Theo Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hữu Hưng, trước đây, TP phân bổ chữa trị F0 theo theo mô hình 5 tầng tháp. Trong đó, tầng 5 của tháp là BV hồi sức COVID-19, được trang bị đầy đủ các phương tiện hồi sức hiện đại, có nhiệm vụ hồi sức chuyên sâu cho các trường hợp mắc COVID-19 nguy kịch. Bảo đảm đầy đủ cơ số thuốc cho điều trị người bệnh COVID-19 có triệu chứng nặng và nguy kịch theo phác đồ của Bộ Y tế.
Tuy nhiên, hiện tại, khi Bộ Y tế chấp nhận cách ly F0 tại nhà, TP sẽ phân tầng lại cho phù hợp với tháp 3 tầng phân chia chữa cho F0 nhẹ, trung bình và nặng.
Vì vậy TP.HCM chuyển đổi từ 5 tầng xuống 3 tầng như trước đây.
Bệnh nhân nặng đang được điều trị. |
Tầng 1: Tầng này triển khai gói chăm sóc sức khỏe F0 tại nhà, kết hợp với các điều kiện đảm bảo an sinh và tại các cơ sở cách ly tập trung của quận, huyện, TP Thủ Đức cho các F0 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ.
Hiện nay, có 18.120 F0 đang cách ly tại nhà, 153 cơ sở cách ly tập trung F0 tại 22 quận, huyện và TP Thủ Đức với tổng số 23.898 giường.
Tầng 2: Tiếp nhận, thu dung các F0 cần cấp cứu, điều trị từ nhẹ, trung bình đến nặng, có kèm hoặc không kèm theo bệnh lý nền tại các bệnh viện (BV) dã chiến và các BV điều trị COVID -19, các bệnh viện chuyển đổi công năng...
TP hiện có 74 BV điều trị COVID-19 gồm 24 BV dã chiến (15 BV cấp TP, 8 BV quận - huyện), 41 BV đa khoa và 9 BV Trung ương, với tổng số 49.392 giường.
Tầng 3: Hồi sức chuyên sâu các trường hợp F0 nặng, nguy kịch tại các BV tuyến cuối của TP và Bộ Y tế tăng cường cho TP. Hiện có 8 BV hồi sức COVID-19 (BV Bệnh Nhiệt đới, BV Chợ Rẫy, BV Quân y 175 và 5 Trung tâm hồi sức quốc gia) với tổng số 3.882 giường.
Đối với F0 điều trị tại nhà, Sở Y tế TPHCM có hướng dẫn cụ thể như sau:
Điều kiện F0 cách ly tại nhà
Đối với F0 cách ly tại nhà cần đảm bảo điều kiện cách ly tại nhà theo quy định.
Đó là các F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ (không suy hô hấp: SpO2>=96%, nhịp thở <=20 lần/phút), dưới 45 tuổi, không có bệnh nền, không mang thai, không béo phì.
Người F0 cần có khả năng tự chăm sóc bản thân như ăn uống, tắm rửa, giặt quần áo, vệ sinh, có máy đo SpO2 cá nhân để theo dõi SpO2 thường xuyên. Có khả năng liên lạc với nhân viên y tế khi có tình trạng cấp cứu.
Đối với trẻ em, người cao tuổi, người có bệnh lý nền không tự chăm sóc được, cần có người hỗ trợ khi cách ly tại nhà.
Nhà đủ điều kiện để F0 cách ly phải có cửa sổ thông thoáng, có nhà vệ sinh riêng, có số điện thoại riêng. Có bàn hoặc ghế đặt trước cửa phòng cách ly để nhận thức ăn và các vật dụng cần thiết. Thùng rác có nắp đậy và túi rác đi kèm. Có sẵn dung dịch khử khuẩn tay và bề mặt, nước súc họng hoặc nước muối sinh lý (0,9%), khẩu trang y tế, nhiệt kế...
