PGS.TS. Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, hiện nay, theo thống kê chưa đầy đủ của Cục này thì cả nước đang có trên dưới 4.000 cơ sở sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Tuy nhiên, nếu như áp dụng tiêu chuẩn GMP (chứng nhận đạt yêu cầu sản xuất tốt) thì chỉ ước tính khoảng hơn 300 cơ sở.
PGS. TS. Nguyễn Thanh Phong Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế). |
"Cũng có nhiều câu hỏi đặt ra, nếu như chúng ta áp dụng tiêu chuẩn GMP đối với thực phẩm bảo vệ sức khỏe liệu các cơ sở sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe có giảm sút đáng kể, ảnh hưởng đến thị trường thực phẩm chức năng bảo vệ sức khỏe hay không? Chúng tôi khẳng định rằng, chúng ta không lo thiếu thực phẩm chức năng. Ngược lại là chúng ta lo làm sao không đủ thực phẩm chức năng tốt, thực phẩm chức năng không đảm bảo chất lượng phải giảm bớt đi", ông Phong cho hay.
Theo Cục trưởng Nguyễn Thanh Phong, nếu không quy định các cơ sở sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe phải áp dụng GMP, thì chính các cơ sở được áp dụng GMP cũng chưa sản xuất hết công suất.
"Có 3 yếu tố rất quan trọng để một cơ sở sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe đạt tiêu chuẩn GMP đó là: Cơ sở vật chất; Yếu tố con người (bắt buộc chủ cơ sở, người trực tiếp sản xuất phải có trình độ từ Đại học trở lên đối với lĩnh vực chuyên ngành mà mình đang sản xuất đối với sản phẩm); Hồ sơ sổ sách và hệ thống kiểm nghiệm...", ông Phong cho biết thêm.
Trước đó, ngày 22/7 Cục An toàn thực phẩm đã trao giấy chứng nhận đạt yêu cầu sản xuất tốt (GMP) thực phẩm bảo vệ sức khỏe cho Công ty Cổ phần dược Gia Nguyễn (khu Công nghiệp Yên Phong, xã Đông phong, huyện Yên Phong, Bắc Ninh).
Nhấn mạnh tại buổi lễ, Cục trưởng Nguyễn Thanh Phong khẳng định: "Ngay bây giờ những nhà máy được cấp tiêu chuẩn GMP, thì chắc chắn các sản phẩm sản xuất tại đây sẽ đạt tiêu chuẩn tốt hơn. Hy vọng, với tốc độ như thế này và lộ trình như vậy đến tháng 7/2019 chất lượng các thực phẩm bảo vệ sức khỏe sẽ tốt hơn hiện nay".