Ngày 13/12, Bệnh viện (BV) Nhi đồng TP. HCM cho biết đã cứu sống 2 bệnh nhân bị viêm cơ tim tối cấp, ngưng tim liên tục, suy đa cơ quan.
Trước đó, trưa ngày 22/11, bệnh nhi N.T.M.L (10 tuổi, ở Bình Tân) nhập viện vào BV Nhi đồng TP. HCM trong tình trạng hạ áp nặng, môi tái, mỏi mệt. Mẹ bé cho biết bé đã sốt 3 ngày, có triệu chứng nhức mỏi, dấu hiệu như cảm cúm thông thường, sau đó da tái đi và hỏi han không trả lời nổi.
Thấy nguy hiểm, gia đình lập tức đưa bé đi khám tại BV Bình Tân. Tại đây, bác sĩ thông báo bé bị rối loạn nhịp tim, hạ huyết áp và viêm cơ tim, nguy hiểm đến tính mạng nên đã chuyển bé đến BV Nhi đồng TP. HCM.
Ngay sau đó, bác sĩ chuyển bệnh nhi đến Khoa Hồi sức tích cực, tiến hành siêu âm Doppler và áp dụng các biện pháp hỗ trợ cơ học kịp thời để giúp tim lưu thông máu và đập tốt.
Bác sĩ thực hiện phương pháp ECMO kết hợp với lọc máu, đặt máy tạo nhịp, máy thở,… để cứu sống bệnh nhân. |
Đồng thời, các bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực và Tim mạch đã nhanh chóng đặt đường truyền tĩnh mạch trung tâm, ống thông tiểu, đặt ống nội khí quản hỗ trợ thở máy cho bệnh nhi.
Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến - Phó Giám đốc BV Nhi đồng TP. HCM và bác sĩ Lê Vũ Phượng Thy - Trưởng Khoa Hồi sức Tích cực cùng ekip ECMO, ekip Ngoại Lồng ngực mạch máu đã cùng tham gia hội chẩn, phối hợp tìm ra giải pháp cứu sống bệnh nhân.
Đến 19h cùng ngày, tim bệnh nhi đi vào nhịp nhanh thất trên 200 nhịp, đe dọa đến tính mạng. Bác sĩ nhanh chóng đặt máy tạo nhịp tạm thời và tiến hành sốc điện. Tuy nhiên, đến 20h, bệnh nhân không có dấu hiệu cải thiện, tim vẫn loạn nhịp.
Cứu sống bệnh nhân nhờ áp dụng kỹ thuật ECMO và lọc máu liên tục
Trước diễn biến nghiêm trọng, lãnh đạo BV Nhi đồng TP.HM và Khoa Hồi sức tích cực đã quyết định thực hiện phương pháp oxy hóa qua màng ngoài cơ thể (Extracorporeal Membrane Oxygenation – ECMO). Đây là phương pháp sử dụng tuần hoàn và trao đổi oxy bên ngoài cơ thể, nhằm hỗ trợ chức năng sống ở các bệnh nhân suy tuần hoàn hoặc suy hô hấp nặng. Với nguyên lý hoạt động tương tự như một máy tim phổi nhân tạo, ECMO sẽ giúp duy trì sự sống cho người bệnh, đồng thời tạo thời gian cho tim được nghỉ ngơi và hồi phục.
Trong quá trình thực hiện, ê kíp bác sĩ phối hợp xoa bóp tim ngoài lồng ngực song song với đặt cannula động mạch kết nối ECMO.
Sau 2h phối hợp nhịp nhàng giữa ê kíp bác sĩ, bệnh nhi đã được cứu sống một cách ngoạn mục. Tim bệnh nhi đập trở lại và tình trạng huyết động cải thiện.
Khoảng 2 ngày sau đó, bệnh nhi bị rối loạn tim liên tục, bác sĩ kê thuốc chống loạn nhịp và thuốc vận mạch ổn định chức năng co bóp cơ tim. Cùng với đó, chức năng gan, thận của em cũng bị suy giảm nặng nề. Bác sĩ đã hội chẩn, tiến hành lọc máu kết hợp với sự hỗ trợ của kỹ thuật ECMO hỗ trợ tim phổi, giúp bệnh nhân vượt qua nguy hiểm.
Sau 6 ngày chạy EMCO và 4 ngày lọc máu, tình trạng viêm cơ tim bệnh nhi ổn định dần, chức năng co bóp cơ tim tốt, chức năng gan thận cải thiện ngoạn mục. Sau đó, bệnh nhi được cai máy thở, ECMO, ngưng lọc máu, tập ăn uống đường miệng, tỉnh táo dần và vui vẻ trò chuyện cùng các cô bác đơn vị hỗ trợ tâm lý.
Đặc biệt, trong đêm 22/11, Khoa Hồi sức tích cực BV Nhi đồng TP.HCM cũng tiếp nhận một bệnh nhân khác (15 tuổi, ở An Giang) trong tình trạng tương tự bé L. Bác sĩ cũng thực hiện phương pháp ECMO kết hợp với lọc máu, đặt máy tạo nhịp, máy thở,… cứu sống bệnh nhân.
Hiện 2 bệnh nhân đã tỉnh táo, chức năng tim hoạt động bình thường, ăn uống tốt. Dự kiến, bệnh nhân có thể xuất viện trong vòng 7-10 ngày tới.
Sau 2 năm vận hành tại BV Nhi đồng TP.HCM, phương pháp ECMO đã hỗ trợ các bác sĩ cứu sống được 8 bệnh nhân. Điều này cho thấy vai trò cấp thiết và không thể thay thế của kỹ thuật dẫn đầu trong hỗ trợ chức năng tim, phổi.
Cùng với sự vượt trội mà phương pháp ECMO mang lại, sự thành công này con cho thấy BV Nhi đồng TP.HCM đã có nhiều nỗ lực, tạo ra bước phát triển vượt bậc. “Chúng tôi nỗ lực cùng BV Chợ Rẫy, BV Nhi đồng 1 trở thành những trung tâm thực hiện ECMO lớn của miền Nam để cứu sống nhiều bệnh nhân rơi vào nguy kịch” – Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến cho biết.