Mới đây, chuyên gia tâm lý Trần Chí Hằng, người Trung Quốc, chia sẻ về việc sử dụng bạo lực, hình phạt trong chuyện nuôi dạy con cái.
Theo chuyên gia Trần, đa số người lớn vẫn dựa vào các loại hình phạt như một phương tiện để nuôi dạy hoặc quản lý con cái của mình. Nhưng dù là hình thức trừng phạt nào thì tác dụng làm thay đổi hành vi của nó cũng hạn chế, thậm chí có thể gây hại nhiều lợi ít.
1. Trừng phạt phi thân thể có được không?
Trừng phạt thân thể là một hình thức trừng phạt thông qua việc gây đau đớn về thể chất cho trẻ em. Vì vậy, đừng đánh con, chỉ cần mắng nó, như vậy có được không? Tất nhiên là không, nỗi đau tinh thần sẽ gây hại nhiều hơn cho đứa trẻ. Tất nhiên, bắt con cái phải viết và sao chép lỗi lầm là hình thức trừng phạt thể chất trá hình, không phù hợp.
Ảnh minh họa. |
2. Bản chất của trừng phạt thân thể là bạo lực, điều không được phép xảy ra ngay từ đầu
Điều không nên làm với người lớn thì càng không nên làm với trẻ em. Bạo lực là một biện pháp giáo dục rất phản khoa học. Trong một xã hội thượng tôn pháp luật, bạo lực với người khác là vi phạm pháp luật, với con cái cũng thế.
3. "Bố/mẹ chỉ đánh con nhẹ, không sao đâu"
Không thể dung thứ cho người bạo hành, bạo hành xong lại nói: "Bố mẹ chỉ đánh nhẹ thôi mà, có sao đâu". Bất kể bạo lực bằng lời nói hay thể xác, bạo lực là bạo lực, dù nhẹ hay nặng đến đâu, tất cả đều là bạo lực, không có cái gọi là "bạo lực thích hợp".
4. Không phạt về thể chất trẻ thì còn phạt gì nữa?
Không chỉ nên ngừng việc trừng phạt về thể chất, bố mẹ phải hiểu rằng bất kỳ hình phạt nào cũng có tác dụng hạn chế. Trừng phạt sẽ khiến trẻ phục tùng trong thời gian ngắn và không dám mắc lỗi, nhưng đó là do sợ hãi. Vậy đến khi trẻ không còn sợ hãi thì sao? Ngoài ra, hình phạt sẽ khiến người lớn quên đi việc nhìn nhận hành vi sai trái có nguyên nhân, trẻ có thể gặp khó khăn, không biết thay đổi và cần có sự trợ giúp của người lớn.
5. Trẻ mắc lỗi cần được giúp đỡ, hỗ trợ hơn là trừng phạt
Khi trẻ mắc lỗi, đừng lúc nào cũng nghĩ "phạt thế nào" để trẻ không tái phạm mà hãy nghĩ "làm thế nào để hỗ trợ", làm thế nào để đứa trẻ thay đổi tích cực. Đôi khi, những gì trẻ cần là những chiến lược cụ thể và khả thi hơn, hành vi có vấn đề của trẻ phản ánh ý thức thấp về giá trị và sự thiếu gắn bó của chúng, cần được nhìn nhận và hỗ trợ.
Bố mẹ hãy tập trung vào sự tích cực, khi trẻ không mắc lỗi, làm tốt và tiến bộ, khẳng định với trẻ, đồng thời khuyến khích, khen ngợi trẻ thể hiện nhiều hành vi tốt hơn.
Ảnh minh họa. |
6. Không phạt không có nghĩa là đồng lõa, trẻ vẫn phải chịu trách nhiệm về lỗi lầm của mình
Trẻ mắc lỗi chẳng lẽ không cần phải trả giá sao? Không! Không trừng phạt không có nghĩa là trẻ không cần chịu trách nhiệm về lỗi lầm của mình, mà cần phải gánh chịu hậu quả tự nhiên của việc mắc lỗi. Ví dụ như trêu chọc bạn cùng lớp sẽ khiến bạn cùng lớp ghét bỏ, muốn không bị ghét thì phải xin lỗi để bù đắp, đây là hậu quả tất nhiên của hành vi sai trái, trẻ vẫn có thể học hỏi và phản xạ thông qua các hệ quả tự nhiên.
Hệ quả tự nhiên tốt cần bao gồm các yếu tố sau: Phù hợp, đồng ý, tôn trọng và hợp lý.
7. Đồng tình với bạo lực, có thể bạn cũng là nạn nhân của bạo lực
Có người nói: "Trước đây tôi lớn lên trong đòn roi, bây giờ tôi không được dùng bạo lực sao?". Chỉ vì bạn cho rằng mình bình thường không có nghĩa là những người khác không sao, nhiều người đang lớn lên với những vết sẹo cả về thể chất lẫn tinh thần, đây là kiểu suy nghĩ "thiên vị người sống sót" phổ biến.
Nếu bạn nghĩ như vậy, trước hết, bạn có thực sự chắc chắn rằng mình ổn không? Tiếp theo, nếu bạn có thể được đối xử tử tế khi còn nhỏ, liệu bạn có sẵn sàng với những trừng phạt về thể xác không? Nhiều người không muốn phạt con nhưng khi bực mình, họ vẫn sử dụng các hình phạt, bởi vì, khi cảm thấy bất lực, các kiểu bạo lực mà bạn đã học được từ những người lớn tuổi khi còn nhỏ sẽ tự động được sao chép sang con cái của bạn.
Rồi bạn sẽ tự nhủ: "Ừ, trẻ con mà, phải bị đánh mới ngoan!". Nhớ rằng, những người lớn nóng nảy đã từng là những đứa trẻ bị tổn thương, bạn có thể chọn việc không lặp lại hành vi gây hại với con trẻ. Đầu tiên, hãy thừa nhận rằng bạn có vấn đề, sau đó sửa chữa bản thân. Điều đó không hề dễ dàng chút nào nhưng đó là điều khiến cha mẹ trở nên tuyệt vời hơn. Nuôi con thực ra là một con đường tu tập, trong quá trình đó, chúng ta lại trưởng thành!
>>> Mời quý độc giả xem thêm video: Cách nhà Obama dạy con
Nguồn: ABCNews/Zing