Tiến sĩ Trần Lư - Nhà khoa bảng được tôn làm ông tổ nghề sơn

Nếu như Tiến sĩ Lê Công Hành được dân gian tôn là ông tổ nghề thêu, thì trước đó, thời Lê sơ có Tiến sĩ Trần Lư được tôn làm ông tổ nghề sơn.

Tien si Tran Lu - Nha khoa bang duoc ton lam ong to nghe son

Đền Hà Vĩ - thờ Trần Lư là ông tổ nghề sơn

Thế đất linh, sinh nhân kiệt

Tiến sĩ Trần Lư sinh năm 1470, người làng Bình Vọng thuộc tổng Hà Hồi, huyện Thượng Phúc, phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông - nay thuộc xã Văn Bình (Thường Tín, Hà Nội). Là một nhà khoa bảng, không liên quan gì đến nghề làm sơn – vậy tại sao ông lại được tôn vinh là ông tổ của nghề này? Sự thật và giai thoại ra sao?

Thôn Bình Vọng là vùng quê cổ kính có từ thời nhà Lý, có tên Nôm là làng Bằng, nằm ở phía Bắc thị trấn Thường Tín, cách sông Hồng và sông Nhuệ khoảng 4 cây số đường chim bay. Trước tháng 8/1945 vốn là xã Bình Vọng, thuộc tổng Hà Hồi, huyện Thượng Phúc, phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông; nhưng sau nhiều lần tách nhập thì trở thành một thôn của xã Văn Bình cùng với hai thôn khác là Văn Giáp và Văn Hội.

Kể về ngôi làng cổ này thì có nhiều giai thoại. Rằng, Bình Vọng nằm trên thế đất "quần sơn la bái". Một lần cụ Tả Ao, người nổi tiếng về phong thủy đi qua làng đã nói: "Bình Vọng tựa như vân tán, thế địa linh tất sinh nhân kiệt".

Tien si Tran Lu - Nha khoa bang duoc ton lam ong to nghe son-Hinh-2

Văn bia Tiến sĩ khoa Nhâm Tuất (1502) - khoa thi Trần Lư đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân.

Đầu thế kỷ 15, Bình Vọng nghĩ ra rượu sen tiến vua, được Nguyễn Trãi ghi trong sách "Dư địa chí". Sách "Đại Nam nhất thống chí" ghi: "Chợ Bình Vọng ở huyện Thượng Phúc, là một chợ lớn trong phủ Thường Tín". Ca dao cổ có câu: "Xứ Nam nhất chợ Bằng, Vồi".

Trong 9 thế kỷ thi cử bằng chữ Hán, Bình Vọng có nhiều người học rộng đỗ cao. Đó là Trần Lư, Nguyễn Hữu Đăng, Lê Nguyễn Thường (Lê Trọng Thường), Lê Tông Quang và Nguyễn Tông (Nguyễn Trữ).

Dấu tích nổi tiếng nhất của Bình Vọng còn lại cho đến ngày nay chính là cây cầu ngói 7 gian: 5 gian thông thủy cộng với 2 gian đầu hồi. Cầu làm bằng gỗ, có chiều rộng hơn 3m, chiều dài gần 20m, phần thân gỗ đặt trên mặt cầu bằng bê tông đổ thành 3 vòm, thay vòm trụ gạch kiểu cũ. Mặt cầu lát ván ngang, trải suốt chiều dài.

Hai bên đều có 2 hàng ghế, tựa vào lan can con tiện để người qua đường, người làng có thể ngồi nghỉ chân. Tại đây, trên 4 đôi trụ vuông ở giữa cầu, khắc 4 đôi câu đối, do các cụ trong làng Bình Vọng viết: Môn ngoại phong nghênh xuân hiến tú/ Kiều trung đối khách tửu nồng hương (Tạm dịch: Ngoài cửa, gió đón xuân về dâng cảnh đẹp/ Giữa cầu, tiếp khách rượu nồng thơm).

Trong kho sách chữ Hán của Thư viện Hán - Nôm có quyển "Bình Vọng Trần thị gia phả" với những ghi chép khá cụ thể về ông tổ nghề sơn Trần Lư. Đây là một bộ sách chép tay trên giấy lệnh hội, mang ký hiệu A979, gồm 476 trang, chia ra làm 15 kỷ, tức là 15 chi họ, do Trần Phương Xuân chép lại năm 1912. Ở kỷ thứ hai thấy có Trần Lư (còn đọc là Lô), tức là Trần tướng công, ông tổ nghề sơn.

