Khi hỏi Thoa bao giờ mới “xây tổ ấm”, Thoa cười cười: “Đang dành tiền mua “vật liệu xây dựng””.
Đến khi chúng tôi, dù chậm chân hơn Thoa nhiều, cũng đã “yên bề gia thất”, thì Thoa mới buồn rầu: “Mình cũng muốn tổ chức lắm, để còn ổn định cuộc sống. Con gái có thì. Tuổi xuân cứ trôi qua vèo vèo. Nhưng anh Dân cứ lần lữa mãi. Lúc thì nói còn trẻ, phải phấn đấu. Khi thì bảo từ từ, để bà chị anh ấy đi lấy chồng mới đến lượt bọn mình!”.
Ảnh minh họa. |
Rồi có tin đồn là hai người đã đường ai nấy đi. Không lâu sau đó, Dân gởi thiệp mời đám cưới. Tất nhiên tên cô dâu không phải là Thoa. Mọi người đều vừa giận Dân phản bội vừa thương Thoa phí cả tuổi trẻ. Hôm rồi, tôi gọi điện rủ Thoa đi cà phê để chia sẻ, an ủi nó. Lúc đầu, Thoa cũng loanh quanh chống chế là do yêu nhau quá lâu nên dần nhận ra không hợp nhau nữa thì chia tay. Nhưng sau đó, gạn mãi, nó mới thổ lộ lý do. Thì ra, nguyên nhân chủ yếu là do Thoa đã chấp nhận làm “dâu hờ”.
Chuyện đó bắt đầu cách đây khoảng gần 1 năm, khi gia đình 2 bên đã đi lại nói chuyện người lớn. Nghĩa là bố mẹ Dân đã đến “xin” Thoa cho con trai họ. Từ đó, Thoa tự cho mình là người nhà bên ấy. Còn gia đình Dân cũng “mặc định” Thoa là con dâu. Vì vậy, hễ nhà có việc gì là bố mẹ anh đều gọi cô về tham dự. Lúc đầu Thoa chỉ đến nhà như mọi khách mời khác.
Nhưng dần dần, Thoa cảm thấy không thể ngồi phơi mặt ra đấy khi mọi người bận rộn nên cô cũng tham gia. Lúc đầu là giúp vài việc lặt vặt như lặt rau, bày chén đĩa…Theo thời gian, số lượng công việc tăng dần. Thấy thế, bên nhà Dân cũng có áy náy. Nhưng phần thì thấy Thoa nhiệt tình. Phần khác, họ chặc lưỡi: “Trước sau gì Thoa cũng là con dâu trong nhà” nên thành quen. Thế là sau đó, mọi việc từ nhỏ đến lớn, Thoa đều xắn tay vào làm: nấu ăn, rửa bát, giặt dũ, dọn dẹp nhà cửa... Ban đầu, vì tự nguyện nên Thoa làm rất vui vẻ. Cô cũng muốn thể hiện mình sẽ là dâu hiền, vợ thảo.
Còn mẹ Dân thì cũng hay xởi lởi động viên: “Con tập làm dâu nhà bác đi là vừa! Ít nữa đám cưới sẽ dễ thích nghi hơn!”. Nhưng lâu dần, nhà Dân coi Thoa như một thành viên trong gia đình nên chả còn ngại ngần gì nữa. Cứ thản nhiên giao việc cho cô mà không ngần ngại gì cả. Có những thời điểm Thoa mải bù đầu với báo cáo cuối quý, vậy mà mẹ Dân cứ điện thoại ơi hời kêu về “thăm nhà”, tức là về lau cả 3 tầng nhà, giặt giũ quần áo cho cả nhà, đi chợ nấu ăn cho mọi người…
Có những ngày Chủ nhật, mang tiếng là về chơi nhà người yêu nhưng Thoa phải quần quật đầu tắt mặt tối, thở không ra hơi chứ đừng nói là chơi. Còn Dân chỉ chào hỏi vài câu lấy lệ, xong lấy xe máy phóng ra ngoài, cà phê cà pháo với bạn bè.
Bận rộn cả ngày, đến khi xong việc thì trời đã tối hù. Đường về nhà trọ lại xa nên mọi người khuyên Thoa ở lại. Sáng hôm sau về sớm. Phần thì sợ, phần khác, Dân cũng chẳng mặn mà chuyện đưa người yêu về nhà như ngày xưa nên sau một hồi lưỡng lự, Thoa đành chấp nhận. Tất nhiên là đêm đó Thoa ngủ trong phòng Dân vì mọi người hùa vào: “Sắp là vợ chồng, sao phải e dè!”.
Đúng là lần đầu tiên ở lại nhà Dân, ngủ cùng người yêu, Thoa rất ngại. Nhưng chỉ lần 2, lần 3 là quen. Sau đó, bố mẹ Dân nói Thoa chuyển về ở luôn trong nhà cho khỏi phải đi xa! Nghe thế, Thoa lắc đầu quầy quậy. Chưa làm đám cưới mà ở chung, hàng xóm cười chết. Mẹ Dân xuê xoa: “Ai cười hở mười cái răng. Chỉ vài tháng nữa là hai bác tổ chức đám cưới chứ lâu la gì đâu mà cháu ngại!”. Mọi người trong nhà cũng xúm vào “Đúng đấy! Phải quá! Thật tiện!”.
Từ đó, Thoa chính thức trở thành “dâu hờ” với cả gánh giang sơn nhà chồng đổ lên vai. Nhưng chuyện cưới xin thì chẳng còn ai nhắc lại. Một hôm, Dân tuyên bố là đã có người yêu khác, mong Thoa thông cảm! Hết sức bất ngờ và tuyệt vọng, cô khóc lóc cầu xin bố mẹ Dân. Nhưng ai cũng thờ ơ: “Chuyện của anh chị, chúng tôi không can thiệp!”.
Thế là Thoa đành xách gói ra khỏi nhà Dân sau gần 1 năm làm dâu hờ...