Nếu thực sự được chọn, đây sẽ là bước nhảy vọt của BOE trong ngành công nghiệp, khi họ tham gia vào chuỗi cung ứng yêu cầu cao nhất thế giới. Giới chức Bắc Kinh trong tham vọng thúc đẩy vị thế đất nước ở nhiều lĩnh vực công nghệ, đã rót cho công ty nhiều tỷ USD. Dường như họ sắp nhận được trái ngọt cho nỗ lực đó. Việc BOE tham gia cung ứng màn hình iPhone cũng giúp Apple giảm lệ thuộc vào Samsung. Công ty đang dẫn đầu thị trường tấm nền OLED di động với 90% thị phần. Apple có thể mặc cả được giá mua tốt hơn. BOE hiện đang cung ứng màn hình OLED dẻo cho Huawei. Đặc biệt là mẫu Mate X dùng màn hình gập.
Apple đang xem xét mua màn hình OLED từ hãng Trung Quốc cho iPhone năm sau |
Hai nguồn tin đều cho Nikkei biết Apple đang thử nghiệm ở tỉnh Tứ Xuyên. BOE đang tiến hành xây dựng một nhà máy ở đây, nếu thành công, nó sẽ dùng để cung ứng cho Apple. Năm nay có thể là chưa kịp vi iPhone 2019 sẽ ra mắt ngay tháng Chín tới. Tuy nhiên, ba nguồn tin cho hay Apple xem xét tung ra ba mẫu dùng màn hình OLED cho iPhone vào năm sau, đây có thể là cơ hội cho BOE chen chân.
Hai nguồn tin trong ngành cung ứng nói rằng năm tới có thể lần đầu tiên Apple dùng màn hình BOE chính thức trên iPhone. Tuy nhiên, nếu đạt chứng nhận thì có thể họ sẽ cung cấp màn hình cho mục đích sữa chữa trước. Đây là linh kiện đắt nhất trên một mẫu iPhone. IHS Markit ước tính iPhone X có chi phí sản xuất 370 USD, nhưng riêng tấm nền OLED đã chiếm 110 USD tức hơn 30%. Đến đời iPhone XS Max, con số tăng lên 120 USD.
Nếu chuyển sang dùng BOE thay vì Samsung như hiện tại, Apple có thể giảm được 20% chi phí này. Cũng đã có tin đồn Apple ngừng phát triển cấu hình vật liệu độc quyền, chuyển qua xài bộ cấu hình của Samsung trên S10, Note 10 nhằm giảm chi phí. Trong bối cảnh tốn nhiều tiền đầu tư nhà máy sản xuất, các hãng Đài Loan và Nhật Bản đã ngừng đầu tư mở rộng, còn LG Display không có tài chính dồi dào như Samsung - thậm chí đã bị BOE vượt mặt - Apple có rất ít lựa chọn. Nhiều người cũng tin điều này sẽ trở thành sự thật vào năm sau.
Apple đang tìm cách giảm chi phí sản xuất màn hình OLED |
BOE là hãng công nghệ có trụ sở Bắc Kinh, từng là một đơn vị cung cấp thiết bị quân sự và quốc phòng. Thành lập năm 1993 nhưng ban đầu họ không kinh doanh màn hình ngay. Sau thời gian đầu khó khăn cạnh tranh với Đài Loan, Hàn Quốc, công ty nhận được vốn đầu tư chính phủ và nhanh chóng mở rộng sản xuất. Từ một công ty ít được biết đến, họ dần trở thành một cái tên quen thuộc trong 10 năm trở lại đây.
Năm 2018, BOE trở thành công ty màn hình đầu tiên vận hành dây chuyền tấm nền LCD Gen 10.5. Cùng năm đó, họ trở thành hãng màn hình LCD lớn nhất thế giới. BOE nhanh chóng giành được hợp đồng màn hình MacBook, iPad năm 2017, laptop của Dell và HP. Họ cũng là nguồn cung ứng cho nhiều hãng TV lớn như Samsung, LG, Hisense, Xiaomi và Sony.