Hoạt động thể lực cũng là yếu tố làm gia tăng nguy cơ ngừng tim đột ngột ở bệnh nhân đã có tiền sử bệnh lý tim mạch hoặc chưa. Ảnh: Naklejamy. |
Theo xu hướng của các nước phát triển, mô hình bệnh tật tại Việt Nam cũng chuyển dịch trong những năm gần đây từ các bệnh lây nhiễm sang nhóm bệnh không lây nhiễm. Trong đó, bệnh lý tim mạch là một trong những nguyên nhân gây tử vong có xu hướng gia tăng.
Ngừng tim đột ngột hay đột tử, tuy ít gặp (khoảng 1/100.000 người dân/năm theo các báo cáo), nhưng ảnh hưởng rất lớn tới gánh nặng xã hội do các hậu quả của nó gây ra (tử vong, tàn tật, di chứng thần kinh). Việc dự phòng ngăn ngừa ngừng tim đột ngột cũng như cấp cứu ban đầu là rất quan trọng giúp giảm gánh nặng bệnh tật cũng như tử vong.
Tập luyện thể thao là biện pháp được khuyến cáo nhằm giúp giảm nguy cơ tim mạch. Tuy nhiên, hoạt động thể lực cũng là yếu tố làm gia tăng nguy cơ ngừng tim đột ngột ở bệnh nhân đã có tiền sử bệnh lý tim mạch hoặc chưa.
Vậy hiểu như thế nào cho đúng về ngừng tim đột ngột liên quan đến hoạt động thể thao, để tránh tình trạng tâm lý lo ngại không dám hoạt động thể lực, nhất là tâm lý lo sợ của cha mẹ không cho con cái tập luyện?
Ngừng tim đột ngột liên quan đến hoạt động thể thao có thể xuất hiện ở những bệnh nhân có bệnh lý tim mạch đã biết trước hoặc bệnh lý tim mạch nhưng chưa được phát hiện và điều trị. Nguyên nhân gây ngừng tim đột ngột khác nhau theo nhóm tuổi. Mỗi nhóm tuổi sẽ có những nguyên nhân đặc trưng khác nhau. Một số nguyên nhân có thể gặp ở trẻ em như:
Nhìn chung, ở trẻ em, các nguyên nhân thường gặp như rối loạn nhịp tim, bệnh cơ tim phì đại, bất thường bẩm sinh mạch vành…
Để ngăn ngừa ngừng tim đột ngột liên quan đến hoạt động thể thao, chúng ta cần phải có chiến lược rõ ràng, từ việc khám sức khỏe định kỳ sàng lọc các bệnh lý tim mạch, có bài tập kế hoạch luyện tập, mức độ tập luyện phù hợp với mỗi tình trạng bệnh.
Commotio cordis là gì?
Commotio cordis là thuật ngữ chỉ tình trạng bệnh nhân đột ngột ngất và sau đó tử vong khi bị quả bóng hoặc vật tù tác động mạnh vào vùng ngực trái trong khi chơi một số môn thể thao như: Bóng đá, bóng chuyền, khúc côn cầu, trên bệnh nhân không có tổn thương tim cũng như bệnh lý tim mạch từ trước.
Bệnh cảnh được mô tả từ những năm giữa của thế kỷ 19. Chúng ta đã được biết đến với hình ảnh đòn đánh chí mạng vào vùng ngực sau đó đối thủ tử vong ngay tại chỗ trong các bộ phim võ thuật Trung Quốc.
Cơ chế một lực tác động vào vùng ngực trong thời gian tái cực tâm thất gây ra rung thất. Ảnh: BSCC. |
Đây là tình trạng bệnh gây ra do có một ngoại lực đến từ vật tù tác động vào vùng ngực. Tác động cơ học này tác động vào vùng ngực dẫn đến rối loạn điện học của tim gây ra nhịp nhanh thất và sau đó là rung thất, trên bệnh nhân không có bệnh lý tim mạch từ trước. Lực tác động không gây ra các tổn thương cơ học vùng ngực cũng như chấn thương tim.
Đây là bệnh hiếm gặp, chưa có thống kê cụ thể, bệnh thường gặp ở trẻ em từ 9 đến 15 tuổi (rất hiếm gặp ở người trên 25 tuổi). 95% số ca bệnh được mô tả ở trẻ trai. Hoàn cảnh xảy ra rất khác nhau như khi trẻ chơi bóng bầu dục, bóng đá, bóng rổ, bóng chuyền, khúc côn cầu bị quả bóng hoặc gậy tác động vào vùng ngực trái.
