Cơn "bóng đè" thường kéo dài trong khoảng 10 đến 30 giây và xuất hiện ở mọi độ tuổi, nhưng chiếm đa số là lứa tuổi từ dậy thì đến trưởng thành.
Theo các khảo sát của ngành Tâm thần học, 40% dân số thế giới ít nhất một lần đã từng bị "bóng đè". Nhiều người tin rằng "bóng đè" là do "người ở dưới" lên, "người cõi trên" xuống hoặc "yếu bóng vía". Từ đó dẫn đến tình trạng dán bùa đeo ngải, uống nước thải tàn nhang để "trục" bóng ra…
Cảm giác rõ rệt mình đang bị đè
1. Chiều hôm ấy, lúc đang trò chuyện với Thạc sĩ, bác sĩ Đào Trần Thái, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Tâm thần, Đại học Y dược TP HCM tại phòng khám tư của ông để lấy tư liệu cho bài báo nói về hiện tượng ngất xỉu tập thể trong giới học sinh thì một bà mẹ cùng cô con gái khoảng 17 tuổi bước vào.
Hầu hết những người bị "bóng đè" đều cảm nhận là có ai đó đang "đè" mình. |
Sau khi trả lời những câu hỏi của BS Thái về tiền sử bệnh tật, chế độ học hành, ăn uống, nghỉ ngơi giải trí, cô gái kể: "Bữa đó con đang ngủ thì thấy có người ngồi trên mình con. Con thấy rõ ràng chứ hổng phải tưởng tượng. Một lát, con thở hết nổi, muốn kêu mà chẳng kêu được, muốn giơ tay đẩy họ ra mà giơ cũng không được. Tới hồi họ "đi" rồi thì con mới tỉnh nhưng rất mệt. Từ trước tới nay con bị như vậy lần đầu…".
Theo BS Thái, tất cả những hiện tượng mà cô gái trẻ vừa nêu là chuyện rất bình thường, không phải bệnh lý và cũng chẳng do tà ma ngạ quỷ. Ngành Tâm thần học gọi đó là "sleep paralysis" còn dân gian thì kêu là "bóng đè".
BS Thái nói: "Bóng đè thường xảy ra vào giai đoạn cuối của giấc ngủ, lúc sắp sửa thức. Khi ấy, một phần não bộ đã bắt đầu "tỉnh" nhưng chỉ "tỉnh" về mặt nhận thức còn phần vận động thì vẫn "mê". Điều đó lý giải tại sao người bị "bóng đè" có cảm giác rất rõ rệt là mình đang bị "đè" nhưng lại không vùng vẫy được".
Để giúp tôi có thể hiểu rõ hơn về chuyện "bóng đè", BS Thái lấy cho tôi xem một tập hồ sơ của những người mà ông đã từng điều trị: "Lê Thị Hải, 27 tuổi, buôn bán, tiền sử bệnh lý không có gì bất thường. Đêm ngủ thấy có người đi lại xung quanh phòng. Mặc dù rất sợ nhưng không kêu la, không cử động được… Trần Thành Phi, 40 tuổi, nhân viên văn phòng, tiền sử bệnh lý viêm xoang. Đêm ngủ thấy mình trôi nổi trên cao rồi rơi xuống một cái hố sâu không đáy. Muốn gọi người cứu nhưng không mở miệng nổi… Lý Thị Muối, 21 tuổi, làm bánh, tiền sử bệnh lý sỏi túi mật. Đêm ngủ bị "ma" đè lên ngực, tức thở, tỉnh dậy mồ hôi vã ra như tắm…".
BS Thái nói: "Tất cả những người ấy đều có một điểm chung là họ cảm nhận rất rõ ràng lúc họ bị bóng đè. Thậm chí họ mô tả sự tức ngực, ngạt thở giống y hệt như những triệu chứng lâm sàng của một cơn ngừng tim, suy hô hấp nhưng không ai vùng vẫy hay kêu là gì được. Đến lúc tỉnh, phần lớn đều ngồi dậy, bật đèn sáng, nhìn khắp bốn chung quanh xem những chuyện mình vừa trải qua có thật hay không. Nhiều người tỉnh rồi mà vẫn còn sợ, không dám ngủ tiếp nữa".
3 dạng 'bóng đè'
Theo BS Thái, ngành Tâm thần học chia "bóng đè" thành ba nhóm: Một là "ảo giác đột nhập". Người bị "bóng đè" dạng này thường thấy có người lạ vào phòng mình, đi lại xung quanh hoặc ngồi ngay lên giường ngủ. Cảm giác sợ hãi khiến cơ thể họ tê cứng, khó thở, lúc tỉnh dậy mình mẩy mỏi nhừ - là hậu quả của những cơn co cơ .
Anh Tốt, một thợ sơn ôtô, nhà ở đường 42, phường 10 quận 6 (TP.HCM) kể: "Vài lần khi ngủ, tôi thấy có người đứng ngay đầu giường tôi nhưng chưa bao giờ tôi nhìn được mặt họ. Những lúc ấy, người tôi như đông thành đá và mặc dù vợ tôi nằm ngay bên cạnh mà tôi vẫn không sao kêu bả được. Chẳng biết đó có phải là do tác dụng phụ của loại "xăng thơm" tôi thường dùng để pha sơn không vì nếu bữa nào sơn liên tiếp trong 3, 4 ngày thì tôi lại bị…".
