Hiện nay, cùng với sự phát triển rất nhanh chóng của các khu đô thị, nhất là các trung tâm thành phố, tỉnh, thị xã, quận, huyện là sự xuất hiện của rất nhiều loại hoa trang trí ở các tiểu đảo, vòng xoay, con lươn, vỉa hè, trong đó có cây hoa huỳnh anh. Loại hoa này có màu vàng rực, sống lâu, dễ chăm sóc, lại nở quanh năm nên được trồng rất nhiều.
Cây huỳnh anh thường được trồng làm hàng rào trang trí. Ảnh minh họa |
Tuy nhiên, theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), huỳnh anh là 1 trong 8 loại cây không nên trồng nhiều ở nơi công cộng, đặc biệt là ở các trường học vì có chất độc.
Hoa huỳnh anh có màu vàng đẹp rực rỡ nên được trồng khá phổ biến. Ảnh: Anh Thư |
Bác sĩ Lâm Diệu Quang - Chủ tịch Hội đông y tỉnh Hậu Giang, Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ Y, Sở Y tế Hậu Giang cảnh báo: “Trẻ em do chơi ngậm nhai cây, hoa, hoặc nuốt phải nhựa mủ của cây huỳnh anh sẽ bị rối loạn tiêu hóa, đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy, có khi kèm theo triệu chứng sưng môi, choáng váng. Ngoài ra, ở những trẻ có cơ địa mẫn cảm, khi trẻ sờ phải nhựa mủ của cây có thể gây viêm da làm nổi hồng ban, mề đay trên da”.
Vấn đề đặt ra là hiện nay, các cơ quan chuyên môn (trong đó có quản lý cây xanh đô thị) có biết loại cây này có độc hay không để phá bỏ, hạn chế trồng? Đồng thời có giải pháp tuyên truyền cho các điểm mua bán hoa kiểng và người dân biết để phòng tránh tác hại do cây huỳnh anh gây ra.
Theo các nhà chuyên môn, mặc dù cây huỳnh anh có độc, song theo y học nó vẫn có nhiều tác dụng trong bào chế dược phẩm, mỹ phẩm, nhưng không nên trồng quá nhiều nơi đông người qua lại sẽ ảnh hưởng rất đến sức khỏe người dân.