Theo gia phả này thì Trần Lư, còn có tên là Lương, tự là Tu Khê, sinh năm Canh Dần (1470), đỗ Tiến sĩ khoa Nhâm Tuất (1502), niên hiệu Cảnh Thống thứ 5 đời vua Lê Hiến Tông. Tra xét trên văn bia đề danh Tiến sĩ khoa thi năm 1502 đúng là có tên Trần Lư. Ông đỗ hàng Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, đứng thứ 22 trong số 34 Tiến sĩ ở hàng Đệ tam giáp.

Đi sứ học được nghề sơn

Bài ký trên văn bia đề danh Tiến sĩ khoa thi năm 1502, có đoạn: "Mùa Xuân năm Nhâm Tuất niên hiệu Cảnh Thống 5 (năm 1502), theo lệ cũ, triều đình cho tổ chức khoa thi Hội. Tham gia kỳ thi này có rất đông thí sinh, số lượng lên tới 5.000 người.

Trải qua bốn trường thi đã chọn được 61 người vào thi Đình. Sau đó, các thí sinh được vua Lê Hiến Tông đích thân hỏi thi tại sân rồng. Sau kỳ điện thí, nhà vua đã chọn đủ tam khôi: Trạng nguyên, Bảng nhãn và Thám hoa…".

Bài ký do Lễ bộ Thượng thư kiêm Đông các đại học sĩ Đàm Văn Lễ - Tiến sĩ khoa Kỷ Sửu (năm 1469) soạn. Nội dung cho chúng ta biết những thông tin rất quan trọng về chế độ khoa cử dưới thời Lê sơ.

Cụ thể, kể từ khoa thi này, bảng vàng khắc tên các vị Tiến sĩ được rước và treo ở cửa nhà Thái học: "Mấy năm trước bảng vàng treo ở cửa ngoài Đông Hoa, năm nay sai bộ Lễ rước bảng có trống nhạc dẫn trước, đem treo ở cửa nhà Thái học, cốt khiến cho sĩ tử nhìn thấy mà thêm phần khích lệ…".

Triều đình cũng rất coi trọng việc tổ chức nghiêm túc các khoa thi, tuyển chọn nhân tài: "Quy phạm nghiêm ngặt, xử trí chặt chẽ, lựa chọn kỹ càng, thật đã chu đáo hết mức vậy. Nhờ thế danh sĩ hội tụ rất đông, người tài tìm đến, lựa chọn được nhân tài hơn hẳn mấy đời trước. Kẻ sĩ gặp thời cá nước, được hội gió mây...".

Chưa rõ sau khi đỗ đạt, Trần Lư được bổ làm chức gì, nhưng về sau ông làm đến chức Hiến sát sứ và từng hai lần được chọn đi sứ, trong đó có một lần vào thời vua Lê Thánh Tông. Do đi sứ Trung Hoa, ông được cho là đã nắm vững nghề vẽ bằng sơn và đã dạy nghề này cho dân làng Bình Vọng.

Khi nhà Mạc giành ngôi nhà Lê sơ, ông không chịu làm quan. Theo một số tài liệu, lúc ông đi sứ về thì Mạc Đăng Dung lên ngôi nên ông đã "tử tiết để giữ lòng trung" với nhà Lê. Gia phả không ghi cụ thể năm mất nhưng có một chi tiết giúp người nay đoán định được là năm 1527 - thời gian Mạc Đăng Dung tiếm ngôi vua Lê.

Từ một nhà khoa bảng lại trở thành ông tổ nghề sơn là vì sao? Theo nguồn gia phả thì: "Ông (Trần Lư) nắm vững được nghề vẽ bằng sơn và truyền nghề cho dân làng (Dĩ tự tiên sinh nhi toàn hương tri thử nghệ). Cả làng biết nghề này là do ông". Theo "Toàn Việt thi lục" thì tên tự của ông là Tu Hán. Sách này còn ghi là ông đi sứ hai lần vào những năm 1495 và 1506, ghi cả năm ông mất là 1540. Như vậy là có khác với nguồn chép từ gia phả.

Ngoài ra, gia phả còn ghi lại một đôi câu đối treo ở nhà thờ ông. Chính câu đối này khẳng định rằng Trần Lư đã dạy nghề sơn cho dân: "Lưỡng độ hoàng hoa danh Tiến sĩ/ Bách niên đan hoạch cổ tiên dân" (Hai phen đi sứ lừng danh Tiến sĩ/ Trăm năm son thắm dạy dỗ dân gian).

