Trong những năm gần đây, một số nữ nhà khoa học gốc Việt làm rạng danh đất nước với những công trình nghiên cứu, khám phá ấn tượng. Họ được trao tặng nhiều giải thưởng danh giá và có tên trong danh sách những nhà khoa học có ảnh hưởng lớn nhất thế giới. Dưới đây là 3 nhà khoa học nữ gốc Việt khiến thế giới ngưỡng mộ, thán phục:
GS Lưu Lệ Hằng - nữ nhà khoa học gốc Việt được đặt tên cho tiểu hành tinh
Giáo sư Lưu Lệ Hằng. |
Sinh năm 1963 tại TP HCM, GS Lưu Lệ Hằng (Jane X. Luu) theo gia đình sang Mỹ định cư vào năm 1975. Năm 1984, bà là thủ khoa Cử nhân vật lý tại Đại học Stanford danh tiếng trước khi lấy bằng Thạc sĩ Cao học tại Viện Berkeley thuộc Đại học California. Đến năm 1990, bà nhận bằng Tiến sĩ vật lý thiên thể của Viện Công nghệ Massachussetts (MIT).
Vào năm 1991, GS Lưu Lệ Hằng vinh dự nhận Giải thưởng Annie J. Cannon trong Thiên văn học từ Hội thiên văn học Mỹ. Trong năm 1992, bà nhận bằng tiến sĩ tại Viện Kỹ thuật Massachusetts, nhận học bổng Hubble của Đại học California-Berkeley.
Năm 1992 còn là dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp của GS Lưu Lệ Hằng bởi sau nhiều năm tìm kiếm, bà cùng thầy hướng dẫn David Jewitt khám phá ra vật thể đầu tiên trong vành đài Kuiper. Sau đó, bà tiếp tục cùng thầy hướng dẫn nghiên cứu sâu hơn về vành đai Kuiper. Nhờ vậy, GS Lưu Lệ Hằng, chuyên gia David Jewitt và nhà khoa học Michael E. Brown được trao giải thưởng Kavli năm 2012 của Na Uy trong lĩnh vực thiên văn vật lý. Theo đó, bà trở thành người phụ nữ đầu tiên trên thế giới được trao giải thưởng Kavli - giải thưởng được xem như giải Nobel trong lĩnh vực vật lý thiên văn. Cũng trong 2012, tại Hong Kong, Quỹ Shaw đã xướng danh người đạt giải Shaw Thiên văn học 2012 là GS Lưu Lệ Hằng về những đóng góp của bà trong việc định danh "các vật thể ngoài Hải Vương tinh".
Để ghi nhận và vinh danh công lao của GS Lưu Lệ Hằng trong việc khám phá ra hơn 30 tiểu hành tinh, Hiệp hội thiên văn Mỹ đã đặt tên bà cho tiểu hành tinh 5430 Luu.
Giáo sư gốc Việt Nguyễn Thục Quyên - nhà khoa học lọt top 1% thế giới
Giáo sư Nguyễn Thục Quyên. |
Sinh ở Buôn Ma Thuật (Đắk Lắk) trong một gia đình thượng lưu gồm 5 anh chị em, GS Nguyễn Thục Quyên cùng gia đình sang Mỹ định cư vào tháng 7/1991. Khi mới sang, các anh chị em của bà không biết tiếng Anh và phong tục tập quán Mỹ. Với ý chí vươn lên, bà đã quyết tâm học tiếng Anh thật nhanh bằng cách đăng ký ở 3 trường trung học tại 3 thành phố. Ở xứ sở cờ hoa, tiếng Anh được học miễn phí. Nhờ vậy, trình độ tiếng Anh của bà cải thiện rõ rệt.
Đến tháng 9/1995, với niềm đam mê hóa học, bà Nguyễn Thục Quyên xin chuyển lên Đại học California, Los Angeles và làm thêm trong phòng thí nghiệm với công việc rửa dụng cụ. Sau khi tốt nghiệp Đại học California vào năm 1997, bà nộp đơn học cao học. Một năm sau, bà nhận bằng thạc sĩ ngành Lý - Hóa. Bà quyết định học tiếp lên Tiến sĩ. Trong năm cuối của chương trình học Tiến sĩ, bà trở thành một trong 7 nghiên cứu sinh xuất sắc của Đại học California, Los Angeles được trao học bổng.
Vào tháng 6/2001, bà Nguyễn Thục Quyên nhận bằng Tiến sĩ và chính thức giảng dạy, nghiên cứu tại Đại học California, Santa Barbara (UCSB) từ mùa hè năm 2004. Trong những năm tiếp theo, bà nghiên cứu tính chất điện tử của polyelectrolytes liên hợp, giao diện trong các thiết bị quang điện tử, việc tạo và vận chuyển điện tích trong chất bán dẫn hữu cơ, vật liệu mới cho các ứng dụng pin mặt trời hữu cơ, tự lắp ráp phân tử, xử lý vật liệu, đặc tính kích thước nano của pin mặt trời hữu cơ và vật lý thiết bị.
