Thực phẩm như cá, thịt, tôm, cua, mực... đều có những mùi cơ thể của riêng mình. Chúng là nguyên nhân khiến trình trạng ôxy hóa diễn ra nhanh hơn, tạo mùi hôi khó ngửi cho món ăn của chúng ta. Nhưng may thay, từ bao đời nay các thế hệ đi trước đã biết vận dụng các sản vật tự nhiên để khắc phục tình trạng đó, giúp món ăn luôn thơm ngon hơn bất chấp mùi khó chịu của thực phẩm. Nhờ đó, chuyện bếp núc thú vị hơn.
Thịt vịt
Cũng là gia cầm nhưng mùi của thịt vịt luôn nặng hơn gà vì tuyến dầu của chúng phát triển mạnh mẽ hơn. Ngoài ra, do đặc tính bơi lội dưới nước nên thịt vịt đôi khi có những mùi hương vô cùng “nồng nặc”. Thịt vịt nếu không sơ chế đúng cách sẽ khiến cả mâm thức ăn bốc mùi rất nặng và mất đi vị ngon miệng vốn có. Để rửa thịt vịt được sạch, đánh bay mùi hôi đậm đặc chỉ còn cách dùng rượu trắng “tắm” cho chúng trước khi chế biến. Hoặc bạn cũng có thể giã một củ gừng tươi cùng với một ít giấm nuôi để rửa thịt vị nhằm át đi mùi hôi khó chịu của chúng. Với mẹo đơn giản này, bạn sẽ có ngay nồi bún măng vịt chua ngọt đúng điệu rồi.
Hỗn hợp rượu và củ gừng sẽ giúp đánh bay mùi hôi của vịt. |
Cá
Khỏi phải nói cũng biết độ tanh của cá kinh khủng như thế nào rồi bạn nhỉ. Cá tanh một phần là do đặc tính loài, phần khác là do cách chế biến sai lầm của các chị em. Để hạn chế mùi tanh của cá bốc lên bạn nên làm sạch và lấy hết nội tạng bên trong, bao gồm cả mang. Và nên lấy hết những sợi gân máu màu đen vì đó mới chính là “cội nguồn” của mùi tanh hôi. Sau khi sơ chế cá sạch, bạn dùng muối hột đã rang sơ và chà khắp bụng cá. Nếu cẩn thận hơn, bạn có thể dùng nước vo gạo hoặc nước chè xanh rửa lại cá một lượt nữa và chà thật mạnh vào bụng cá để khi chế biến chúng không thể bốc mùi nhé!
Nội tạng heo
Ngoài thịt thì nội tạng của heo như bao tử, cật, gan… cũng được dùng để chế biến thành những món ăn vô cùng hấp dẫn. Nhưng khổ nỗi, nội tạng của heo khá nặng mùi vì chúng luôn ẩn chứa nhiều vi khuẩn gây nên các phản ứng ôxy hóa. Để nội tạng không còn mùi bạn nên bóp chúng bằng muối hột, sau đó ngâm vào hỗn hợp giấm và nước củ hành xay cùng với một ít đá viên. Cách này giúp át đi mùi hôi đặc trưng của nội tạng, giúp màu sắc của chúng tươi hơn và vị cùng giòn ngon hơn hẳn.
Dê
Cà ri dê là món ăn khoái khẩu của rất nhiều người nhưng lại khó chế biến vô cùng. Cũng giống như vịt, thịt dê khá nặng mùi và có vị nồng đặc trưng. Thịt dê hôi nhưng vẫn có cách khắc phục chúng nếu như bạn biết rõ nguyên tắc này. Trước khi chế biến, bạn có thể dùng hỗn hợp nước cốt chanh trộn với dầu ô liu sau đó ủ mát thịt dê trong tủ lạnh khoảng hai tiếng. Cách này giúp thịt dê bớt đi mùi hôi khó chịu mà còn giòn dai khá tự nhiên. Hoặc bạn cũng có thể dùng bia ngâm và rửa thịt dê trước khi chế biến. Men bia sẽ giúp tiêu diệt các hạt lưu hương có trên thịt dê. Cách này còn biến thịt dê thêm nồng nàn và khá lạ vị khi chế biến.
Dê có nặng mùi cách mấy cũng chịu bó tay trước bạn thôi. |
Mực
Trong các loại hải sản mực được cho là tanh và dễ ôi nhất. Điều đó có thể bắt nguồn từ việc khi bạn sơ chế chúng vô tình đã làm vỡ túi mực khiến các phân tử nặng mùi bám vào thịt của mực. Nếu chẳng may vô tình rơi vào trường hợp đó bạn có thể chữa cháy bằng cách ngâm mực trong một chậu đá lạnh rồi rửa lại bằng rượu trắng tinh khiết. Để khử mùi tanh của mực, bạn có thể ướp chúng với vài giọt dầu mè. Dầu mè khá thơm, có công dụng át đi mùi ôi của mực và biến chúng thêm dậy mùi khi chế biến. Đặc biệt, để mực thơm ngon khi chế biến bạn hãy cho thêm vài giọt rượu trắng rồi tắt bếp. Phương pháp này là bí kíp gia truyền của ẩm thực Trung Hoa. Họ cho rằng, cách này sẽ làm dậy mùi thơm tự nhiên của mực, hạn chế mùi tanh và giúp món mực giòn ngọt hơn.
Chỉ bằng những nguồn nguyên liệu sẵn có, rẻ tiền là bạn đã có ngay những công thức tẩy rửa mùi hôi của thực phẩm. Chắc chắn với những mẹo vặt nội trợ này, tay nghề nấu ăn của bạn sẽ lên “level” liên tục và biến thành một nàng dâu đảm, vợ hiền trong mắt gia đình nhà chồng lúc nào không hay mất.