Sỏi tiết niệu là bệnh lý rất phổ biến, nếu để lâu, nhu mô thận sẽ bị giãn mỏng, mất chức năng. |
Trao đổi với Vietnamnet, PGS,TS Đỗ Trường Thành, Trưởng khoa Phẫu thuật tiết niệu cho hay, khi nhu mô thận giãn mỏng quá mức sẽ bị mất chức năng, thậm chí là vỡ, khi đó sẽ phải cắt thận. Không chỉ cắt 1 thận, có những bệnh nhân phải cắt cùng lúc 2 thận, những trường hợp này sẽ phải chạy thận liên tục hàng ngày và chờ ghép thận.
Theo PGS Thành, sỏi tiết niệu là bệnh lý cực kỳ phổ biến, chiếm 45 - 50% các bệnh tiết niệu ở Việt Nam, trong đó nam giới chiếm 60%. Riêng tại BV Việt Đức, mỗi ngày tiếp nhận 25 - 30 bệnh nhân bị sỏi thận.
“Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sỏi thận nhưng nguyên nhân chủ yếu nhất là do thói quen uống ít nước và chịu ảnh hưởng của các vùng địa dư nhiều đá vôi như các tỉnh Phú Thọ, Ninh Bình”, PGS Thành nhấn mạnh.
Trong nhiều năm làm nghề, PGS Thành đã từng phẫu thuật cho nhiều trường hợp bị sỏi thận kích cỡ lớn, tương đương quả cam, quả bưởi, nhưng nhiều năm trở lại đây, số ca bị “sỏi khổng lồ” đã giảm dần.
Đáng lưu ý, dù tỉ lệ người dân mắc sỏi tiết niệu khá lớn nhưng thường hay đi khám ở giai đoạn muộn do nhiều triệu chứng ban đầu bị bỏ qua.
Khi để muộn, sỏi đài bể thận sẽ gây biến chứng như: Nhiễm khuẩn tiết niệu; viêm đài bể thận, viêm thận kẽ, viêm hẹp cổ đài thận; giãn đài bể thận, ứ nước, ứ mủ thận, áp xe thận; viêm quanh thận xơ hoá; cao huyết áp do sỏi san hô thận gây thiếu máu nhu mô thận, teo thận; suy thận do sỏi thận 2 bên gây tắc nghẽn...
Trường hợp sỏi di chuyển xuống niệu quản sẽ gây các cơn đau quặn thận, gây tắc nghẽn dấn đến ứ ước, ứ mủ thận, suy chức năng thận.
Hiện nay, nhiều cơ sở y tế áp dụng điều trị sỏi thận bằng các kỹ thuật can thiệp ít xâm lấn thay thế cho phẫu thuật mở. Trong đó có phương pháp tán sỏi qua da đường hầm nhỏ dưới hướng dẫn siêu âm.
Theo đó, bệnh nhân chỉ cần gây tê tuỷ sống, tỉnh táo hoàn toàn trong suốt quá trình tán sỏi. Với phương pháp này, tỉ lệ làm sạch sỏi có thể lên tới gần 90%, tỉ lệ biến chứng sau mổ thấp.
Để phòng bệnh và theo dõi sau điều trị sỏi thận, người bệnh cần có chế độ ăn uống nhiều nước trên 2 lít/ngày, hạn chế thức ăn nhiều canxi, oxalate như sữa, phomat, chè, hạn chế protit động vật. Với những bệnh nhân đã tán sỏi, sau phẫu thuật cần phải tái khám định kỳ để phát hiện sớm các biến chứng cũng như sỏi tái phát.
Trao đổi với Giadinh.net, PGS.TS Đỗ Gia Tuyển, Trưởng khoa Thận tiết niệu, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, có rất nhiều người khi bị sỏi thận vì những sai lầm trong điều trị đã bị suy thận, thậm chí phải cắt thận. Hay gặp nhất là thói quen sử dụng bừa bãi thuốc dân gian điều trị sỏi thận. Gần như 100% bệnh nhân đang điều trị suy thận tại Khoa Thận tiết niệu khi được hỏi cho biết đã từng tự ý dùng thuốc, hoặc mua thuốc ở các ông lang mà không có xét nghiệm gì cả. Rất nhiều bệnh nhân uống thuốc Nam không rõ nguồn gốc khiến tình trạng suy thận nặng lên rất nhiều và đôi khi suy thận kèm theo suy gan, suy đa tạng…
Thuốc Nam thường giúp cơ thể bài thải cặn sỏi, chứ không làm tan sỏi lớn. Một số bài thuốc tan sỏi thực chất chỉ có tác dụng lợi tiểu và vô hiệu trước khối sỏi lớn. Tuy nhiên, đó chỉ là những bài thuốc dân gian truyền miệng chưa được kiểm nghiệm, chứng nhận. Việc tự sắc thuốc không đúng quy trình, không đúng nhiệt độ, liều lượng và chưa kể có rất nhiều các thuốc thảo dược không rõ nguồn gốc, trong quá trình sao tẩm, cất trữ có nhiều chất bảo quản, khi uống vào thận có thể suy nặng hơn.
“Nếu muốn sử dụng thuốc Nam, cần thiết phải có sự khám xét, tư vấn, chỉ định của bác sĩ chuyên khoa y học cổ truyền. Hiện nay, nhiều thuốc y học cổ truyền cũng có tác dụng trong việc điều trị sỏi. Trước khi dùng người bệnh cần kiểm tra chức năng thận xem cơ địa có phù hợp không vì thuốc đó có thể tốt với người này nhưng lại không tốt với người khác. Dùng thuốc tại các cơ sở y tế, cơ sở thầy thuốc đông y được chứng nhận của cơ quan chức năng, nguồn gốc thuốc rõ ràng”, PGS,TS Đỗ Gia Tuyển khuyến cáo.