Bài viết là quan điểm của cây viết Dave Smith, đăng tải trên Business Insider.
Đầu tuần này, Apple đã công bố iPod Touch mới, nhưng thật khó để gọi nó là một thiết bị “mới”. Chiếc iPod Touch chỉ thay đổi rất ít so với phiên bản trước ra mắt năm 2015, vốn cũng không khác nhiều iPod Touch ra đời năm 2013.
Apple vẫn còn giữ dòng sản phẩm iPod nhưng gần như không còn bỏ chút công sức vào. Chiếc iPod Touch 2019, thiết bị mới nhất của Apple sử dụng con chip mà hãng ra mắt năm 2016.
Vì sao Apple cần phải “nhàm chán”
Chiếc iPod Touch ra đời cho thấy rõ mối quan tâm của Apple vào lúc này: lợi nhuận là trên hết.
Apple là một trong những công ty lớn nhất, kiếm lợi nhuận tốt nhất trên thế giới. Để đạt được thành công như vậy, họ đã rất cố gắng để tạo ra những sản phẩm chất lượng tốt nhưng chi phí phải hợp lý để có thể bán cho người dùng. Họ phải tìm ra sự cân bằng giữa chất lượng và lợi nhuận.
Thiết kế của iPod Touch mới gần như không khác biệt phiên bản trước, ra đời năm 2015. Ảnh: Apple. |
Apple thậm chí chấp nhận sửa bàn phím cho người dùng tới 4 năm. Chi phí sửa chữa không nhỏ, nhưng chắc chắn vẫn thấp hơn chi phí thiết kế bàn phím mới và thay đổi khung máy.
Nói cách khác, Apple phải tận dụng tối đa mọi sản phẩm hãng tạo ra. Đó là lý do iPhone thường sử dụng một thiết kế ít nhất 2 năm trước khi Apple nghĩ ra thứ gì mới. Thiết kế và sản xuất một thiết bị mới mỗi năm là quá tốn kém.
iPad, Mac, MacBook và gần như mọi sản phẩm khác của Apple cũng vậy. Thiết kế, sản xuất phần cứng rất tốn kém, nên Apple cần phải tận dụng tối đa từng thiết kế họ có.
Apple chấp nhận sửa bàn phím cho người dùng tới 4 năm thay vì thiết kế lại bàn phím tệ hại trên MacBook. Ảnh: iFixit. |
Đây là thiết bị mang tính biểu tượng của Apple. Không chỉ là máy nghe nhạc, nó còn thể hiện triết lý độc đáo cả về công nghệ và nghệ thuật của Apple. iPod và iTunes là bệ phóng giúp cho Apple tiến vào văn hóa đại chúng, tạo ra nền tảng cho iPhone.
Việc đưa những chiếc máy nghe nhạc, với tai nghe trắng đặc trưng, vào túi người dùng là cách mà Apple chuẩn bị cho thời đại smartphone. Do vậy, họ sẽ gặp nhiều phản ứng tiêu cực nếu quyết định dừng sản xuất hoàn toàn iPod, một trong những thiết bị được yêu thích nhất, với lý do doanh số kém.
Đó là lý do Apple giới thiệu iPod Touch “mới mà không mới” trong tuần này.
iPod đã là quá khứ
Trước khi iPhone ra đời, iPod mới là thiết bị kiếm nhiều tiền nhất cho Apple. Năm 2001, iPod ra đời. Từ năm 2001-2007, Apple ra thiết kế mới đều đặn cho sản phẩm này. Với iPod (sau đổi tên thành iPod Classic), 6 thế hệ đầu tiên đều có khác biệt về thiết kế.
Cũng trong khoảng thời gian này, Apple giới thiệu 2 thiết kế iPod Mini, 4 thế hệ iPod Shuffle và 7 thế hệ iPod Nano. iPod Touch cũng ra đời năm 2007, cùng năm với iPhone đầu tiên.
iPod từng là thiết bị biểu tượng, đem lại lợi nhuận lớn cho Apple. Ảnh: Newsweek. |
Thật đáng buồn là gần 20 năm kể từ khi ra đời, Apple coi iPod như một sản phẩm cũ kỹ và không đáng đầu tư để khiến người dùng hứng thú.
Đáng tiếc là Apple còn chẳng nghĩ tới một thiết kế mới cho thiết bị này. Giờ đây có hàng tá thiết bị cá nhân từ những hãng khác thú vị hơn iPod.
Nếu như không thể tìm ra thứ gì mới, Apple ít nhất cũng có thể mang thiết kế không viền của iPhone X áp dụng cho iPod Touch. Tuy nhiên họ không muốn làm vậy, bởi như thế cũng là khoản đầu tư quá lớn so với doanh thu từ thiết bị này.
iPod mới đã cho thấy tư duy hiện tại của Apple: có đổi mới, nhưng chỉ khi có lợi nhuận.