So với điều trị nội khoa kinh điển và các phương pháp khác, kỹ thuật “triệt đốt các đường dẫn truyền gây nhịp tim nhanh trên thất bằng sóng cao tần” là điều trị mang tính triệt để, an toàn và có lợi về tính chi phí, hiệu quả.
Ngừng tim, đột tử vì nhịp tim nhanh
Ông Nguyễn Huy Hoàng (50 tuổi ở Việt Trì, Phú Thọ) có tiền sử bệnh rối loạn nhịp nhanh trên thất (NNTT), sử dụng thuốc hơn 10 năm nhưng vẫn thường xuyên có những cơn nhịp nhanh kịch phát trên thất (CNNKPTT): Tự dưng hồi hộp, khó thở, tức ngực, chóng mặt và choáng ngất, nhịp đập có lúc lên 250 nhịp/phút. Lần này, ông được đưa đến viện cấp cứu trong tình trạng ngất, tim ngừng đập. Ông được tiến hành cấp cứu khẩn cấp và tim đập lại nhưng vẫn nhanh gây nguy hiểm tính mạng. Cuối cùng các bác sĩ đã thực hiện đốt sóng cao tần đưa nhịp tim về bình thường, cứu mạng sống cho ông và ông không phải uống thuốc nữa.
Một ca cấp cứu đưa nhịp tim về bình thường tại Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ. |
BSCK II Ngô Thị Thu Hương, Trưởng khoa Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ cho biết, nhờ được chuyển giao kỹ thuật mới này từ tuyến trung ương từ đầu năm 2016 đến nay, mỗi tháng bệnh viện đã cứu sống và chữa trị triệt để cho khoảng 6 – 7 bệnh nhân bị CNNKPTT và ngoại tâm thu thất.
Theo BSCK II Ngô Thị Thu Hương, loạn NNTT là bệnh thường gặp, khoảng 2.3/1.000 dân có cơn NNTT và khoảng 50% bệnh nhân đến phòng cấp cứu liên quan đến bệnh này. Còn CNNKPTT là tình trạng tim đập quá nhanh, thường gặp ở ở người trẻ tuổi, khoẻ mạnh. Nhịp tim nhanh được định nghĩa là tim đập trên 100 nhịp/phút. NNTT có nghĩa rằng rối loạn này bắt đầu từ các phần phía trên của tâm thất. Nó có thể diễn ra tại nút xoang khi phát nhịp sai hay các rối loạn từ buồng tâm nhĩ gây loạn nhịp, nhịp đập có thể lên đến 140 – 250 nhịp/phút. Bệnh thường không kéo dài, đến và đi đột ngột, có thể diễn ra chỉ trong vài giây, đôi khi kéo dài đến vài phút thậm chí là vài giờ. Người bệnh thường có biểu hiện gồm: Hồi hộp, đánh trống ngực, chóng mặt, khó thở, tức ngực, choáng ngất... NNTT có thể không gây trở ngại hay phiền hà gì, cơn đau thoáng qua rồi đi nhưng về lâu dài gây rất nhiều biến chứng nguy hiểm như suy tim, đau tim, gây huyết khối động mạch vành, mạch máu não, đột tử và ngừng tim...
Điều trị triệt căn, ít tai biến
BSCK II Ngô Thị Thu Hương nhấn mạnh, CNNKPTT dù uống thuốc hằng ngày suốt đời vẫn có đợt rối loạn nguy hiểm xảy ra. Đặc biệt, có một nghịch lý là các thuốc chống loạn nhịp khi sử dụng trong một số trường hợp có thể gây ra chính tác dụng không mong muốn là làm loạn nhịp tim. Triệt đốt NNTT bằng sóng cao tần là phương pháp mới được chỉ định cho các bệnh nhân không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác hoặc không muốn điều trị nội khoa. Thủ thuật đốt điện được tiến hành trong phòng thông tim với các trang thiết bị chuyên dụng như máy chụp mạch với màn tăng sáng, hệ thống thăm dò điện sinh lý học tim và máy phát năng lượng tần số radio. Thông thường, đốt điện sẽ được tiến hành đồng thời với thủ thuật thăm dò điện sinh lý học tim. Trong thủ thuật này, một ống thông đốt đặc biệt được đưa qua tĩnh mạch đùi tới vị trí triệt đốt thông qua quan sát trên màn hình tăng sáng. Các ống thông được sử dụng để ghi lại các tín hiệu điện bên trong tim và xác định chính xác các vị trí gây NNTT. Sóng radio cao tần tại đầu ống thông được đưa đến vị trí phát nhịp bất thường và triệt đốt các vùng mô tim với đường kính khoảng 2mm mà không gây đau cho người bệnh. Thời gian can thiệp trung bình từ 2 – 3 tiếng.
BSCK II Ngô Thị Thu Hương cho hay, chi phí cho kỹ thuật này khoảng từ 10 – 15 triệu đồng đã trừ bảo hiểm, so với uống thuốc cả đời sẽ rẻ hơn. Đặc biệt, phương pháp can thiệp này an toàn, tỷ lệ thành công cao, đạt từ từ 90 - 95%, thể hiện ở việc các cơn nhịp nhanh không tái diễn và người bệnh không cần dùng thuốc. Có khoảng 5% nguy cơ tái phát cơn nhịp nhanh trên thất trong vòng 1 - 2 tháng đầu tiên.
Mời quý độc giả xem video về tai biến y khoa (nguồn VTV):