Nỗi khổ “lệch tông”
Khi lựa chọn các gói thai sản trọn gói với giá đắt đỏ, mẹ bầu cũng sẽ được lựa chọn một người thân cùng vượt cạn. Thông thường, các bố sẽ được ưu tiên số 1 nhằm giúp mẹ yên tâm sinh con và cảm nhận được sự yêu thương, chia sẻ của chồng. Có người lại muốn chồng vào phòng sinh để ghi lại trọn khoảnh khắc mình sinh con.
Tuy nhiên, ít mẹ lường được sự thay đổi đến mức không ngờ của người chồng sau khi cùng vợ “vượt cạn”. Chuyện bi hài đã xảy ra, nhất là với những mẹ nhu cầu chuyện ấy bỗng dưng tăng lên sau sinh, trong khi đức lang quân còn chưa hết nỗi sợ hãi.
Thu Thảo, một mẹ bỉm sữa tại Hà Nội đã phát khóc chỉ vì chuyện “khó nói” này. Chồng đi làm cả ngày, Thảo ở nhà chăm con một mình.
Chị chỉ mong đến giờ chồng đi làm về, vợ chồng cơm nước, trò chuyện vui vẻ. 10h tối, con bỗng ngủ sớm hơn mọi ngày, gạt nỗi xấu hổ, Thảo “gạ” chồng bằng một ánh mắt tình tứ. Thế nhưng chẳng hiểu sao, anh Hưng – chồng Thảo lại gạt phắt: “Ngủ đi, con dậy giờ!”.
Nghe chồng nói, Thảo tức phát khóc. Bao nhiêu ham muốn bỗng dưng “tan tành mây khói” chỉ vì câu nói vô tâm của chồng.
Ảnh minh họa. |
Có thể chồng Thảo lo vợ ở nhà chăm con mệt, muốn vợ ngủ sớm nhỡ lát nữa con dậy ăn đêm nên anh mới nói vậy chứ không có ý gì. Hải cũng thuộc dạng “nhu cầu cao” nhưng từ ngày trở thành “bố trẻ con”, anh cũng mệt mỏi, căng thẳng không kém vợ.
Quay cuồng đi làm, rồi lại về cơm nước cho vợ, không dám la cà quán xá, bia bọt. Hơn nữa, anh cũng muốn kiêng khem cho vợ vì mẹ anh suốt ngày ra rả: “Phải kiêng ba tháng mười ngày mới đủ cữ”. Anh vẫn chưa hết ám ảnh cảnh tượng “máu me nhìn ghê chết” khi vợ lâm bồn. Có lẽ cuộc sống xáo trộn đó đã khiến Hải bị giảm sút nhu cầu chăn gối.
Thế nhưng tâm hồn bà mẹ sau sinh quá “mong manh”, dễ tủi thân, cáu gắt nên đã đẩy mọi chuyện đi khá xa. Mặc cho Hưng dỗ dành nhưng Thảo vẫn thút thít: “Hay anh chê tôi xấu xí, chỗ đó giãn rộng, bụng phèo mỡ sau sinh?”. Quá ức chế, mọi cảm xúc bị dập tắt, cô nàng đã ra chính sách “cấm vận” chồng suốt cả tuần sau đó.
Sau vụ này, Hưng rút ra kinh nghiệm: “Chớ lỡ lời làm phật ý mẹ bỉm sữa sau sinh, kẻo chuốc họa vào thân có ngày”.
Nên thẳng thắn chia sẻ để “tháo nút thắt”
Trường hợp của Thảo không phải là hiếm. Không ít mẹ bỉm sữa rơi vào tình trạng ức chế, căng thẳng vì bị chồng từ chối chuyện chăn gối sau sinh con.
Chị Hoàng Trang, một bà mẹ hai con tại Hà Nội đã vô cùng hối hận vì “rủ” chồng vào phòng đẻ với kỳ vọng “vợ chồng cùng nhau trải qua giây phút vượt cạn thiêng liêng”.
Bởi trái với tưởng tượng của chị, sau vụ vào phòng đẻ, tận mắt chứng kiến toàn bộ quy trình ra đời của một em bé theo đường tự nhiên, nhìn sự thay đổi của vợ khi sinh con, chồng chị bị “choáng toàn tập”. Hậu quả quá bi hài là anh “sợ vợ”, không dám đụng vào người vợ suốt mấy tháng sau đó.
“Vừa tức vừa buồn cười. Nhưng lắm lúc ức chế, tủi thân khủng khiếp. Mình thì hứng và cũng một phần muốn giải tỏa mệt mỏi chăm con mà lão phán “Nghỉ! Nghỉ! Nghỉ!”, chị Trang giãi bày.
Đến khi con được 4 tháng, sau một lần nhắn tin nói hết tâm trạng để “thông não” đức lang quân, chị Trang mới có lần đầu tiên thực sự gần gũi chồng sau sinh.
Theo kinh nghiệm của chị thì các cặp vợ chồng nên cân nhắc việc có nên để chồng vào phòng sinh hay không?
Nếu quyết định lựa chọn thì nên thảo luận với nhau về những ảnh hưởng sau đó trong việc chăn gối. Bởi việc cả hai vợ chồng thoải mái về chuyện ấy thì ắt tư tưởng sẽ “thông thoáng”, như thế đời sống vợ chồng mới hạnh phúc.
“Chuyện thầm kín ấy cũng bị ảnh hưởng khi chồng tận mắt chứng kiến vợ sinh con nhưng hãy nói chuyện, chia sẻ thẳng thắn với nhau rồi mọi chuyện rồi cũng ổn", chị Trang nói.
(Họ tên nhân vật đã thay đổi)