Về Hải Phòng thưởng thức món ăn hương vị béo bùi hấp dẫn

Bánh bèo Hải Phòng khiến du khách khó quên từ nước chấm được pha chế hương vị mặn ngọt, hoà quyện với lớp bánh béo ngậy.

Nhắc đến bản đồ ẩm thực Hải Phòng, chắc hẳn bánh mì que hay chè dừa dầm, bánh đa cua là các món ăn nổi tiếng hơn cả. Tuy nhiên, bên cạnh đó, bánh bèo Hải Phòng cũng là lựa chọn của đông đảo thực khách khi có dịp đến vùng đất hoa phượng đỏ.

Khác với bánh bèo Nghệ An và bánh bèo Huế, bánh bèo Hải Phòng lại mang sức hút riêng đến từ lớp bánh dẻo dai, phần nhân đẫm thịt cùng bát nước chấm làm từ nước xương ninh nhừ. Dưới đây là gợi ý các quán ăn ngon cho du khách du lịch ở Hải Phòng, món bánh bèo nổi tiếng mà du khách nên ghé qua.

Quán ăn ngon cho khách du lịch ở Hải Phòng: Bánh bèo hấp dẫn thực khách bởi vị mềm dẻo ăn cùng với bát nước chấm đậm đà, lạ miệng
Ve Hai Phong thuong thuc mon an huong vi beo bui hap dan
Bánh bèo Hải Phòng với phần nhân bánh đầy đặn. (Ảnh: vinpearl.com)

Giữa phố phường Hải Phòng, muốn ăn cái gì ấm ấm, nhẹ nhàng để dành bụng ăn bữa cơm tối với người thân, món bánh bèo Hải Phòng đã trở thành lựa chọn của nhiều thực khách.

Trái ngược với bánh bèo Huế, bánh bèo Hải Phòng có phần khác biệt. Thay vì đổ trong chén nhỏ thì được đổ trong lá chuối, sau đó mang đi hấp trong xửng.

Ve Hai Phong thuong thuc mon an huong vi beo bui hap dan-Hinh-2
Món bánh bèo Hải Phòng được chế biến bằng cách đổ vào lá chuối rồi mang đi hấp trong xửng. (Ảnh: MiA)

Khi mang ra phục vụ thực khách, bánh bèo sẽ được cắt thành từng miếng vừa ăn, rắc thêm hành phi để dậy mùi thơm. Đặc biệt, với bánh bèo Hải Phòng, thì phần nhân bánh sẽ bao gồm thịt băm, mộc nhĩ xào thơm, thay vì ăn cùng sốt tôm thịt như những địa phương khác.

Trên bàn của thực khách có thêm ớt xắt lát, rau mùi, quất. Thường là bát nước chấm sẽ có vị đặm nhẹ, ngọt thanh, ai thích ăn có vị chua dịu thì vắt thêm quất. Thực khách cho vào bát rau mùi trước, rồi mới thả ớt lên để miếng ớt nổi lên trên nền xanh, trông rất đẹp mắt, hấp dẫn. Một chén nước chấm ngon sẽ giúp phần bánh bèo thêm đậm vị, không nhanh ngán. Thực khách nào thích còn có thể húp chén nước chấm cho ấm bụng như món canh trong mâm cơm nhà.

Ve Hai Phong thuong thuc mon an huong vi beo bui hap dan-Hinh-3
Suất bánh bèo chất lượng, giá cả phải chăng tại quán trên đường Chu Văn An. (Ảnh: MiA)
Quán ăn ngon cho khách du lịch ở Hải Phòng: Ngồi ăn bánh bèo, "ngắm nhìn" nhịp sống hối hả buổi chiều muộn và lắng nghe những câu chuyện bình dị của người dân đất Cảng

Giống như nhiều món ăn vỉa hè khác, người nấu ngồi một góc, thực khách ngồi ăn ngay cạnh đó. Trong lúc chờ đồ ăn lên, thực khách có thể ngắm nghía nhịp sống phố phường Hải Phòng buổi xế chiều, hoặc ngắm người bán hàng tất bật chuẩn bị phần ăn của mình.

