Chiều 7/1, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế (Ban Chỉ đạo) họp báo định kỳ về tình hình dịch.
Đến 18h ngày 6/1, TP.HCM có 507.083 ca mắc Covid-19. Hiện, TP.HCM đang điều trị 5.061 bệnh nhân, trong đó, 89 trẻ em dưới 16 tuổi, 319 bệnh nhân nặng đang thở máy, 18 bệnh nhân được can thiệp ECMO.
Đáng chú ý, số ca tử vong liên tục giảm mạnh những ngày qua, chỉ còn 20 trường hợp ngày 6/1. Ông Phạm Đức Hải, người phát ngôn của Ban Chỉ đạo, cho biết số ca tử vong ngày 6/1 thấp nhất trong 175 ngày qua (từ 16/7/2021 đến 6/1/2022). Đến nay, TP.HCM đã ghi nhận 20.070 ca tử vong do Covid-19.
Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM, cho biết cơ quan này đã phối hợp với các sở, ngành để đề xuất hỗ trợ cán bộ, nhân viên y tế 1,5 triệu đồng/người dịp Tết Nhâm Dần 2022. UBND TP.HCM và các sở, ngành có liên quan đang họp để quyết.
Số tử vong do Covid-19 ngày 6/1 ở TP.HCM thấp nhất trong 175 ngày qua, còn 20 ca.
Ông Phạm Đức Hải
Ngoài ra, Sở Y tế TP.HCM đang kiểm tra, giám sát mức chi hỗ trợ phòng, chống dịch, phụ cấp cho nhân viên y tế. Các nơi chậm chi trả sẽ được kiểm tra để giải quyết ráo riết cho cán bộ, nhân viên y tế.
Về sức khỏe của 11 ca mắc Omicron tại TP.HCM, bà Mai cho biết đến hôm nay đã có 6 ca xuất viện; 5 ca nhiễm mới đang được điều trị tại Bệnh viện dã chiến số 12. Diễn biến bệnh của các F0 này rất nhẹ, không có triệu chứng.
Zing đặt câu hỏi về việc trong kịch bản của TP.HCM, nếu có ca nhiễm Omicron ở cộng đồng thì học sinh có phải ngừng tới trường?
Bà Mai cho biết hiện nay, TP.HCM cố gắng kiểm soát và kiểm soát tốt ca nhiễm Omicron, chưa phát hiện ca trong cộng đồng. Các đối tượng đi kèm với ca mắc Omicron đã được truy vết và xét nghiệm, qua nhiều ngày chưa phát hiện F1 dương tính.
"Phụ huynh có thể yên tâm là trẻ em phải an toàn mới đến trường và ở trường thì phải an toàn”, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM, nói. Ảnh: Duy Hiệu. |
Để đối phó với Omicron thì ngoài văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế, Sở Y tế có hướng dẫn chuyên môn về ứng phó với chủng mới Omicron cho các Ban Chỉ đạo liên ngành về việc từ khi phát hiện đến khi cách ly, truy vết và phòng ngừa có ca trong trường học.
“Trường học đã có bộ tiêu chí an toàn và được áp dụng nghiêm ngặt để học sinh đi học an toàn. Quy trình xử lý F0 cũng đang được áp dụng rất tốt trong trường học, đúng quy định và không có sự lây nhiễm trong cộng đồng. Phụ huynh có thể yên tâm là trẻ em phải an toàn mới đến trường và ở trường thì phải an toàn”, bà Mai thông tin.
Về tình hình tiêm vaccine, đến 6/1, TP.HCM đã tiêm 369.110 mũi bổ sung và 2.012.171 mũi nhắc lại. Như vậy, tổng cộng hơn 2,3 triệu liều vaccine Covid-19 mũi 3 đã được tiêm.
Trả lời Zing về tiến độ tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung và tiêm nhắc) của thành phố, ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó giám đốc điều hành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), cho biết đến hết tháng 1/2022, thành phố còn 4 triệu mũi cần tiêm. Hiện, trung bình mỗi ngày TP.HCM tiêm gần 300.000 liều vaccine.
Với tiến độ này, ông Tâm nhận định chắc chắn TP.HCM sẽ tiêm xong mũi nhắc cho người trên 18 tuổi trước Tết Nhâm Dần 2022.