Tien si Tran Lu - Nha khoa bang duoc ton lam ong to nghe son-Hinh-3

Cây cầu ngói nổi tiếng ở Bình Vọng - quê hương Tiến sĩ Trần Lư.

Có công cải tiến, được dân tôn thờ

Gia phả còn cho biết, Tiến sĩ Trần Lư có để lại trên một nghìn bài thơ nhưng nay thất truyền. Trong thư viện của Viện Nghiên cứu Hán Nôm có tập "Hiến sứ công thi văn tập" gồm 246 bài thơ, phần lớn là thơ tiễn, thơ tặng bạn bè (như tiễn Nguyễn Tố, Giáo thụ họ Nhữ, Hoàng Tư Hiên, Lê Tín phủ...) và thơ vịnh cảnh (vịnh ao sen, mùa Hạ, mùa mưa...). Ngoài ra còn 54 bài văn bia, văn tế, trướng văn…

Riêng trong "Toàn Việt thi lục", Lê Quý Đôn có sưu tập được hai bài thơ của Trần Lư, một bài làm trên đường đi sứ và một bài nói về việc học nghề sơn.

Bài thơ đi sứ nhan đề "Quá quan thư hoài", như sau: Phụng mệnh hoàng hoa thượng thận chiên/ Bất từ nan sự, hựu xu tiên/Nhật từ Bắc khuyết thiên trình địa/Thổ mộng Nam triều vạn lý thiên/Tuẫn quốc cô trung hoài mị cập/Phì gia âm kế khẳng tư thiên/Duy dư chỉ xứng liên hồi quốc/Đãn khánh bình ninh thắng tích niên.

(Phụng mệnh đi sứ, lòng phải rất thận trọng/ Chẳng từ việc khó lại còn tranh được làm trước/Ngày ruổi ngựa tới kinh đô phương Bắc, đất ngàn xa dặm/Đêm mơ về triều đình cõi Nam, trời xa cách muôn trùng/Báo nước tấm lòng cô trung nghĩ sao cho xiết/Lợi nhà, rắp mưu kế dám đâu để tâm/Chỉ mong xong việc, quay ngựa về nước/Mừng thấy cảnh bình yên hơn hẳn năm xưa).

Theo giới nghiên cứu, bài thơ là cả một tấm lòng đặt việc nước lên trên hết, cùng nỗi niềm thao thức nhớ quê hương. Đặc biệt, thời điểm Trần Lư đi sứ là lúc triều Lê suy vi nặng nề, Mạc Đăng Dung đang lăm le cướp ngôi. Và quả thật chỉ một năm sau, khi ông đi sứ về nước thì họ Mạc đã lên ngôi vua.

Bài thứ hai của Trần Lư nói về việc học nghề sơn: Thuật nga dị tựu long văn chước/Họa điều tăng quang phượng thái gia…/Tinh xả cửu mông duy bút thụ/Trang hoàng tăng bí hội đồ gia... (Tả con ngài dễ đạt tới vẻ đẹp rực rỡ của con rồng/ Vẽ con chim thêm vẻ sáng nâng lên thành vẻ đẹp của con phượng/Nhờ ơn lâu vì đã truyền cho ngọn bút tinh xảo/Tăng vẻ đẹp trang trí nhờ có bức vẽ đẹp).

Tien si Tran Lu - Nha khoa bang duoc ton lam ong to nghe son-Hinh-4

Tại đền trưng bày các dụng cụ làm sơn mài và làm sơn ta.

Thực ra, nghề sơn ở nước ta đã có từ xa xưa. Người dân đã biết sử dụng nhựa sơn để sơn các vật dụng bằng gỗ. Sách "Việt sử thông giám cương mục", phần Chính biên, chép rằng: "Giáp Dần (1254, tháng 5).

Định quy chế dùng kiệu, dùng ngựa và quân hầu cho tôn thất và các quan văn võ. Phép nhà Trần, từ tôn thất đến quan ngũ phẩm đều được dùng kiệu, ngựa và võng: Tôn thất thì kiệu hình đầu chim phượng sơn son; quan tướng quốc thì kiệu hình chim anh vũ sơn then".

Như vậy theo nguồn sử này, và tạm cho là lịch sử làm sơn ở nước ta có từ khoảng năm 1254 thời nhà Trần, mà đến năm 1470 thời Lê sơ, Trần Lư mới ra đời tại làng Bình Vọng - thì tại sao lại có thể trở thành ông tổ nghề sơn? Băn khoăn này từng được giới mỹ thuật giải đáp.