Bánh bèo Hải Phòng ăn bằng dĩa, đó là loại dĩa nhỏ hay có trên bàn nhậu. Khẽ khàng xiên một miếng bánh, chấm ngập vào chén nước chấm rồi ăn. Vỏ bánh có ba phần đanh, bảy phần mềm, thơm mùi bột gạo. Phần nhân thơm phức mùi thịt, có chút ngậy, béo nhẹ của thịt mỡ, cái giòn sần sật của mộc nhĩ.

Ve Hai Phong thuong thuc mon an huong vi beo bui hap dan-Hinh-4
Quán bánh bèo Hải Phòng đường Trần Nguyên Hãn nổi tiếng với việc chỉ bán trong vòng 2 tiếng trong một ngày. (Ảnh: MiA)

Để ra được những chiếc bánh thơm nịnh mũi, người thợ làm bánh phải xay bột, làm nhân bánh, phi hành, xếp lá vào khuôn. Vỏ bánh được làm bằng gạo tẻ. Sau khi ngâm nước khoảng 6 tiếng, gạo được đem xay nhuyễn thành bột rồi đem nấu chín, quấy đều tay đến khi sánh mịn.

Nhân bánh gồm thịt lợn (thường là phần nạc vai), hành phi, mộc nhĩ xay nhỏ. Phần nhân vừa làm nhân bánh bèo, vừa làm viên chả thịt ăn kèm trong nước chấm. Khác với bánh tẻ, bánh giò, người thợ làm bánh sẽ trộn đều nhân rồi cho vào khuôn cùng vỏ bánh đã hấp trước, hấp cách thủy khoảng một tiếng.

Bánh bèo đưa đến cho thực khách, phần nhân nổi lên khỏi vỏ bánh, lấp ló nhân thịt, mộc nhĩ xay nhỏ, thơm nhẹ mùi lá chuối tươi. Với giá khoảng 30.000 đồng/phần đầy đủ, bánh bèo đã trở thành món quà chiều phổ biến.

Ve Hai Phong thuong thuc mon an huong vi beo bui hap dan-Hinh-5
Một bàn bánh bèo đầy ú ụ tại quán bánh trên đường Lê Đại Hành. (Ảnh: MiA)
Ve Hai Phong thuong thuc mon an huong vi beo bui hap dan-Hinh-6
Phần bánh bèo với phần nhân gồm thịt, mộc nhĩ vừa vị ăn kèm với nước mắm đặc trưng là điểm nhấn nổi bật tại đây. (Ảnh: MiA)

Nếu có rủ ai đi ăn bánh bèo, thực khách nên nói rõ là đi ăn bánh bèo Hải Phòng. Vì cũng cùng cái tên này, ở Huế, Quảng Nam, Sài Gòn cũng có món bánh bèo nhưng cách ăn, hương vị hoàn toàn khác.

Người Hải Phòng chuộng ăn bánh bèo vào buổi chiều, du khách đến du lịch nơi đây phần nhiều cũng vậy. Trên những chiếc bàn nhỏ dưới góc phố, trong khu chợ nhỏ, thưởng thức đĩa bánh bèo béo ngậy, đậm đà, thực khách không chỉ thấy nhịp sống hối hả buổi chiều muộn mà còn được nghe nhiều câu chuyện bình dị của người dân Đất Cảng.

Tìm hiểu tác dụng của 3 vị thuốc tên có chữ 'mèo'

Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Tấn Vũ, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, táo mèo, nấm mèo, cây râu mèo là những vị thuốc hay và phổ biến trong dân gian.

Táo mèo

Ở Việt Nam, táo mèo mọc hoang và được trồng nhiều ở Lai Châu, Yên Bái, Sơn La, Lào Cai với độ cao trên 1.000m.

Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Tấn Vũ, Trưởng đơn vị điều trị ban ngày, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cơ sở 3, thành phần táo mèo chứa 2,76% tanin; 2,7% các axit hữu cơ và 16,4% đường.

Theo y học hiện đại, sau khi uống táo mèo, lượng enzym trong bao tử tăng, giúp cho việc tiêu hóa tốt hơn, lượng axit béo tăng giúp tiêu hóa chất mỡ tốt hơn.

