Theo các chuyên gia, ngủ ngáy do tình trạng không khí không được di chuyển một cách dễ dàng qua vùng mũi và miệng trong khi ngủ mà phải đi qua một chỗ hẹp trên đường thở, vị trí hẹp có thể ở mũi, họng, thường gặp nhất là do các cơ màn hầu trùng xuống hay xảy ra ở người cao tuổi, người béo... Sự chuyển động không khí trong thì hít vào và thở ra tạo nên rung động của lưỡi gà và màn hầu đó đó sinh ra tiếng ngáy.
Ảnh minh họa. |
Các nguyên nhân gây ngủ ngáy thông thường bao gồm:
1. Tuổi tác
2. Những bất thường về mũi và xoang
3. Tình trạng thừa cân hoặc béo phì
4. Uống rượu, hút thuốc và dùng thuốc
5. Tư thế ngủ
Về những nguy hại cho sức khỏe của tật ngủ ngáy, tờ Telegraph dẫn lời nhận định của một chuyên gia tư vấn tai - mũi - họng tại bệnh viện St John and St Elizabeth (London, Anh): Nếu không được xử lý hay điều trị, thói quen ngáy to có thể phát triển thành chứng ngưng thở khi ngủ, dẫn đến nhiều bệnh nguy hiểm, trong đó có nguy cơ đau tim.
Một số nghiên cứu khác cũng chỉ ra các nguy cơ mà người ngủ ngáy phải đối mặt như rối loan nhịp tim, đột tử trong giấc ngủ và ảnh hưởng đến đời sống hôn nhân.
ThS. Nguyễn Kiên Cường - viện Y học dự phòng Quân đội đã gợi ý trên tờ Sức khỏe & Đời sống một bài tập làm tăng trương lực cơ vùng hầu họng, giải quyết tình trạng ngủ ngáy rất đơn giản: Bạn chỉ cần lặp đi lặp lại việc phát âm các nguyên âm A, E, I, O, U; làm như vậy 30 phút mỗi ngày.
Mỗi một nguyên âm sẽ phát âm to với thời lượng khoảng 3 phút và lặp lại nhiều lần trong ngày. Lúc đầu tập ít, sau đó tăng dần thời lượng và bạn có thể thực hiện vào thời gian rảnh trong ngày phù hợp với lịch công tác sinh hoạt của mình. Chỉ cần siêng năng tập động tác trên, bạn sẽ cải thiện được tật ngủ ngáy phiền phức của mình.
Ngoài bài tập trên, ThS. Cường cũng giới thiệu môt số biện pháp chữa tật ngủ ngáy khác như:
+ Giảm cân: Giảm cân dù chỉ là giảm một chút cũng làm giảm tổ chức mỡ phía sau thành họng do vậy làm giảm hoặc ngưng tiếng ngáy.
+Tránh sử dụng chất kích thích như bia rượu, thuốc lá, thuốc an thần trước khi đi ngủ, vì chúng có tác dụng giãn cơ, do đó sẽ ảnh hưởng đến sự lưu thông đường thở.
+ Vệ sinh khoang mũi sạch sẽ trước khi ngủ, làm cho khoang mũi thông thoáng và không bị tắc nghẽn.
+ Giữ ẩm không khí trong phòng ngủ, không khí khô trong phòng ngủ làm kích thích niêm mạc mũi họng, uống đủ nước trong ngày, tránh làm khô niêm mạc mũi họng.
+ Gối đầu cao khi ngủ khoảng 10 cm, họng và cằm có xu hướng đưa ra phía trước, điều này có thể ngăn chặn được chứng ngủ ngáy.
+ Thay vì nằm ngửa khi ngủ thì người bệnh nên đổi tư thế thành nằm nghiêng vì nằm nghiêng ngủ ở tư thế nằm ngửa thường có xu hướng ngáy nhiều hơn. Nguyên nhân là do ở tư thế nằm ngửa, lưỡi gà và màn hầu bị võng xuống do trọng lực, gây cản trở đường thở và phát sinh tiếng ngáy.
Nếu đã thử những cách trên mà không thể cải thiện, người ngủ ngáy nên sớm gặp bác sĩ để được khám chữa bệnh hoặc tư vấn sử dụng thiết bị chống ngáy phù hợp.