Xã hội càng phát triển thì đời sống chúng ta càng được cải thiện. Thế nhưng kéo theo đó là rất nhiều căn bệnh nguy hiểm xuất hiện và ung thư phổi là một trong số đó. Theo thống kê, tại Việt Nam thì ung thư phổi đứng hàng đầu trong 10 loại ung thư thường gặp trên cả hai giới.
Dù nguy hiểm là thế nhưng hầu hết bệnh nhân ung thư phổi đều chỉ được phát hiện khi đã ở giai đoạn cuối, khi khối u đã di căn trong người. Đa phần là bởi các dấu hiệu ban đầu đều rất giống bệnh vặt, đặc biệt là cảm lạnh. Chính vì vậy một khi cảm thấy sức khỏe đang bất thường như 6 dấu hiệu sau, hãy đến bệnh viện khám sớm kẻo gặp nguy:
Thở dốc hay khó thở vốn chỉ là biểu hiện bình thường mỗi khi vận động quá sức. Tuy nhiên nếu bạn cảm thấy mình đang dần khó thở, kể cả khi làm những việc nhỏ nhất như leo cầu thang hay đi bộ nhẹ… thì hãy đến gặp bác sĩ ngay. Đây là triệu chứng điển hình của ung thư phổi do có khối u cản trở việc hô hấp của cơ thể.
Cảm thấy khó thở hay thở dốc kể cả khi làm việc nhẹ thường là dấu hiệu ban đầu của khối u ung thư phổi.
Theo Hiệp hội Ung thư Mỹ, triệu chứng khó thở này còn thường xảy ra khi thời tiết trở nên lạnh hơn. Nếu thực sự là cảm vặt thì nó sẽ biến mất sau vài ngày, còn không thì bạn cần phải lưu tâm hơn kẻo ung thư phổi trở nặng.
Đây là dấu hiệu sớm của ung thư phổi nhưng nhiều người lại hay nhầm lẫn với bệnh cảm vặt thông thường. Hiệp hội Phổi Mỹ (ALA) cho biết, nếu bạn ho liên tục vài ngày thì về mặt y học, đây chỉ là một cơn ho mãn tính . Còn ngược lại, khi triệu chứng ho kéo dài liên tục 2 – 3 tuần trở lên dù không mắc bệnh liên quan đến virus, hãy cảnh giác trước căn bệnh ung thư phổi.
Theo các chuyên gia lý giải, ung thư phổi gây ho mãn tính là do khối u ác tính chèn vào phế quản. Lúc này, các đường dẫn khí chính đi đến phổi sẽ kích hoạt các thụ thể ho và gây ho. Bất kể khối u to hay nhỏ cỡ nào thì chỉ cần nó xuất hiện, bạn đã bị ho dai dẳng mà không thể lý giải được nguyên nhân.
Đi kèm với triệu chứng đau họng, bệnh nhân ung thư phổi cũng hay ra đờm hoặc ho có đờm. Nếu bệnh trở nặng thì có người còn khạc ra đờm chứa máu, khàn tiếng và mất giọng. Triệu chứng này nặng hơn về đêm, tái phát nhiều lần vì các thuốc chữa cảm cúm và ho thông thường chỉ làm giảm triệu chứng tạm thời.
Ho ra máu luôn là tín hiệu báo động sức khỏe đang "khốn đốn" lắm rồi, chưa kể là ung thư phổi.
Có đờm khi cảm cúm là chuyện bình thường, nhưng khi đờm ra nhiều hơn và có lẫn máu thì đó không còn đơn giản nữa. Dù đây là dấu hiệu khá dễ thấy nhưng nhiều người vẫn nghĩ chỉ bị trầy xước cổ họng, dẫn đến việc phát hiện bệnh muộn và khó qua khỏi.
Khi thấy đau họng quá lâu mà chẳng thấy biến chuyển gì, mặc cho bạn có uống thuốc điều trị thế nào đi nữa, thì rất có khả năng bản thân đang mắc phải ung thư phổi. Cổ họng bạn sẽ luôn trong tình trạng khàn đặc và đau rát, nuốt thứ gì cũng đau và gây cản trở sinh hoạt.
Ngoài việc gây đau họng, ung thư phổi còn làm bạn gặp phải một số dấu hiệu như:
- Cảm giác như có khối u ở họng.
- Ho ra máu, khó thở.
- Hơi thở hôi dù đã đánh răng sạch sẽ.
- Khàn giọng đến mất tiếng khi nói nhiều một chút.
Mỗi khi cảm lạnh, bạn sẽ cảm thấy chán ăn và đau họng nên việc tụt vài ký cũng là chuyện thường. Nhưng thực tế, đây cũng là dấu hiệu phổ biến của hầu hết người mắc ung thư, điển hình là ung thư dạ dày hoặc ung thư phổi. Ở giai đoạn ban đầu, bệnh sẽ có những biểu hiện lâm sàng như sau:
- Chán ăn bất kể thức ăn có ngon thế nào, đặc biệt là "sợ" luôn những món chiên rán.
- Cơ thể thiếu máu, sắc mặt xanh xao.
- Nhanh no dù chỉ mới ăn một chút.
- Cơ thể không thể hấp thu được thực phẩm, luôn đầy bụng khó tiêu.
Một trong những dấu hiệu điển hình khác của ung thư phổi là việc luôn thấy đau tức ngực. Bất kể làm việc gì thì bạn cũng thấy cơn đau luôn xuất hiện, đặc biệt là khi hoạt động mạnh hoặc cười nói. Vào lúc trời trở lạnh, bạn còn đau tới mức không ngủ được hoặc thở dốc.
Sống ở những thành phố, đô thị nhiều bụi bặm thì nguy cơ mắc ung thư phổi của chúng ta sẽ gia tăng. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể ngừa được bệnh nếu tuân thủ đúng một số quy tắc sau:
- Không hút thuốc, bất kể chủ động hay thụ động.
- Ăn uống lành mạnh, duy trì lối sống và sinh hoạt khoa học.
- Thường xuyên đi khám sức khỏe định kỳ để phát hiện những bất thường trong cơ thể.
- Tập thể dục đều đặn.
- Tránh các loại khí độc và mang khẩu trang khi ra đường.