F0 điều trị tại nhà đều phải khai báo hằng ngày. |
Thuốc F0 sử dụng điều trị tại nhà
Các thuốc điều trị tại nhà bao gồm: thuốc hạ sốt, thuốc nâng cao thể trạng (vitamin, chất dinh dưỡng vi lượng, các thuốc y học cổ truyền), thuốc kháng virus và các thuốc kháng viêm corticoid, kháng đông dạng uống trong một số tình huống có chỉ định (riêng thuốc kháng virus sẽ có hướng dẫn sử dụng khi có hướng dẫn của Bộ Y tế).
Chỉ định sử dụng thuốc kháng viêm corticoid và kháng đông dạng uống: Người bệnh có triệu chứng sớm của suy hô hấp (cảm giác khó thở và/hoặc nhịp thở > 20 lần/phút và/hoặc SpO2 < 95%, nếu có) và chưa liên hệ được nhân viên y tế để được hướng dẫn, hỗ trợ.
Thuốc kháng viêm corticoid, có thể sử dụng một trong các loại thuốc sau:
- Dexamethasone:
+ Liều lượng: người lớn: 6 mg/lần/ngày, uống sau khi ăn (tốt nhất vào buổi sáng).
Nếu không có sẵn Dexamethasone, có thể sử dụng một trong các thuốc thay thế sau:
- Prednisolone:
+ Liều lượng: người lớn: 40 mg/lần/ngày, uống sau khi ăn (tốt nhất vào buổi sáng)
- Hoặc Methylprednisolone
+ Liều lượng: người lớn: 16 mg/lần, uống 2 lần/ngày cách 12 giờ, uống sau khi ăn (buổi sáng và buổi tối). Lưu ý: Người có bệnh dạ dày cần uống kèm thuốc dạ dày. Nếu có đáp ứng tốt, thời gian sử dụng tối đa là 7 ngày.
Thuốc kháng đông dạng uống, có thể sử dụng một trong các loại thuốc sau:
- Rivaroxaban: Liều lượng: 10 mg, uống 1 lần/ngày.
- Hoặc Apixaban: Liều lượng: 25 mg, uống 2 lần/ngày.
- Hoặc Dabigatran: Liều lượng: 220 mg, uống 1 lần/ngày. Lưu ý: Thời gian sử dụng tối đa 7 ngày; Chỉ sử dụng cho người trên 18 tuổi và thận trọng khi dùng cho người trên 80 tuổi.
Chống chỉ định với phụ nữ có thai và cho con bú, người suy gan, suy thận, có tiền sử xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết tiết niệu, có các bệnh lý dễ chảy máu. Khi sử dụng, người bệnh cần theo dõi các dấu hiệu xuất huyết (như xuất huyết dưới da, chảy máu chân răng, xuất huyết tiêu hóa...).
Thuốc dành cho F0 điều trị tại nhà có sự hướng dẫn chi tiết. |
Triệu chứng F0 được điều trị tại nhà cần hỗ trợ cấp cứu
Theo hướng dẫn này, khi F0 có một trong các triệu chứng như sốt trên 38 độ C, ho, đau họng, tiêu chảy, mất mùi vị, đau ngực, nặng ngực, cảm giác khó thở thì liên hệ nhân viên y tế qua tổng đài "1022” (bấm số 3 để được tư vấn từ Hội Y học TP.HCM hoặc số 4 để được tư vấn từ “Thầy thuốc đồng hành").
F0 có dấu hiệu chuyển nặng như khó thở biểu hiện bằng thở hụt hơi, thở nhanh trên 30 lần/phút, li bì, lừ đừ, tím tái mới, đầu chỉ, SpO2 < 95% (nếu có dụng cụ đo SpO2 tại nhà) thì liên hệ ngay tổng đài "115" hoặc số điện thoại của Tổ phản ứng nhanh của phường, xã, quận, huyện để được cấp cứu và vận chuyển đến bệnh viện điều trị kịp thời.
Mời bạn đọc xem thêm video: Thuốc điều trị COVID-19 từ dược liệu Việt Nam đầu tiên được cấp phép thử nghiệm lâm sàng | VTC Now