Táo mèo giúp làm hạ huyết áp, tăng lưu lượng máu động mạch vành, giãn mạch và chống loạn nhịp tim. Bên cạnh đó, táo mèo có tác dụng hạ lipid máu rõ rệt, làm giảm xơ vữa động mạch với cơ chế chủ yếu do vị thuốc tăng tác dụng bài tiết cholesterol. Táo mèo còn giúp an thần, làm tăng tính thẩm thấu mao mạch và làm co tử cung.

Theo Đông y, táo mèo là vị thuốc chủ yếu tác dụng lên bộ máy tiêu hóa.

Tim hieu tac dung cua 3 vi thuoc ten co chu 'meo'
Táo mèo là vị thuốc hay, người dân thường dùng để ngâm rượu. Ảnh minh họa: SS

Táo mèo được người dân vùng Tây Bắc dùng ngâm thành một loại rượu có màu nâu, vị ngọt thơm đặc trưng. Khi sử dụng với liều lượng hợp lý, rượu táo mèo giúp trị bệnh viêm khớp, cao huyết áp, kích thích tiêu hóa, giúp tóc bóng mượt. Lưu ý, không nên sử dụng rượu táo mèo khi đang đói.

Bác sĩ Vũ cho hay, do táo mèo có tác dụng giảm lipid trong máu nên không hoàn toàn tốt với nam giới.

“Lipid đóng vai trò quan trọng khi tổng hợp các chất cần cho tinh hoàn sản xuất ra tinh dịch. Uống táo mèo thường xuyên có thể làm giảm sản xuất tinh trùng, giảm ham muốn của nam giới. Vì vậy, nam giới không nên dùng rượu táo mèo liên tục mà nên dùng cách ngày, hạn chế dùng nhiều một lúc”, bác sĩ Vũ lý giải.

Râu mèo

Cây râu mèo có nhiều thành phần hóa học như: orthosiphonin, một ít tinh dầu, một ít chất béo, tanin (5-6%), đường, saponin tritecpenic và một tỷ lệ khá cao muối vô cơ (chủ yếu là muối kali). Bác sĩ Vũ cho hay chỉ dùng lá hoặc cành của cây râu mèo làm thuốc.

Theo y học hiện đại, cây râu mèo có tác dụng lợi tiểu, tăng cường bài tiết nước tiểu, hỗ trợ điều trị sỏi thận, bệnh gout; giúp hạ đường huyết, chống oxy hóa, giảm đau, kháng khuẩn, chống viêm, hạ sốt, bảo vệ gan, giảm mỡ máu và chốn béo phì.

Trong y học cổ truyền, cây râu mèo có vị ngọt, hơi đắng và tính mát, tác dụng thanh nhiệt, tiêu viêm, trừ thấp, lợi tiểu. Cây râu mèo thường dùng để điều trị các chứng bệnh về tiêu hóa, tiểu tiện không thông, phù thũng, sỏi thận, đau nhức xương khớp...

Nấm mèo (mộc nhĩ)

Theo y học hiện đại, mộc nhĩ có một số tác dụng như chống oxy hóa, nâng cao sức đề kháng, tăng cường khả năng giải độc phóng xạ và ức chế sự phát triển của tế bào ung thư; tác dụng chống viêm; hỗ trợ chống đông máu, cải thiện thành mạch, giảm mỡ máu, ngăn chặn hình thành mảng xơ vữa và quá trình ngưng kết tiểu cầu trong các bệnh tim mạch; hỗ trợ điều trị, ngăn ngừa sỏi thận, sỏi mật, sỏi bàng quang

Đối với y học cổ truyền, mộc nhĩ có vị ngọt, tính bình, có tác dụng bổ khí huyết, thông mạch, cầm máu, thanh nhiệt, giải độc tiêu viêm, nhuận táo, lợi trường vị,…

Mộc nhĩ trị các bệnh như lở, bền cơ, trường phong hạ huyết, tiểu ra máu, băng huyết; chữa xuất huyết, chảy máu cam, táo bón, suy nhược toàn thân, góp phần điều trị lỵ do nhiệt, đau răng, bệnh trĩ ra máu.

Bác sĩ Vũ lưu ý không dùng kết hợp mộc nhĩ với củ cải trắng, ốc bươu hay sử dụng sau khi ngâm nước quá lâu, có thể gây ngộ độc. Người viêm dạ dày mạn tính, viêm đại tràng hoặc đại tiện phân lỏng không nên sử dụng mộc nhĩ. Ngoài ra, không nên ăn quá nhiều mộc nhĩ vì có thể gây khó tiêu. 

