Dark Web (web ngầm) là thị trường khổng lồ của dữ liệu bị đánh cắp và thông tin người dùng. Sau những vụ trộm hay truy cập dữ liệu trái phép, thông tin cá nhân bị rò rỉ trở thành món hàng và được mua bán nhộn nhịp trên những trang này.
Darkweb là "chợ đầu mối" của thông tin cá nhân. Ảnh: Experian. |
Giá của thông tin cá nhân
Theo thống kê từ công ty phân tích dữ liệu Experian, có rất nhiều loại thông tin với giá bán dao động từ 1 đến 2.000 USD. Tất nhiên, chúng phụ thuộc vào nhiều yếu tố như thời gian, độ tin cậy của cơ sở dữ liệu...
Những thông tin được bán phổ biến trên web ngầm như số an sinh xã hội có giá 1 USD, thẻ tín dụng hoặc ghi nợ khoảng 5-110 USD, hộ chiếu (Mỹ) 1.000-2000 USD.
Bên cạnh đó, dữ liệu mạng xã hội như Facebook, Instagram, Uber, Twitter có giá lần lượt là 5, 1, 7 và 2 USD. Giá trị cao nhất thuộc về Paypal khi thông tin tài khoản được tin tặc bán với 247 USD tại "chợ đen".
"Vào năm ngoái, có 5,3 tỷ hồ sơ được công bố do tai nạn. 2,6 tỷ hồ sơ bị rò rỉ do tin tặc. Thông tin cá nhân đang trở nên rẻ mạt", Rick McElroy, nhà chiến lược an ninh tại công ty bảo mật Carbon Black nói.
Chúng được giao dịch như thế nào?
Có 3 cách chính để mua bán thông tin cá nhân. Cách thứ nhất, mua dữ liệu dưới dạng một lần, ví dụ như số an sinh xã hội. Thứ hai, mua dữ liệu hàng loạt, các gói cùng loại thông tin. Cuối cùng, mua dữ liệu gói, đây là sản phẩm "cao cấp" dành cho tin tặc vì nó bao gồm nhiều loại thông tin được kết hợp với nhau.
Theo số liệu năm 2017 từ tập đoàn Javelin, mức phạm tội lừa đảo dựa trên số liệu truy cập dữ liệu trái phép 2-6 tuổi đã tăng gần 400% trong 4 năm qua, lên đến 3,7 tỷ USD vào năm 2016.
Tự bảo vệ bản thân
Việc buôn bán thông tin cá nhân nói trên ngày càng gia tăng và nằm ngoài tầm kiểm soát. Do đó, để tự bảo vệ, người dùng nên tập thói quen tốt như duy trì mật khẩu mạnh, không chia sẻ thông tin cá nhân trên các mạng xã hội trừ trường hợp cần thiết và sử dụng phần mềm chống virus.