Dạng "bóng đè" thứ hai, theo BS Thái là "ảo giác thăng bằng", có liên quan đến chứng rối loạn tiền đình. Người bị "bóng đè" dạng này thường thấy mình bị rơi xuống vực sâu, hoặc ngã từ trên những tòa nhà cao tầng xuống đất.
BS Thái nói: "Điều rất đặc biệt là khi rơi, khi ngã, họ không bao giờ thấy mình chạm đáy mà chỉ rơi lưng chừng là họ đã tỉnh giấc vì sợ! Lúc đó, người họ vã mồ hôi, tim đập nhanh, hồi hộp, chân tay co quắp, phải mất vài ba phút họ mới trấn tĩnh lại được".
Một người quen tôi là ông Quang, nhà ở đường Tên Lửa quận Bình Tân (TP.HCM), kể lại chuyện "ngã xuống vực sâu" với những cảm giác y như thật, chẳng khác gì đi máy bay trong những hôm thời tiết xấu, máy bay lọt vào một ổ trống không khí, ruột gan như muốn trào ra ngoài. Một cảm giác "thật" xuất hiện trong một thực tế "ảo".
Dạng "bóng đè" thứ ba và cũng là dạng phổ biến nhất, ngành Tâm thần học gọi là "ảo giác thực thể", phần lớn xuất hiện vào khoảng gần cuối giấc ngủ. Những người này bị "bóng đè" ở vùng ngực, bụng khiến họ như tê dại, không thở được. BS Thái nói: "Chỉ đến khi xuất hiện tình trạng thiếu oxy lên não thì họ mới tỉnh. Lúc ấy, họ thở hổn hển, ra nhiều mồ hôi. Có người do suy nhược thần kinh, một đêm bị "đè" 2, 3 lần khiến họ "sợ" ngủ. Lâu dài dẫn đến suy nhược cơ thể".
Giải mã
2. "Bóng đè" đã xuất hiện cách đây từ vài nghìn năm trước. Trong truyện Tam Quốc, có đoạn mô tả Tào Tháo bị "bóng đè" vì giết quá nhiều người. Một bức tranh của họa sĩ người Ý là Carousili vẽ từ cuối thế kỷ 14 cũng đã phác họa chi tiết cơ thể của một người bị "bóng đè" trong tư thế ưỡn cong người lên như muốn đẩy lùi một nhân vật vô hình nào đó. Thời đó, người ta tin rằng "bóng đè" là hiện tượng siêu nhiên, huyền bí, do thần thánh hoặc ma quỷ gây ra.
Theo thời gian, Y học phát triển và hiện tượng "bóng đè" lần lượt được các nhà Tâm thần học giải mã. Các khảo sát về hoạt động của hệ thần kinh đã đi đến kết luận rằng "bóng đè" là hệ quả của sự rối loạn gấc ngủ mà nguyên nhân là khả năng điều tiết vòng tuần hoàn "thức - ngủ" của não bộ bị đứt quãng.
BS Thái nói: "Hiểu một cách đơn giản là ở một người bình thường, giấc ngủ diễn ra theo từng chu kỳ - mỗi chu kỳ kéo dài từ 90 đến 110 phút, được chia thành hai giai đoạn là giai đoạn đầu và giai đoạn sau của giấc ngủ".
Giai đoạn đầu của giấc ngủ được não bộ chia thành 4 trạng thái.
Ở trạng thái 1, người ta thường chỉ lơ mơ và rất dễ tỉnh giấc - đôi khi do một tiếng động nhỏ. Nó kéo dài từ 5 đến 10 phút. Đến trạng thái 2 - gọi là "ngủ nhẹ", mắt ngưng chuyển động, tần số hô hấp và nhịp tim bắt đầu chậm lại, kéo dài khoảng 10 phút.
Ở trạng thái 3, gọi là "tiền ngủ sâu", nhịp thở và nhịp tim xuống đến mức thấp nhất rồi rất nhanh chóng, người ta rơi vào trạng thái 4, gọi là ngủ sâu, thở đều, tư thế nằm hầu như không thay đổi. Lúc này, nếu bị đánh thức đột ngột, người ta không điều chỉnh được cơ thể ngay lập tức mà thường cảm thấy mất thăng bằng, mất phương hướng trong vài chục giây. Những hiện tượng như mộng du, đái dầm xảy ra ở trạng thái này bởi lẽ khi ngủ say, não bộ sẽ để các cơ bắp thả lỏng, gần như tê liệt.
Chính điều đó đã giúp người ta được an toàn, tay chân không cử động, múa may lung tung gây tổn thương. Tuy nhiên, nếu người đó mắc phải chứng rối loạn hành vi thì não bộ không điều khiển được các cơ thả lỏng, dẫn đến việc họ đi lại nhiều nơi - kể cả những nơi nguy hiểm như trên mái nhà, trên lan can của những tầng lầu cao nhưng khi tỉnh giấc, họ lại không biết, không nhớ gì hết!
