- Cuộc bình chọn Quả bóng vàng (QBV) 2011 diễn ra trong không khí hết sức buồn tẻ và rất khó khăn. Khó khăn ở chỗ, trong một năm qua người ta chẳng thấy gương mặt nào thực sự sáng giá xứng đáng với danh hiệu đó, vì thế chẳng biết phải chọn ai.
Bết bát ở cấp đội tuyển
Năm 2011, ĐTQG Việt Nam không tham gia giải đấu lớn nào, ngoài vòng loại World Cup 2014 trong tháng 6 và phải dừng bước ở vòng đấu loại thứ nhất.
SEA Games 26 diễn ra ở Indonesia, dưới sự dẫn dắt của HLV đầy cá tính là Falko Goetz, cùng với lứa cầu thủ tài năng như Thành Lương, Trọng Hoàng, Đình Tùng, Văn Quyết, Long Giang, Văn Bình… U23 Việt Nam được kỳ vọng sẽ mang vàng về cho bóng đá nước nhà.
Nhưng hi vọng bao nhiêu thì thất vọng bấy nhiêu. U23 VN phải dừng bước tại bán kết bởi U23 Indonesia. Sau đó, trong trận tranh huy chương đồng chúng ta thất bại tủi hổ trước U23 Myanmar với tỉ số 1-4. Thành tích bết bát đó khiến HLV Falko Goetz lập tức bị sa thải. Những cầu thủ được chờ đợi rất nhiều đã không thể hiện được mình.
Trọng Hoàng thi đấu dưới sức một cách khó hiểu, Văn Quyết cho thấy anh chưa đủ trình để thi đấu ở một giải đấu lớn ở khu vực, trong khi Đình Tùng lại kém duyên ghi bàn. Chỉ có Thành Lương là chơi tạm được, nhưng “một cánh én không làm nên mùa xuân”, khiến Lương “dị” cũng bị coi là kẻ thất bại.
SEA Games là cơ hội cho các cầu thủ thể hiện trong màu áo đội tuyển cấp quốc gia, và cũng dựa trên tiêu chí đó để đánh giá bầu chọn danh hiệu QBV trong năm. Nhưng xem ra, năm nay thật là đại hạn bởi chẳng có gương mặt nào đáng giá khi mà ở cấp đội tuyển đều bết bát.
Huỳnh Kesley đang đứng trước cơ hội lần đầu tiên một cầu thủ nhập tịch đoạt QBV. (Ảnh: Internet) |
Nhân tài như lá mùa thu
Vài năm trở lại đây, bóng đá Việt Nam đang cạn dần những nhân tài. Những lò đào tạo nổi tiếng như SLNA, Đà Nẵng, Nam Định đã không cho ra lò gương mặt nào thực sự nổi trội như cái thời của Văn Quyến, Quốc Vượng, Công Vinh hay Trung Kiên.
Trọng Hoàng, Văn Quyết, Thành Lương là những cầu thủ nổi bật ở thời điểm ở CLB của họ hiện tại, nhưng họ chưa phải là những cầu thủ thực sự lớn và quá nổi trội như điều mà Văn Quyến hay Công Vinh làm được trước đây.
Một nguyên nhân nữa khiến nhân tài bóng đá Việt Nam đang “chết dần, chết mòn” đó chính là việc các CLB đang sử dụng cầu thủ ngoại và cầu thủ nhập tịch quá nhiều, khiến các cầu thủ nội không có đất diễn. Dẫn đến việc có nhiều cầu thủ tài năng mà chưa được trọng dụng.
Nhìn vào 14 CLB ở V-League năm nay sẽ thấy, trên hàng tiền đạo luôn có sự hiện diện của 2 “Tây”, số ít là kết hợp một “Tây” và một cầu thủ nội. Thậm chí với mục tiêu vô địch Sài Gòn FC luôn ra sân với 6 “Tây” (3 cầu thủ nhập tịch), thử hỏi còn chỗ nào cho cầu thủ nội nữa?
QBV cho cầu thủ ngoại nhập tịch?
Tiêu chí để ban tổ chức chọn đề chọn QBV là dựa trên đóng góp của cầu thủ đó cho ĐTVN, thứ đến mới xét ở cấp CLB. Nhưng trong một năm mà ĐTVN thi đấu không thành công ở cấp khu vực, thì phải dựa trên những đóng góp của họ ở CLB.
Ở cấp CLB, trong hoàn cảnh khan hiếm những nhân vật nổi trội, ban tổ chức đã nới rộng cuộc bình chọn QBV cho những cầu thủ ngoại nhập tịch. So với những đóng góp của Trọng Hoàng, Thành Lương, Quang Hải, Văn Quyết ở CLB, thì Huỳnh Kesley (Sài Gòn FC) và Nguyễn Hoàng Helio (SLNA, B. Bình Dương) nổi trội hơn rất nhiều.
Huỳnh Kesley đã thi đấu chói sáng trong màu áo Sài Gòn FC trong năm 2011. Anh đóng góp 16 bàn góp công lớn đưa đội bóng của bầu Thụy lên chơi V-League năm nay. Qua 12 vòng đấu, chàng rể Việt Nam vẫn đóng vai trò quan trọng trong lối chơi của đội bóng Sài thành và đã có 8 bàn thắng cho đội bóng.
Phong độ ổn định của Kesley là điều mà những cầu thủ nội không có, vì lẽ đó mà cầu thủ nhập tịch này đang có cơ hội rất lớn cho danh hiệu QBV năm nay.
Nguyễn Hoàng Helio đang là thành viên của B.Bình Dương nhưng thành công của anh trong năm 2011 lại trong màu SLNA. Chức vô địch sau 10 năm chờ đợi của đội bóng xứ Nghệ mùa giải trước có công rất lớn của trung vệ nhập tịch người Brazil này.
Nếu một trong hai cầu thủ này đoạt QBV năm nay, thì đây là lần đầu tiên trong lịch sử 16 lần tổ chức, danh hiệu QBV Việt Nam thuộc về một cầu thủ ngoại nhập tịch.
Huỳnh Kesley hay Nguyễn Hoàng Helio, ai cũng đều xứng đáng với danh hiệu đó, nhưng đó là một kết cục buồn cho nền bóng đá nước nhà, khi cả hai không phải do chúng ta đào tạo và cũng chẳng đóng góp gì cho bóng đá Việt.
Danh hiệu cầu thủ ngoại xuất sắc nhất là sự cạnh tranh của Merlo (SHB Đà Nẵng), Philani (B.Bình Dương), Samson (TĐCS.Đồng Tháp, Hà Nội T&T), Evaldo (HAGL), Timothy (HP.HN, CLB Hà Nội), Antonio (Sài Gòn FC). Trong đó, G.Merlo và Samson đang chiếm ưu thế.
Danh sách đề cử Quả bóng vàng năm 2011:
Nguyễn Quang Hải (Navibank Sài Gòn), Nguyễn Trọng Hoàng (SLNA), Phạm Thành Lương (CLB Hà Nội), Nguyễn Minh Phương(Đà Nẵng), Bùi Tấn Trường (Đồng Tháp - Sài Gòn FC), Lê Phước Tứ (Sài Gòn FC), Lê Tấn Tài (Khánh Hòa), Huỳnh Quang Thanh (Bình Dương), Lê Công Vinh (Hà Nội T&T-CLB Hà Nội), Huỳnh Kesley (Sài Gòn FC), Nguyễn Hoàng Helio (SLNA - Bình Dương), Nguyễn Văn Quyết (Hà Nội T&T).
|
Lê Quang