Tác dụng của mộc nhĩ và ai không nên ăn

Mộc nhĩ là loại nấm tự nhiên mọc ở các thân gỗ. Mộc nhĩ còn có rất nhiều tác dụng cho sức khỏe, được sử dụng làm thuốc.

Mộc nhĩ hay còn được gọi là nấm mèo, nấm tai mèo (mộc: gỗ, nhĩ: tai). Đối với người dân Việt Nam, mộc nhĩ không còn quá xa lạ, nó như một thực phẩm được sử dụng rộng rãi để chế biến các món ăn hấp dẫn và giàu dinh dưỡng. Ngoài ra, trong Đông y, mộc nhĩ còn được dùng làm thuốc giải độc, chữa lỵ, táo bón và rong huyết.

Dù mộc nhĩ đã được sử dụng rất phổ biến và từ rất lâu (hơn 1000 năm trước tại Trung Quốc), nó vẫn đang thu hút nhiều sự quan tâm của các nhà khoa học nghiên cứu.

Tac dung cua moc nhi va ai khong nen an

Mộc nhĩ có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe.

Mộc nhĩ chứa hàm lượng lớn các polysaccharid với các hoạt tính sinh học đa dạng đã được báo cáo như chống oxy hóa, chống khối u, chống đông máu, điều hòa hệ miễn dịch và hoạt tính bảo vệ gan. Không những thế, mộc nhĩ còn chứa các khoáng chất (canxi) và nhiều loại vitamin (vitamin B1, vitamin B2, vitamin PP).

Tuy vậy, mộc nhĩ cần được chế biến và xử lý đúng cách trước khi sử dụng để cho hiệu quả như mong muốn và tránh các độc tính mà nó có thể gây ra. Sau khi thu hái về, mộc nhĩ tươi chưa dùng được ngay, cần phơi hoặc sấy khô. Mộc nhĩ tươi có chứa porphyrin nhạy cảm với ánh sáng, ăn phải có thể khiến bị viêm da, ngứa da, phù thũng, phù nề thanh quản, gây đau nhức.

Vì vậy, chỉ nên dùng dạng mộc nhĩ khô (ngâm bằng nước lạnh, để ráo trước khi chế biến các món ăn). Khi ăn mộc nhĩ đúng cách, những hoạt chất trong thực phẩm này sẽ giúp làm giảm giảm cholesterol trong máu, giảm cân hiệu quả. Bên cạnh đó, mộc nhĩ rất giàu protein và vitamin E và các chất chống oxy hóa giúp cho làn da luôn tươi sáng, mịn màng và khỏe đẹp từ sâu bên trong.

Về phía y học cổ truyền, mộc nhĩ có mặt trong nhiều bài thuốc khi được phối hợp với các dược liệu khác cho nhiều hiệu quả điều trị. Mộc nhĩ sao cháy và tán thành bột được dùng làm thuốc.

Lưu ý, phụ nữ mang thai (kể cả có ý định mang thai) và cho con bú cần thận trọng và không nên sử dụng mộc nhĩ. Nếu bạn muốn dùng hãy tham khảo trước ý kiến của bác sĩ.

Những người đang có vấn đề về tiêu hóa như đầy bụng, tiêu chảy… cũng không nên ăn mộc nhĩ vì loại thực phẩm này tính hàn có thể khiến cho tình trạng bệnh càng nghiêm trọng hơn.

Với những công dụng được kể trên, có thể thấy mộc nhĩ không những là nguyên liệu dùng để chế biến nhiều món ăn bổ dưỡng mà nó còn là vị thuốc giúp điều trị bệnh hiệu quả khi được sử dụng đúng cách.

Đọc nhiều nhất

Tin mới

Lợi ích sức khoẻ tuyệt vời từ quả sung

Lợi ích sức khoẻ tuyệt vời từ quả sung

Trong Đông y, quả sung có tính bình, vị ngọt giúp kiện tỳ thanh tràng (kích thích tiêu hóa, làm sạch ruột), giải độc, tiêu thũng, thường được dùng để chữa các bệnh về tiêu hóa, kiết lỵ, viêm ruột, táo bón, trĩ.