tiến sĩ Stevenson về cặp song sinh Pollock và những bằng chứng khác về luân hồi
Sự kỳ lạ của cặp song sinh đã thu hút sự chú ý của Tiến sĩ Ian Stevenson (1918 -2007), một nhà tâm lý học nghiên cứu về hiện tượng kỳ lạ ở trẻ em. Năm 1987, ông đã viết một cuốn sách có tên là “Những đứa trẻ nhớ về kiếp trước: Câu hỏi về sự đầu thai”.
Trong đó, ông đã mô tả 14 trường hợp được cho là sự đầu thai, bao gồm cả trường hợp của hai cô gái nhà Pollock.
Stevenson nghiên cứu về hiện tượng khoa học gây tranh cãi trong nhiều thập kỷ. Trong thời gian đó, ông đã điều tra hàng ngàn trường hợp. Phần lớn các nghiên cứu diễn ra ở các nước châu Á.
Stevenson thích tiến hành nghiên cứu của mình ở những nơi niềm tin vào sự đầu thai là điều phổ biến. Theo ông, các bậc cha mẹ không tin vào sự đầu thai thường không khuyến khích đứa trẻ nói về kiếp trước. Ngoài ra, trẻ em là những đối tượng tốt nhất vì chúng ít có khả năng bịa chuyện.
Cho đến nay, có "ký ức kỳ lạ" hư thể là đầu thai là quan điểm mơ hồ, gây tranh cãi,và không được nhiều nhà khoa học tin tưởng.
Mặc dù vậy, rất nhiều người vẫn còn tin vào điều này chủ yếu nó là những quan niệm phổ biến ở một số tôn giáo tin vào luân hồi, con người có kiếp trước, kiếp sau.
Một số trường hợp kinh điển khác được coi là bằng chứng liên quan đến luân hồi có thể kể đến James Leininger, sinh năm 1998 tại San Francisco, Mỹ.
James bắt đầu gặp ác mộng về một vụ tai nạn máy bay khi mới hai tuổi. Những cơn ác mộng được mô tả là bắt nguồn từ ký ức kiếp trước của một phi công trong Thế chiến II.
James có thể nói vanh vách với bố mẹ về tất cả những chiếc máy bay từ thời đó – trong khi bố mẹ cậu bé không phải là những người thích tìm hiểu về Thế chiến II, hoặc sưu tầm sách vở, kỷ vật trong nhà.
Đó là đứa trẻ dường như có những ký ức không phải của riêng mình. Cặp song sinh Pollock ở trên cũng chỉ là một trong nhiều ví dụ mang đến những bí ẩn tương tự.
Trong lúc còn đang đi tìm lời giải về hiện tượng này, các nhà khoa học bày tỏ hy vọng rằng đây nên là một bí ẩn mang đến sự tích cực cho những ai mất đi người thân. Vì với những ai đó đã mất đi người thân trong gia đình, họ có thể vượt qua nỗi đau để sống lạc quan hơn với hy vọng rằng khi những người thân yêu qua đời, những người đó có thể sẽ quay lại với họ trong một hình hài khác.