Vào thế kỷ 15, Tiến sĩ Trần Lư bằng sự thông tuệ của mình, kết hợp kinh nghiệm học hỏi được trong chuyến đi sứ nhà Minh mà cải tiến hoặc sáng tạo ra những phương thức, kỹ thuật, nâng cao chất lượng sơn sống, tạo ra những loại sơn dầu, sơn quang bóng đẹp bền màu và nhất là ông đã tạo ra ngành sơn mài khiến giá trị mỹ thuật và ứng dụng của nhựa sơn Việt Nam tăng lên.

Cũng bởi sự cải tiến này mà nghề sơn ở nước ta phát triển mạnh mẽ, dân làm nghề sơn ở vùng Đồng bằng Bắc Bộ, dù là ở Hà Nội, Bắc Ninh hay Nam Định... đều thờ Tiến sĩ Trần Lư làm tổ nghề.

Giữa nội thành Hà Nội, số nhà 11 phố Hàng Hòm là ngôi đền Hà Vĩ thờ ông tổ nghề sơn Trần Lư. Theo địa chí, phố Hàng Hòm ngày trước không phải là đất làng Hà Vĩ, mà là đất phường Cổ Vũ.

Nhưng vì từ đời Lê, dân làng Hà Vĩ (nay thuộc xã Lê Lợi, huyện Thường Tín) lên kinh thành lập nghiệp bằng nghề làm các loại hòm rương và đồ gỗ sơn quang, sơn dầu, sơn mài. Họ thuê nhà ở phố này để hành nghề, do đó có tên là Hàng Hòm.

Lại theo phong tục cổ, dân đâu thần thánh đấy nên người Hà Vĩ đã lập một ngôi đền thờ tổ nghề để hàng năm xuân thu nhị kỳ và các ngày sinh hóa của thần thì phường sơn có chỗ cúng tế, khỏi phải về làng gốc.

Không chỉ có công với đất nước, Tiến sĩ Trần Lư được khẳng định có công cải tiến nâng cao kỹ thuật sơn dầu, sơn quang, sơn mài. Chính cải tiến đó đã tôn cao hơn giá trị của các mặt hàng sơn, nên việc tôn Trần Lư làm tổ nghề cũng là một cái lý chính đáng của những phường làm nghề sơn – và cũng để lại cho lịch sử khoa bảng những vị Tiến sĩ tài năng, không chỉ với con chữ, mà còn với nghề nghiệp sinh kế trong dân gian.

Trong sách "Lịch triều hiến chương loại chí", phần "Nhân vật chí", nhà sử học Phan Huy Chú có viết một mục về Tiến sĩ Trần Lư tại phần "Bề tôi tiết nghĩa". Theo đó, Phan Huy Chú đánh giá "Trần Lư được khen là có tiết nghĩa do không làm quan cho nhà Mạc". Thơ của ông được đánh giá là "lời đẹp, giàu tình, mang lòng yêu dân, yêu nước, thủy chung".

Tình tiết thú vị về chuyến đi sứ của vua Quang Trung (1)

(Kiến Thức) - Chuyến đi sứ của Quang Trung thực hư thế nào còn là "nghi án". Nhưng theo những nguồn tài liệu mới thì chính Nguyễn Huệ dẫn đầu chuyến đi mạo hiểm này. 

Dùng lời nói để dẹp nạn binh đao

Tình tiết bí ẩn về chuyến đi sứ của vua Quang Trung (2)

(Kiến Thức) - Chuyến đi Bắc quốc có một không hai của vua Quang Trung đã diễn ra với nhiều tình tiết thú vị và... bí ẩn.

Việc phong vương cho Quang Trung là một thắng lợi ngoại giao vô cùng quan trọng. Với nhà Thanh, đó là sự xác lập quan hệ giao hảo giữa hai nước. Với trong nước, đó là một sự công nhận, xóa bỏ vương triều Lê, Quang Trung chính thức là vua một triều đại mới.

Đọc nhiều nhất

Tin mới

Lợi ích sức khoẻ tuyệt vời từ quả sung

Lợi ích sức khoẻ tuyệt vời từ quả sung

Trong Đông y, quả sung có tính bình, vị ngọt giúp kiện tỳ thanh tràng (kích thích tiêu hóa, làm sạch ruột), giải độc, tiêu thũng, thường được dùng để chữa các bệnh về tiêu hóa, kiết lỵ, viêm ruột, táo bón, trĩ.