Theo thống kê tại Mỹ, trong số các ca Commotio cordis, bóng chày là môn thể thao thường gặp nhất, sau đó là bóng ném, khúc côn cầu, bóng vợt. Bóng đá là môn thể thao không thường gặp Commotio cordis.
Commotio cordis thường gây tử vong và là một trong 3 nguyên nhân gây tử vong liên quan đến hoạt động thể thao (sau bệnh cơ tim phì đại và bất thường động mạch vành). Nhưng cùng với những hiểu biết tốt hơn về bệnh, giáo dục kỹ năng cấp cứu ngừng tim ngừng thở tại cộng đồng, sự phổ biến của máy khử rung, số ca sống sót không ngừng tăng lên. Theo các báo cáo, tỷ lệ sống sót đã tăng từ 15% (ở thập kỷ trước) lên 35% đến hiện nay.
Phòng ngừa Commotio cordis
Một số biện pháp được đưa ra để phòng ngừa Commotio cordis như giáo dục vận động viên trong các môn thể thao động tác chuẩn, tránh đòn đánh vào vị trí trọng yếu (vùng trước ngực).
Trong môn quyền anh, các vận động viên không nên có những cú đấm vào vùng ngực của đối thủ, mặc dù có thể là cú đấm khá nhẹ nhưng vẫn có nguy cơ gây ngừng tim. Các vận động viên cũng được giáo dục một số kỹ năng như không được dùng ngực để đón bóng, quay ngực khi quả bóng từ xa với lực tác động mạnh đang lao tới.
Pha ném bóng quyết đoán của nam sinh đội THCS Chu Văn An. Ảnh: Tùng Lê. |
Một số sáng kiến mới về thay đổi các dụng cụ thể thao để nhằm ngăn ngừa Commotio cordis. Tuy nhiên, hiệu quả mới chỉ được chứng minh một phần trong phòng thí nghiệm. Hiệu quả trên thực tế chưa cao, như thiết kế quả bóng mềm hơn trong các môn bóng rổ, bóng chày.
Một số bộ áo giáp bảo vệ được giới thiệu với hy vọng ngăn ngừa tình trạng ngừng tim do tác động ngoại lực vào ngực. Tuy nhiên, hiệu quả chưa cao vì khi hoạt động thể thao, áo giáp có thể di lệch không còn bao phủ vùng cần bảo vệ.
Nguyên nhân gây tử vong trong Commotio cordis là rung thất. Do đó, để hạn chế tử vong, chúng ta cần giáo dục cha mẹ, các huấn luyện viên thể thao, đội cứu hộ tại sân thể thao kiến thức để nhận biết Commotio cordis và kỹ năng cấp cứu ngừng tuần hoàn thành thạo. Các sân thể thao cũng nên được trang bị máy khử rung và huấn luyện viên, nhân viên sân thể thao được đào tạo về sử dụng máy khử rung thành thạo.
Hoạt động thể thao rất quan trọng và có nhiều lợi ích (giúp ngăn ngừa béo phì và các bệnh lý tim mạch như nhồi máu cơ tim, đột quỵ…). Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động thể dục thể thao có thể có một số tai nạn. Trong đó, ngừng tim đột ngột là tai nạn nguy hiểm có thể xảy ra trên bệnh nhân có bệnh lý tim mạch từ trước hoặc không.
Ngay kể các các bệnh nhân mắc bệnh tim mạch vẫn có thể hoạt động thể dục thể thao, tuy nhiên cần có khuyến cáo cụ thể để tránh các tai nạn không mong muốn xảy ra.
Mục Sức khỏe giới thiệu cuốn Ăn gì không chết. Cuốn sách là một khảo cứu của bác sĩ Michael Greger sau khi ông xem xét tỉ mỉ 15 nguyên nhân hàng đầu dẫn đến chết trẻ ở Mỹ để giải thích tại sao can thiệp dinh dưỡng và lối sống có thể giúp ta khỏe mạnh hơn, ví dụ như mối liên hệ giữa thịt gà và ung thư tuyến tụy, hoặc bệnh tiểu đường và đậu.