Vật thể đó là Atlas, một ngôi sao chổi đang lao nhanh từ không gian xa xôi về hướng chúng ta. Nhưng hãy yên tâm rằng nó sẽ không va chạm với trái đất mà chỉ tỏa sáng trên bầu trời một thời gian ngắn rồi tiếp tục hành trình đi đến mặt trời.
Theo nhà vật lý thiên văn – tiến sĩ Karl Battams từ Phòng Thí nghiệm Nghiên cứu Hải quân ở Washington DC (Mỹ), ngôi sao chổi này đến nay có thể nhìn thấy bằng ống nhòm và nó ngày một phát sáng nhanh hơn, nhiều hơn dự kiến.
Một hình ảnh quý giá về Atlas - ảnh: Efrain Morales
Khi được quan sát lần đầu vào ngày 28-12-2019, ở phía chòm sao Đại Hùng, nó mờ hơn tới 398.000 lần so với các ngôi sao có thể nhìn thấy từ trái đất. Nó sáng lên với tốc độ chưa từng thấy ở vật thể không gian nào trước đây, vì 3 nguyên nhân: nó đang giải phóng lượng rất lớn khí đông lạnh; cự ly ngày càng gần; được mặt trời khuếch đại ánh sáng.
Khi đến đủ gần trái đất và đạt độ sáng cực đại, nó sẽ trông như một mặt trăng thứ 2 trên bầu trời, với độ sáng tương đương! Theo các nhà thiên văn, để có thể tạo nên điều kỳ diệu đó, sao chổi này phải có một hạt nhân lớn và một kho khí đông lạnh. Tuy nhiên với khoảng cách hiện tại, họ vẫn chưa thể xác nhận.
Vì vậy, sự xuất hiện một "mặt trăng sao chổi" trên bầu trời tháng 5 không chỉ được công chúng trông đợi, mà các nhà thiên văn cũng rất mong một cơ hội "vàng" để nghiên cứu vật thể lạ lùng này, nhất là xem nó có đuôi dài hay không.
Tuy nhiên, theo tiến sĩ Karl Battams, có một xác suất xui xẻo là sao chổi này… hết gas giữa đường, vỡ vụn và mờ dần khi tiến gần về phía trái đất và mặt trời, khiến chúng ta không kịp chiêm ngưỡng "mặt trăng thứ 2".