Về 25.000 người thuộc nhóm nguy cơ, hiện TP.HCM mới tiêm được hơn một nửa trong số này, ông Tâm cho biết nhóm này đa số là trường hợp lớn tuổi, có bệnh nền, không đi lại được và phải tiêm tại nhà. Trong giai đoạn khá dài ban đầu, ngành y tế phải điều tra, lập danh sách khá tốn thời gian. Theo đó, ông Tâm cho hay sau khi danh sách hoàn thiện thì mới tập trung tiêm, sắp tới, tiến độ sẽ khả quan.
UBND TP.HCM chỉ đạo tiêm nhanh tại nhà cho người thuộc nhóm nguy cơ.
Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai
Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết thêm hiện ngành y tế đã tiêm được 13.874/25.333 liều cho nhóm này, đạt tỷ lệ 54,8%. Bên cạnh đó, trong 2 đợt rà soát, thành phố có trên 5.000 F0, những người này chưa thể tiêm ngay mà phải chờ xuất viện, một số người không đồng ý tiêm vaccine.
Để giải quyết bài toán này, bà Mai cho biết UBND TP.HCM có chỉ đạo các đơn vị rà soát người nào đủ điều kiện trong nhóm nguy cơ có thể tiêm thì tổ chức tiêm nhanh tại nhà.
“Với vai trò xung kích, hội nhà thuốc trẻ thành phố đã thành lập nhóm đến các quận, huyện có số lượng bà con chưa tiêm vaccine để vận động. Ngày đầu, lực lượng đã tiêm được 400 mũi cho bà con tại nhà”, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai thông tin.
Nói thêm về vấn đề trên, ông Hải cho biết nếu so sánh với số liệu của ngày 6/1 với 3 tuần trước đó, tỷ lệ tiêm cho nhóm nguy cơ đã tăng từ 20% lên 54,8%.
Ông Hải nói 4 lý do người thuộc nhóm này chưa tiêm vaccine: Người không muốn tiêm; trường hợp vì sức khỏe, đang điều trị nên bác sĩ không cho phép tiêm; người có bệnh nền và F0.
"TP.HCM đã thấy và chỉ đạo các địa phương tăng tốc, vận động nhằm tăng việc tiêm vaccine cho nhóm này", ông Hải nói.
Tại buổi họp báo, Zing đặt câu hỏi TP.HCM có bắn pháo hoa và tổ chức các hoạt động dịp Tết Nhâm Dần 2022 như mọi năm. Ông Hải cho biết đến nay, TP.HCM đang theo dõi tình hình dịch bệnh để quyết định có bắn pháo hoa hay không.
“Các hoạt động khác như đường hoa, đường đèn, hội hoa xuân, triển lãm thì tới họp báo ngày 13/1, Ban Chỉ đạo cho biết sẽ thông tin đầy đủ kế hoạch tổ chức các hoạt động”, người phát ngôn của Ban Chỉ đạo cho hay.
Ông Lê Duy Tân, Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), cho biết tín hiệu vui là nhờ sự phối hợp của các cấp, ngành, địa phương, tình hình học sinh đến trường trở lại đạt kết quả tốt.
Cụ thể, tỷ lệ học sinh đến trường của các khối lớp như sau: Lớp 7 - 92,4%; lớp 8 - 95,48%; lớp 10 - 95,85%; lớp 11 - 93,56%.
Ông Lê Duy Tân, Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) TP.HCM. Ảnh: Thu Hằng. |
Riêng với quận 4 và huyện Củ Chi, việc phối hợp với phụ huynh đã hoàn tất và ngành giáo dục nhận được hơn 90% sự đồng thuận của cha mẹ để học sinh khối 7 đến 12 trở lại trường học trực tiếp.
Về tình hình đến trường của lớp 6, mầm non, tiểu học, ngành giáo dục đang phối hợp với các cấp, ngành để tham mưu cho UBND TP.HCM. Khi học sinh đi học lại, ngành giáo dục sẽ có kế hoạch đi học trực tiếp cho nhóm này.
Nói về trường hợp cơ sở giáo dục ở quận Tân Phú yêu cầu xét nghiệm nCoV đối với học sinh trước khi vào trường, ông Tân cho biết trong cuộc họp giao ban sáng nay, Sở GDĐT khẳng định theo hướng dẫn của UBND TP.HCM, không có quy định xét nghiệm học sinh trước khi vào trường.
“Việc làm nào chưa đúng quy định, Sở GDĐT yêu cầu nhắc nhở, chấn chỉnh lại cho đúng”, ông Tân nói.