Sau khi đi vào "giai đoạn đầu" của giấc ngủ chừng 70 đến 90 phút, con người rơi vào "giai đoạn sau" của giấc ngủ, kéo dài từ 20 đến 40 phút rồi họ tỉnh nhưng vẫn ở trong trạng thái lơ mơ. Liền ngay sau đó, chu kỳ giấc ngủ lại được lặp lại.
BS Thái nói: "Tùy theo độ tuổi và thể lực, mỗi người có thể có từ 3 đến 5 "giai đoạn sau" của giấc ngủ mỗi đêm. Đây chính là lúc xảy ra hiện tượng "bóng đè" hoặc ác mộng".
Nói chung, hầu hết tâm lý của những người bị "bóng đè" đều giống như "vừa sống lại sau khi bị chết". Chị Phượng, một trong những người đến phòng khám của BS Thái để xin tư vấn và điều trị đã kể: "Lúc ấy, tuy thần trí tôi vô cùng tỉnh táo nhưng cơ thể thì không còn là của tôi nữa - giống như tôi đang bị mắc kẹt trong chính con người mình"; còn ông Quang thì cho rằng: "Nó rất đáng sợ. Tôi thấy tôi rơi tự do, không biết lúc nào mới chạm đáy. Nó ám ảnh tôi suốt cả tuần lễ liền đến mức tôi phải gặp một ông… thầy bói, hỏi xem đó có phải là "điềm xấu" hay không". Riêng cô thiếu nữ 17 tuổi thì cứ năn nỉ xin BS Thái thuốc an thần hoặc những loại thuốc nào đó để "đêm ngủ khỏi bị nó "đè" nữa!".
Rối loạn giấc ngủ hay chấn thương tâm lý
3. Cho đến nay, Y học chưa hề ghi nhận có ai chết vì "bóng đè", nhưng tất cả những người đã từng bị "bóng đè" đều cảm thấy rùng mình sợ hãi mỗi khi nhớ lại những cảm giác mà mình đã trải qua. Bên cạnh nguyên nhân rối loạn vòng tuần hoàn "ngủ - thức", "bóng đè" còn là triệu chứng chung của một số bệnh tâm thần, đặc biệt là những trường hợp tâm thần sau chấn thương tâm lý hoặc người mắc chứng tâm thần hoảng loạn, hoặc trầm cảm, lo âu, căng thẳng, bế tắc trong cuộc sống. Ngay cả chất lượng giấc ngủ cũng có tác động không nhỏ đến hiện tượng "bóng đè".
BS Thái nói: "Các nghiên cứu trên những người có giấc ngủ không ổn định, thường hay bị ngắt quãng đã cho thấy họ bị "bóng đè" cao hơn những người khác. Một khảo sát gần đây nhất cũng cho thấy những người nghiện ma túy - nhất là ma túy "đá" có tỉ lệ bị "bóng đè" cao nhất mỗi khi họ đói thuốc".
Và thật không may là đến nay, Y học vẫn chưa phát minh ra bất cứ một loại thuốc nào chữa "bóng đè" ngoại trừ trường hợp người bị "bóng đè" có những bệnh lý về tâm thần. BS Thái nói: "Trong dân gian, người ta thường để một con dao hoặc các tranh, tượng tôn giáo bên cạnh người hay bị "bóng đè" lúc đi ngủ nhằm trấn áp "ma quỷ". Nó có thể mang lại cảm giác yên ổn về mặt tâm lý nên có áp dụng cũng chẳng hại gì, miễn con dao ấy là con dao cùn, nhỏ, khó có khả năng gây sát thương. Khi người bị "bóng đè đã ngủ say, nên mang con dao ấy cất đi chỗ khác".
Để không xảy ra hiện tượng "bóng đè", theo BS Thái thì việc đầu tiên là cần ngủ cho đủ giấc, phòng ngủ thoáng, không khí lưu thông tốt, tư thế nằm thoải mái, quần áo ngủ đủ rộng để máu lưu thông điều hòa, tránh tình trạng "ngày ngủ, đêm thức".
Hạn chế uống trà pha đậm, cà phê từ 3 đến 5 tiếng đồng hồ trước khi ngủ vì chất cafein sẽ kích thích não bộ, ngăn chặn cơn buồn ngủ. Khi hàm lượng cafein giảm đi, người ta mới ngủ nhưng ngủ không sâu, nhất là ở "giai đoạn sau" của giấc ngủ.
Không nên ăn quá no hoặc uống quá nhiều rượu, bia trước khi ngủ vì giấc ngủ trong trường hợp này thường bị não bộ bỏ qua giai đoạn "ngủ nhẹ" và "tiền ngủ sâu" nên dễ bị "bóng đè". BS Thái nói: "Quan trọng nhất, bóng đè không phải do ma quỷ hay vong hồn gây ra. Mọi bùa ngải, cúng bái đều chỉ là vô ích…".
Mời quý độc giả xem video 7 thực phẩm càng ăn nhiều càng tốt (nguồn Youtube):