Từ xưa đến nay, giới khoa học dã có nhiều cuộc tranh cãi xung quanh chứng sợ nhện. Liệu đây là thứ bản năng đã có sẵn từ khi con người sinh ra, hay chúng ta học nó từ môi trường xung quanh? Để tìm câu trả lời, các nhà khoa học đã tiến hành thí nghiệm đối với một nhóm đối tượng trung lập và ngây thơ nhất: trẻ sơ sinh.
Nghiên cứu được tiến hành bởi các nhà khoa học tại Viện Max Planck về Khoa học não bộ và Nhận thức con người ở Đức. Những đứa trẻ 6 tháng tuổi được bế trên tay và được cho xem hình ảnh của những con nhện. Sau đó, các nhà nghiên cứu đo những phản ứng bẩm sinh, chưa được đào tạo của trẻ đối với các con nhện.
Ngoài hình ảnh của nhện, những đứa trẻ ngồi yên trong lòng bố mẹ cũng được cho xem những bức tranh của hoa. Trong một thí nghiệm khác, những em bé nhìn vào một loạt hình ảnh của rắn hoặc cá.
Trong suốt quá trình thử nghiệm, sự dãn nở đồng tử của trẻ sơ sinh được đo bằng máy theo dõi mắt hồng ngoại. Phép đo thể hiện được mức độ của phản ứng stress cấp tính (còn được gọi là noradrenaline) ở trẻ, từ đó giúp các nhà khoa học đánh giá các phản hồi căng thẳng.
Tại sao con người sợ nhện? (Ảnh: Sergey Nemirovsky) |
Ông Stefanie Hoehl - nhà khoa học thần kinh của Viện Max Planck và Trường Đại học Vienna, cho biết: "Những bức hình trẻ sơ sinh được xem có cùng kích thước và màu sắc. Nhưng khi nhìn thấy hình rắn hay nhện – thay vì hình hoa và cá, đồng tử của những đứa trẻ có sự phản ứng đáng kể”.
"Trong điều kiện ánh sáng liên tục, sự thay đổi kích thước của đồng tử là một tín hiệu quan trọng cho thấy sự kích hoạt của hệ thống noradrenergic trong não – đây là nguyên nhân gây ra các phản ứng căng thẳng. Kết quả thí nghiệm chứng tỏ, ngay cả những đứa trẻ nhỏ nhất dường như cũng bị nhóm động vật này làm cho khiếp sợ”, ông cho biết thêm.
Khi nhìn thấy hình ảnh nhện, đồng tử của trẻ dãn nở trung bình 0,14mm; với hình hoa thì chỉ có 0,03 mm. Không có sự khác biệt lớn khi trẻ sơ sinh nhìn hình rắn và cá – các nhà khoa học cho rằng có lẽ cả hai hình ảnh đều mô tả động vật sống, nên gây ra nhiều phản ứng tương tự hơn.
Nhưng trong cả hai trường hợp, hình ảnh của rắn và nhện đều khiến đồng tử của trẻ sơ sinh dãn rộng. Tại sao trẻ em lại sợ chúng như người lớn, mặc dù trẻ không hề biết rằng rắn và nhện có thể gây nguy hiểm?
Nhà nghiên cứu Hoehl giải thích: "Chúng tôi kết luận rằng nỗi sợ hãi đối với rắn và nhện có nguồn gốc từ quá trình tiến hoá. Tương tự như loài linh trưởng, cơ chế trong bộ não giúp chúng ta xác định các vật thể nguy hiểm như “nhện” hay “rắn” và phản ứng với chúng ngay lập tức”.
Cơ chế này ở đâu ra thì các nhà nghiên cứu vẫn chưa rõ. Họ suy đoán rằng bằng cách nào đó, vô số thế hệ tổ tiên của chúng ta trong thời cổ đại đã phát triển một đặc điểm nhằm: "đảm bảo sự chú ý đặc biệt và học cách sợ hãi đối với những mối đe dọa tiềm tàng. Gốc tích đó vẫn còn lưu giữ trong con người hiện nay", nhóm nghiên cứu cho biết.
Mặc dù cuộc sống hiện đại khiến chúng ta hầu như không có cơ hội tiếp xúc trực tiếp với rắn và nhện, nhưng nỗi sợ hãi này vẫn còn dai dẳng. Nếu bạn cảm thấy rùng mình khi vô tình thấy một con nhện chạy qua thì cũng không cần phải quá lo lắng, bởi đây có thể là bản năng mà tổ tiên từ thời cổ đại đã truyền lại cho chúng ta.