Về sau, nhóm nghiên cứu của GS Nguyễn Thục Quyên chuyển hướng tập trung vào các công trình nghiên cứu có tính ứng dụng thực tiễn cao, trong đó làm về phân tử hữu cơ mặt trời. Bà cũng nghiên cứu công trình cảm biến sinh học, được ứng dụng để "giao tiếp" giữa các hệ thống điện tử hữu cơ và sinh học nhằm ứng dụng trong y tế.
"Thông qua cảm biến này sẽ giúp phát triển công nghệ có độ nhạy cao, nhanh hơn, rẻ hơn trong việc phòng chống đại dịch, ví dụ như việc xét nghiệm COVID-19 nhanh", GS Nguyễn Thục Quyên chia sẻ.
GS Nguyễn Thục Quyên còn truyền cảm hứng cho nhiều người đam mê nghiên cứu khoa học: “Cái đẹp của nghiên cứu khoa học là được tự do và dũng cảm theo đuổi, mạnh dạn bước vào vùng mới. Hãy cố gắng tiếp cận cái mới, vươn ra ngoài. Nếu ta không gõ vào cánh cửa nào thì không có cánh cửa nào mở ra cả. Không ai ngăn chúng ta ước mơ và vươn tới ước mơ ngoài chính chúng ta”.
Đến tháng 1/2022, GS Nguyễn Thục Quyên có 7 phòng thí nghiệm riêng trị giá khoảng 4 triệu USD cho nhóm nghiên cứu. Bà là một trong số ít nhà khoa học nữ 4 năm liền được vinh danh trong danh sách hơn 4.000 nhà khoa học toàn cầu vào top 1% những nhà khoa học có nhiều trích dẫn nhất thế giới (HCR).
Vào tháng 2/2023, GS Nguyễn Thục Quyên được bầu vào Viện hàn lâm Kỹ thuật quốc gia Mỹ. Bà là một trong 124 thành viên (bao gồm 106 nhà khoa học người Mỹ và 18 nhà khoa học quốc tế) được Viện hàn lâm Kỹ thuật quốc gia Mỹ (NAE) kết nạp lần này. Theo NAE, GS Nguyễn Thục Quyên đã được các viện sĩ đương nhiệm đánh giá cao về vai trò lãnh đạo trong giáo dục kỹ thuật và nỗ lực thúc đẩy sự đa dạng ở lĩnh vực này. Bà cũng có những công trình nghiên cứu đặc biệt về quang điện hữu cơ cho các tòa nhà và nhà kính tiết kiệm năng lượng.
Trong nhiều năm nghiên cứu, GS Nguyễn Thục Quyên vinh dự nhận nhiều giải thưởng danh giá: Giải thưởng Nghiên cứu khoa học Alexander von Humboldt-Foundation của Đức năm 2015; Giải thưởng Nghiên cứu khoa học của Quỹ Khoa học Quốc gia Mỹ 2010, Giải thưởng Nghiên cứu khoa học của Alfred P. Sloan Foundation 2009; Giải thưởng Nghiên cứu khoa học của Camille Dreyfus Foundation 2008; Giải thưởng Nghiên cứu khoa học Harold J. Plous Memorial Award and Lectureship 2007.
Vicky Thảo D. Nguyễn - nhà khoa học gốc Việt nhận giải thưởng Tổng thống Mỹ
GS Vicky Thảo D. Nguyễn. |
Sinh năm 1976 tại Việt Nam, GS Vicky Thảo D. Nguyễn lớn lên trong một gia đình nhà giáo. Bà đến Mỹ định cư năm 1986 và tốt nghiệp cử nhân tại Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT) rồi học cao học và tiến sĩ tại Đại học Stanford. Sau đó, bà có nhiều năm nghiên cứu tại Sandia National Laboratories, miền Bắc California, chuyên ngành cơ khí sinh học.
GS Thảo Nguyễn chuyên nghiên cứu ngành cơ khí sinh học như độ bền và độ dẻo polymer, sự phát triển và hình thành của những tế bào sinh học cũng như tái tạo các mô.
Trước khi về giảng dạy tại Đại học John Hopkins, Gs Vicky Thảo D. Nguyễn từng được mời nghiên cứu tại Viện kỹ thuật cơ khí Max Planck tại Đức. Ngoài nghiên cứu khoa học, bà là tác giả hơn chục bài nghiên cứu trong các tạp chí chuyên ngành và trình bày công trình của mình ở nhiều hội thảo khoa học trên thế giới.
Vào tháng 12/2009, GS Vicky Thảo D. Nguyễn là người Mỹ gốc Việt duy nhất trong danh sách 100 nhà khoa học trẻ vinh dự nhận được giải thưởng tổng thống của Tổng thống Mỹ Barack Obama. Giải thưởng mang tên Giải thưởng tổng thống dành cho nhà khoa học và kỹ sư mới vào nghề (Presidential Early Career Awards for Scientists and Engineers) là danh hiệu do Chính phủ Mỹ trao tặng các nhà khoa học, kỹ sư trẻ trong giai đoạn đầu của sự nghiệp nghiên cứu.
Mời độc giả xem video: Nhà khoa học lý giải nguyên nhân vụ tai nạn ở Hải Dương. Nguồn: THĐT1.